Khám phá

Tào Tháo: Vừa thoát họa Đổng Trác đã “sa” vào tay “minh chủ óc bã đậu”

Do chính trị nhà Hán thối nát, khiến Tào Tháo không làm được “năng thần (bề tôi giỏi) thời bình”, trái lại, ông ta gặp thời loạn.

Nắng nóng sẽ gia tăng ở Bắc Bộ với nhiệt độ có nơi trên 39 độ C / Sốc với quan hệ đồng giới của động vật (Phần 1)

Những người có chí, có tài thì không chọn lối ứng xử như Đổng Trác, Viên Thiệu, Viên Thuật. Còn Tào Tháo thì sự lựa chọn đầu tiên của ông là “anh hùng thời loạn”. Có thể minh chứng bằng những sự việc ông làm sau đó.

Đào tẩu trong đêm

Năm Trung Bình thứ sáu đời Hán Linh đế (189 sau CN), Linh đế chết, Đổng Trác vào Kinh, phế Thiếu đế Lưu Biện làm Hoằng Nông vương, lập Lưu Hiệp lên ngôi Hoàng đế, đó là Hán Hiến đế. Kinh đô lập tức đại loạn.


Ảnh minh họa.

Lúc này, Tào Tháo đang ở trong triều, giữ chức Điển quân Hiệu úy, một trong tám Úy của đội quân Tây Viên. Quân Tây Viên do Hán Linh đế thành lập tháng 8 năm Trung Bình thứ năm (188 sau CN), gần như quân cận vệ của triều đình. Chỉ huy quân Tây Viên gồm 8 Hiệu úy, cầm đầu là hoạn quan Kiển Thạc có chú ruột bị Tào Tháo đánh chết. Ông ta chức vụ cao nhất: Thượng quân Hiệu úy. Xếp dưới Kiển Thạc là Hổ bôn trung lang tướng Viên Thiệu, chức Trung quân Hiệu úy. Tào Tháo xếp thứ tư, dưới Hạ quân Hiệu úy Bão Hồng.

So với thờilàm cấp “Huyện phó kiêm Cục trưởng Công an huyện” ở Lạc Dương Bắc bộ úy, thì nay Tháo đã là quan to. Có lẽ Đổng Trác cũng biết Tào Tháo là người có tài, đề bạt ông ta lên chức Kiêu kỵ Hiệu úy, ngỏ ý cùng mưu việc lớn (dục dữ kế sự). Tào Tháo rất nhạy bén về chính trị, lại nhìn xa trông rộng, đoán chắc Đổng Trác sớm muộn sẽ bị cái họa diệt thân, nên không nhận lời, đổi họ thay tên, ngay trong đêm rời Lạc Dương bỏ chạy về quê. Chuyện giết cả nhà Lã Bá Xa xảy ra chính là trong cái đêm đào tẩu đó.

Thoát ngục tù trong gang tấc

Có điều, Tháo chạy đã nhanh, nhưng lệnh truy nã còn nhanh hơn. Rời Lạc Dương ra khỏi Lao Hổ quan (nay là huyện Chủng Dương, tỉnh Hà Nam) đến huyện Trung Tê (nay là thành phố Trịnh Châu), ông ta bị viên Đình trưởng tép riu (một chức dưới Xã trên Thôn) bắt giữ vị bị nghi là tội phạm, giải lên huyện qui án.

 

Lúc này lệnh truy nã của Đổng Trác đã về đến huyện. Tuy Tào Tháo một mực không nhận, nhưng đám thơ lại ở huyện vẫn nhận ra ông ta. Họ nghĩ rằng thời loạn không nên giết người tài, nên thuyết phục viên Huyện lệnh tha Tào Tháo. Tam quốc diễn nghĩa nói viên Huyện lệnh đó là Trần Cung. Điều này không đúng! Trần Cung chưa bao giờ làm Huyện lệnh huyện Trung Tê. Các sách đều không chép viên Huyện lệnh đó tên là gì. Nhưng có điều chắc chắn rằng Đổng Trác đã mất lòng dân, mà Tào Tháo chống Đổng Trác, ông ta được coi là anh hùng.

