Thế giới hồi giáo trước các cuộc thập tự chinh: Định dạng cho nghìn năm
Xác ướp 1.300 tuổi nguyên vẹn trong bọc đồng / Bệnh viện ma nổi tiếng nhất Singapore: Từ lời đồn rùng rợn đến trải nghiệm kinh hoàng của thợ săn ma
Ngay từ khi mới xuất hiện để áp đặt quyền lực lên cả một dải Trung Đông - Bắc Phi - Nam Âu, ngay trên đỉnh cao của sự hùng cường, đế quốc Hồi giáo nguyên thủy cũng đã kịp tiềm ẩn những hiềm khích và mâu thuẫn rất khó phai nhạt. Chúng luôn tồn tại âm ỉ, và chỉ có thể được tạm xếp lại khi phải đối diện với những kẻ thù chung hùng mạnh.
Vũ bão đường chinh phạt
Năm 622 được xem là năm thứ nhất (năm 1) trong lịch Hồi giáo. Đó là năm mà người sáng lập tôn giáo này - Giáo chủ Mohammed - được một nhóm người hành hương mời đến Yathrib, chính thức có được trung tâm truyền giáo đầu tiên sau những quãng thời gian dài lận đận (thậm chí đã từng bị chế nhạo, cô lập và phải rời khỏi thành phố lớn Mecca).
Yathrib đổi tên thành Al Medica. Và chỉ tám năm sau, Mohammed đã đủ thực lực để từ đây dẫn quân trở về Mecca. Ông vứt bỏ mọi tượng thần trong đền thiêng Kaaba, trừ một phiến đá đen mà ông thừa nhận tính thiêng liêng trong tôn giáo của mình.
Hai năm sau, năm 632, Mohammed qua đời. Song, vào thời điểm đó, một nửa thế giới Arab đã cải đạo theo Hồi giáo. Trong vòng một thế kỷ sau đó, đế quốc Hồi giáo mà ông sáng lập sải những bước chinh phạt khắp Địa Trung Hải. Những đoàn quân ấy tiến chiếm cả dải Bắc Phi, đánh sang tận Ấn Độ. Quân đội của Charles Martel phải chiến đấu với họ ngay trên đất Pháp.
Đế quốc Đông La Mã (Byzance) liên tiếp phải chống đỡ với họ để tồn tại. Và phải đến năm 1492, bán đảo Iberia (Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha ngày nay) mới hoàn tất quá trình tự giải phóng mình khỏi ách thống trị của Hồi giáo (Reconquista).
Trong tiến trình ấy, Syria và Ba Tư (Persia - Iran ngày nay) bị tiến chiếm gần như cùng một lúc, một cách dễ dàng, trong thập niên sau khi Mohammed mất. Syria, vốn thuộc Byzance, đã trở cờ bởi chán ngấy những xung đột giữa các giáo hội Thiên Chúa giáo.
Trong khi đó, Ba Tư đã suy yếu quá nhiều. Đầu tiên, hải quân Arab Hồi giáo chiếm Alessandria (Ai Cập) - quân cảng quan trọng bậc nhất của Byzance. Có được bàn đạp này, họ liên tiếp tiến đánh các đảo Chypre, Rhodes, sang miền nam Ý, rồi vượt Địa Trung Hải đánh xuống Bắc Phi, chiếm cả Carthage (Tunisia ngày nay, thuộc địa quan trọng hàng đầu của Đế quốc La Mã) vào năm 698.
Năm 711, quân đội Hồi giáo băng qua eo biển Gilbralta, bắt đầu xâm lăng Tây Ban Nha. Năm 725, sau khi áp đặt ách thống trị của mình lên toàn bán đảo Iberia, quân tiên phong của họ vượt qua rặng Pyrenee (ranh giới tự nhiên giữa Tây Ban Nha và Pháp bây giờ). Bảy năm sau, họ chạm trán với quân của Charles Martel ở trận Tours.
Trước đó, từ Ba Tư, quân Hồi giáo cũng liên tục hướng về phía Đông, đến tận Ấn Độ, thiết lập một vương triều tại miền Bắc nước này, rồi tiếp tục bành trướng đến sát biên thùy phía Tây của Trung Quốc. Đồng thời, từ Ai Cập và Bắc Phi, các đoàn quân chinh phạt cũng tiến xuống tận những hoang mạc ở Trung Phi.
Đó thực sự là một đế chế cường thịnh, đầy sức sống với lãnh thổ bao la trải rộng trên ba châu lục, đủ sức uy hiếp mọi thiết chế quyền lực hùng mạnh nhất thời bấy giờ. Đặc biệt, phát xuất từ Trung Đông, văn hóa Hồi giáo ngay từ lúc lọt lòng đã kế thừa truyền thống cũng như các thành tựu rực rỡ của những nền văn minh lớn như Lưỡng Hà hay Ba Tư.
Từ đó, ở cả triết học, y học, thi ca, kiến trúc, mỹ thuật cũng như nhiều loại hình khoa học - nghệ thuật khác, văn minh Hồi giáo đều có những bước phát triển vượt bậc, ghi dấu trong lịch sử văn minh nhân loại.
Các chữ số Arab mà chúng ta sử dụng hiện tại là một thí dụ, nhưng hơn thế, văn minh Hồi giáo còn được xem là sự lưu giữ, bảo vệ và phát huy các thành tựu cổ đại của văn minh phương Tây, khi những thành tựu đó bị chối bỏ và xem là "tà đạo" trong "đêm trường Trung cổ Thiên Chúa giáo" ở châu Âu.
Mầm chia rẽ trong thời cực thịnh
Vấn đề là, cũng không khác là bao so với rất nhiều định chế quyền lực kim cổ từng hiện diện trong dòng chảy lịch sử loài người, đế quốc Hồi giáo sớm bộc lộ những nguy cơ phân rã ngay trên đỉnh cao hưng thịnh. Và những vết rạn ban đầu ấy, theo thời gian, hằn sâu thành những hố thẳm rất khó lấp đầy trên bản đồ địa chính trị của thế giới hiện đại.
Chúng ta đang nói đến sự hình thành hai hệ phái lớn tương đối bất khoan dung đối với nhau: Sunnite (có nghĩa là Chính thống) và Shiite (hoặc Shia - Hệ phái). Hai khái niệm này xuất hiện ngay sau khi Mohammed qua đời. Chúng liên quan trực tiếp đến vấn đề lựa chọn người kế vị của ông.
Những đoàn quân chinh phạt của đế quốc Hồi giáo. |
Một cách ngắn gọn, sau những tranh cãi nảy lửa bởi Mohammed không chính thức chỉ định người kế vị mình (Khalif, hoặc Caliph), những trưởng lão quan trọng của Hồi giáo đầu tiên không thuộc gia đình của Mohammed được chọn làm Khalif.
Đa số giới tín đồ ủng hộ họ, và những người này chính là phái Sunnite - hệ phái lớn nhất của Hồi giáo. Những người thuộc Sunnite cho rằng chỉ cần là người công chính, luôn hành xử theo lời dạy của kinh Quran cũng như những lời răn của Mohammed để lại là đủ điều kiện để được bầu làm Khalif.
Song, đến năm 656, khi Khalif thứ ba bị ám sát, nhóm Shiite lên tiếng. Đó là nhóm tín đồ ủng hộ Ali - con rể của Mohammed. Họ bác bỏ tính hợp pháp của các Khalif trước, bởi họ cho rằng trong lần hành hương cuối cùng đến Mecca trước khi qua đời, Mohammed đã chỉ định Ali làm người kế vị, đại diện cho mình.
Năm 656 ấy, Ali lên ngôi Khalif. Cũng năm ấy, cuộc nội chiến đầu tiên trong lòng thế giới Hồi giáo bùng nổ. Năm 661, Ali bị ám sát. Ngôi Khalif thuộc về dòng họ Umayyad trị vì tại Damas, mở ra một giai đoạn thịnh trị đến tận năm 750.
Suốt thời gian ấy, phái Shiite không nguôi nung thù nấu hận. Họ rút về miền Nam Iran hiện nay, xây dựng căn cứ. Năm 750, vị đại diện cuối cùng của dòng họ Umayyad bị giết, cùng 90 người trong gia đình. Người chủ mưu - Abu I Abbas - không thuộc Shiite, nhưng lại có dây mơ rễ má về huyết thống với gia tộc Mohammed. Ông dời đô về Baghdad, nghĩa là từ bỏ miền địa chính trị ở trung tâm đế quốc.
Sau lưng ông, những thế lực cát cứ bắt đầu trỗi dậy. Ở cực Tây đế quốc, các hậu duệ của dòng Umayyad xây dựng vương quốc cho riêng mình tại Cordova (Tây Ban Nha), và cũng tự xưng là Khalif.
Các tiểu quốc Hồi giáo riêng rẽ khác xuất hiện tại Morocco hay Tunisia. Đến thế kỷ thứ X, một triều đại Shiite kiến lập kinh đô tại Cairo (Ai Cập), cũng đường hoàng xưng hiệu Khalif. Ở Ba Tư hay ở Syrie, các thiết chế đối nghịch cũng lần lượt xuất hiện. Và năm 1055, tại chính Baghdad, dù Khalif còn đó, nhưng quyền lực đã lọt vào tay sắc dân Seljuk (gốc Thổ Nhĩ Kỳ).
Nói như nhóm tác giả Crane Brinton (Đại học Harvard), John B.Christopher (Đại học Rochester) và Robert Lee Wolff (Đại học Harvard) của cuốn Văn minh phương Tây, "sự phức tạp của các miền lãnh thổ cũng như dân cư tại các vùng đó, cùng sự lủng củng trong nội bộ khiến người Arab không thể thành lập một đế quốc thống nhất theo đúng nghĩa".
Hơn thế, truyền thống du mục cũng ngăn cản sự kết nối và gắn bó của họ. Cuối cùng, những khác biệt về ý niệm tôn giáo cũng như tính chính thống khoét sâu thêm các mâu thuẫn.
Phân bố các quốc gia Hồi giáo trên thế giới. |
Và bởi vậy, hiện tại, dù cùng theo một tôn giáo, dù từng có thời điểm tạm được thống nhất với nhau dưới lá cờ của đế quốc Ottoman, và dù từng cùng hết sức vất vả để tìm kiếm độc lập sau hai cuộc Đại chiến Thế giới, nhưng Saudi Arabia (Shiite), Iran (Sunnite) và Thổ Nhĩ Kỳ vẫn xem nhau là các kình địch. Mối hiềm khích giữa những cường quốc hàng đầu thế giới Hồi giáo ấy vẫn đang hằng ngày tác động đến định dạng của thế giới Arab ở Bắc Phi - Trung Đông…
|
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Binh sĩ nhà Umayyad.