Được tài trợ, khởi sự chống Đổng Trác

Chạy đến Trần Lưu (nay là khu vực đông nam thành phố Khai Phong) thì Tào Tháo dừng chân, vì được một vị Hiếu Liêm tên Vệ Tư tài trợ một khoản tiền lớn. Điều này rất quan trọng. Vì thời Tam quốc, rất nhiều anh hùng như Lưu Bị đều bắt đầu khởi nghiệp từ tài trợ. Người có tiền thông qua tài trợ để tham dự chính quyền. Chuyện này đã trở thành truyền thống trong xã hội cổ đại Trung Quốc.

Có tiền trong tay, Tào Tháo chiêu binh mãi mã, thành lập nghĩa quân và tuyên bố khởi nghĩa tại Kỷ Ngô (nay là huyện Ninh Lăng, tỉnh Hà Nam), quân sĩ có năm nghìn người. Đó là vào tháng 12 năm Trung Bình thứ sáu (189 sau CN). Là người đầu tiên dựng cờ khởi nghĩa chống Đổng Trác, ông ta bắt đầu sự nghiệp của người anh hùng.

Cùng khởi nghĩa với Tào Tháo còn có Trương Mạc, một bạn cũ. Tam quốc chí. Trương Mạc truyệnchép: Loạn Đổng Trác, Thái tổ cùng Trương Mạc khởi nghĩa (Đổng Trác chi loạn, Thái tổ dữ Trương Mạc cử nghĩa). Nội ngoại họ Tào đều ủng hộ Tào Tháo. Tào Nhân, Tào Hồng, Tào Hưu, Tào Chân, rồi thì Hạ Hầu Đôn, Hạ Hầu Uyên... kéo đến giúp rập, trở thành những bộ tướng đắc lực.

 

Lĩnh chức quan “hy sinh dẹp loạn, đền nợ nước”

Hành động vì nghĩa của Tào Tháo được khắp nơi hưởng ứng. Các lộ chư hầu đều hăng hái thảo phạt Đổng Trác, khôi phục nhà Hán. Năm Sơ Bình thứ nhất đời Hiến đế (190 sau CN), Hậu tướng quân Viên Thuật, Ký Châu mục Hàn Phức, Dự Châu Thứ sử Khổng Trục, Cổn Châu Thứ sử Lưu Đại, Hà Nội Thái thú Vương Khuông, Bột Hải Thái thú Viên Thiệu, Trần Lưu Thái thú Trương Mạc, Đông quận Thái thú Kiều Mạo, Sơn Dương Thái thú Viên Di, Tế Bắc tướng Bão Tín... đồng loạt khởi nghĩa và thành lập liên quân, tôn Viên Thiệu làm minh chủ. Liên quân ở phía đông Hàm Cốc quan, nên gọi là quân Quan Đông, còn Đổng Trác ở phía Tây Hàm Cốc quan, nên gọi là quân Tây Bắc.

Tam quốc diễn nghĩa nói Tào Tháo là người hô hào thành lập liên quân (phát kiểu chiếu chư hầu ứng Tào công). Không phải vậy! Ông ta cự tuyệt Đổng Trác (đồng nghĩa với không tuân lệnh triều đình), liền trở thành tội phạm của triều đình (khâm phạm), bị truy nã, mất hết chức tước, quân lính cũng không nhiều, không đủ tư cách phát đi lời hiệu triệu. Việc hô hào lập liên quân thì có, nhưng do Thái thú Đông quận là Kiều Mạo làm, không phải Tào Tháo. Rõ ràng nhất là trong danh sách liên quân Quan Đông không có tên Tào Tháo. Người đầu tiên phong chức cho Tào Tháo là Viên Thiệu. Thiệu cho Tháo làm “Hành (quyền) Phấn vũ tướng quân”. Tháo nhận chức này vì ý nghĩa của nó là phấn đấu hy sinh dẹp loạn, đền nợ nước.

Viên Thiệu - ngôi sao trong thời loạn?

Nhưng lần này, Tháo lại thất vọng.

 

Trước hết, Viên Thiệu phải nói là rất hợp với chức minh chủ. Quân Quan Đông bầu ông ta làm minh chủ là có lí do.

Viên Thiệu xuất thân quyền quí,“bốn đời Tam công”, nghĩa là cha ông Thiệu đã bốn đời làm đến chức Tam công (cụ tổ Viên An là Tư Đồ thời Chương đế; ông trẻ Viên Sưởng là Tư Không; ông nội Viên Thang từng là Tư Không, Tư Đồ, Thái úy; bố là Viên Phùng, Tư Không; chú là Viên Ngỗi, Thái phó). Đó là một dòng họ uy danh hiển hách. Thời Đông Hán, ba chức Thái úy, Tư Đồ, Tư Không gọi gộp là “Tam công”. Địa vị của Tam công chỉ kém Hoàng đế, “dưới một người, trên muôn người”. Bốn đời Tam công, môn sinh khắp thiên hạ, mối quan hệ ấy rất thuận cho người làm chính trị.

Bản thân Viên Thiệu cũng rất hợp. Ông ta khôi ngô tuấn tú (hữu tư mạo uy dung), đối xử cũng được (năng chiết tiết hạ sĩ), quan hệ rộng (sĩ đa phò chi). Điều quan trọng nhất là ông ta chống Đổng Trác, khiến thiên hạ nể trọng.


Khi Đổng Trác truất Thiếu đế (Lưu Biện), lập Trần Lưu vương (Lưu Hiệp) có triệu Viên Thiệu đến thương nghị, nói rằng giống nhà họ Lưu không đáng giữ lại (Lưu thị chủng bất túc phục di), có nghĩa là phải lật đổ vương triều Hán, Viên Thiệu bác bỏ tại chỗ.

Tam quốc chí, Viên Thiệu truyện, chép Viên Thiệu không nghe, tay nắm đốc kiếm mà đi ra (Thiệu bất ứng, hoành đao trường nhiếp nhi khứ). Hiến đế xuân thu thì lại chép Thiệu từ chối thẳng thừng. Đổng Trác cả giận, chửi: “Thằng ranh con, chuyện lớn trong thiên hạ, chẳng lẽ ta nói chơi hay sao. Người cho rằng gươm của Đổng Trác không sắc?”. Viên Thiệu cũng rút kiếm ra: “Dưới gầm trời này, chẳng lẽ chỉ gươm của ông mới sắc?”. Bùi Tùng Chi cho rằng Hiến đế xuân thu chép vậy chưa chắc đã thực, nhưng chuyện Thiệu chống lại Đổng Trác thì có thật, vì chống Đổng Trác mà rời kinh thành là chuyện có thật. Do vậy mà Viên Thiệu rất được trọng vọng.

 

Những sai lầm ghê gớm “của minh chủ óc bã đậu”

Nhưng Viên Thiệu là kẻ đầu óc “bã đậu”. Loạn Đổng Trác do chính ông ta gây ra. Sau khi Linh đế chết, mâu thuẫn giữa các quan trong triều với bọn hoạn quan trở nên gay gắt, hai bên ra sức tàn sát lẫn nhau. Đại tướng Hà Tiến ra tay trước, giết phăng kẻ cầm đầu hoạn quan là Kiển Thạc, tiếp quản Thượng quân.

Lúc này, Viên Thiệu khuyên Hà Tiến nên dấn tới, giết sạch bọn hoạn quan, nhổ cỏ phải nhổ tận gốc. Nhưng Hà Tiến có điều khó nghĩ: Em gái Hà Tiến là Hà Thái hậu không tán thành. Hà Thái hậu năm xưa đầu độc giết Vương mỹ nhân – mẹ đẻ Lưu Hiệp, may nhờ bọn hoạn quan ra sức khuyên can nên thoát tội, không bị Linh đế phế truất. Vì chuyện ấy, Hà Thái hậu không đồng ý giết bọn hoạn quan. Vậy là Viên Thiệu lại bày một kế khác: Triệu về kinh các tướng lĩnh miền Tây, nhất là Tính Châu mục Đổng Trác, để gây sức ép với Hà Thái hậu. Và thế là Đổng Trác được triệu về Lạc Dương.

Triệu Đổng Trác về kinh là một kế ngu xuẩn. Ai cũng biết câu: “Với ma quỉ, rước dễ đuổi khó”, huống hồ lại là hung thần Đổng Trác. Hơn nữa, lại là chuyện không cần thiết. Theo Tam quốc chí. Võ đế kỷ, khi nghe tin nói trên, Tào Tháo cười, nói rằng, giải quyết chuyện hoạn quan thì có khó gì, triệt vài tên đầu sỏ là xong. Công việc này chỉ một tên cai ngục làm là đủ, “việc gì phải triệu hồi tướng ngoài biên ải?”. Hậu quả: Đổng Trác chưa về kinh, Hà Tiến đã bị hoạn quan giết; Đổng Trác về kinh, vua bị phế, Thái hậu bị đầu độc, Lạc Dương biến thành biển lửa. Tất cả là do Viên Thiệu, tội của Viên Thiệu.

Ai không có râu đều bị giết

 

Chưa phải đã hết, cũng do dốt, Viên Thiệu còn phạm thêm một sai lầm nghiêm trọng nữa.

Ông ta không thể khống chế thế lực gian ác đã đành, ngay cả đem “quân nhân nghĩa”, “quân cần vương” về triều cũng không cần thiết. Đúng như Tào Tháo nhận xét, bọn hoạn quan đắc thế là do được nhà vua tin dùng. Nếu nhà vua không tin dùng, bọn này chẳng làm nên trò trống gì. Giết gà cần gì đến dao mổ trâu, huống hồ con dao đó lại không có trong tay. Lính tráng là hung khí. Kiếm không được tùy tiện tuốt khỏi vỏ. Kiếm tuốt khỏi vỏ là đổ máu. Và không có gà thì sẽ giết trâu. Chính Hà Tiến và Viên Thiệu là những con trâu bị giết. Nếu như Viên Thiệu không chủ trương giết sạch hoạn quan khiến bọn Trương Nhượng bị dồn vào chân tường thì đâu đến nỗi! Chó cùng rứt giậu, lẽ ra Hà Tiến không toi mạng.

Đành rằng đảo chính cung đình toàn những thủ đoạn tàn độc, nhưng không thể do những kẻ uống máu người không tanh chủ trì, càng không được giết hại những người vô tội. Sự tàn sát dã man thế tất đẻ ra những kẻ chống đối hung hãn. Trên thực tế, cái gọi là đấu tranh chính trị, thực chất là đảo chính về nhân sự, đi tới quyền lực cân bằng,mối quan hệ giữa người và người được điều chỉnh. Được nhiều người ủng hộ thì thắng lợi càng lớn, vậy nên đoàn kết càng rộng rãi càng tốt, trừng trị tên đầu sỏ, khoan hồng kẻ theo đuôi. Không như bọn Viên Thiệu, bất kể ất giáp, gặp hoạn quan là giết. Huống hồ trong số thái giám có những người tốt, sao lại giết họ?

Sau khi Hà Tiến bị giết, Viên Thiệu đem quân vào kinh, gặp người không có râu là giết, rất nhiều thanh niên đành cởi truồng để chứng minh không phải hoạn quan. Tam quốc chí. Viên Thiệu truyện chép: Người ta cởi truồng để thoát nạn (tự phát lộ hình thể nhi hậu đắc miễn). Đó là Viên Thiệu tự tạo kẻ thù. Người nào quá nhiều kẻ thù, chắc chắn không có kết cục tốt đẹp. Vì vậy Tào tháo mới nói: “Ta đã thấy trước Viên Thiệu thất bại!”.

Như vậy vừa thoát họa Đổng Trác, Tào Tháo đã sa vào dưới trướng của “minh chủ óc bã đậu”

 

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm