Khám phá

Thực vật có biết đau không? Có thể la hét khi bị tổn thương không? Câu trả lời chắc chắn khiến nhiều người bất ngờ

DNVN - Chúng ta vẫn nghĩ cây cối im lặng. Nhưng các nhà khoa học vừa phát hiện ra: thực vật thực sự biết kêu lên khi gặp căng thẳng – chỉ là chúng ta chưa từng nghe thấy mà thôi.

CLIP: Trâu rừng phản công bất ngờ khiến bầy sư tử hoảng loạn bỏ chạy, đánh rơi miếng mồi ngay trước mắt / CLIP: Đi săn lợn bướu, sư tử bị con mồi húc thủng bụng và cái kết bất ngờ

Trong một nghiên cứu đột phá được công bố trên tạp chí Cell, các nhà khoa học từ Đại học Tel Aviv, Israel đã phát hiện thực vật phát ra âm thanh – dạng tiếng “tách” hoặc “búng” – ở tần số siêu âm, vượt ngoài khả năng nghe của con người. Những âm thanh này xuất hiện rõ rệt khi cây rơi vào trạng thái căng thẳng như thiếu nước hoặc bị cắt thân.

“Ngay cả trong một cánh đồng yên tĩnh, vẫn có những âm thanh mà con người không thể nghe thấy, nhưng các sinh vật khác thì có thể,” nhà sinh học tiến hóa Lilach Hadany, trưởng nhóm nghiên cứu, chia sẻ. “Điều đó cho thấy có thể đang tồn tại cả một thế giới giao tiếp âm thanh của thực vật mà ta chưa từng biết đến.”

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Cây căng thẳng – âm thanh “nổ” vang trong im lặng

Trong thí nghiệm, nhóm nghiên cứu đã ghi âm cây cà chua và thuốc lá trong nhiều trạng thái: khỏe mạnh, bị thiếu nước và bị cắt thân. Họ sử dụng buồng cách âm chuyên dụng, sau đó kiểm tra lại trong môi trường nhà kính bình thường.

Kết quả cho thấy, cây khỏe mạnh hầu như không phát ra âm thanh. Nhưng khi bị căng thẳng, chúng “lên tiếng” rõ rệt – phát ra tới 40 tiếng “búng” mỗi giờ. Thậm chí, cây bắt đầu phát ra tiếng động trước khi có bất kỳ dấu hiệu héo úa nào mà mắt thường nhìn thấy được.

Thuật toán học máy do nhóm phát triển có thể phân biệt chính xác âm thanh giữa các loại cây và tình trạng sức khỏe của chúng. Không chỉ cà chua và thuốc lá, mà các loài như lúa mì, ngô, nho, xương rồng hay rau đắng cũng đều “nói chuyện” theo cách tương tự.

 

Vì sao cây “kêu”?

Cơ chế phát âm thanh vẫn còn là bí ẩn. Một giả thuyết được đặt ra là hiện tượng cavitation – khi bong bóng khí trong thân cây vỡ ra trong điều kiện khô hạn, tạo ra tiếng “rắc” tương tự khi ta bẻ khớp tay.

Câu hỏi đặt ra là: những âm thanh này có phải là một dạng giao tiếp tiến hóa để tồn tại, hay chỉ là phản ứng sinh học thụ động? Dù chưa có lời khẳng định chắc chắn, nhưng khả năng các loài động vật hoặc thậm chí là thực vật khác có thể nghe và phản ứng lại những âm thanh đó là hoàn toàn có thể.

“Một con sâu bướm chuẩn bị đẻ trứng hay một loài ăn cỏ có thể thay đổi hành vi nếu phát hiện âm thanh ‘đau đớn’ từ cây,” Hadany đưa ra giả thuyết. Điều này mở ra cả một hướng nghiên cứu mới về khả năng giao tiếp và phản ứng giữa các sinh vật sống trong tự nhiên.

Tương lai: Lắng nghe tiếng kêu cứu của thực vật?

 

Phát hiện này không chỉ mang tính khoa học – nó còn có tiềm năng ứng dụng thực tế rất lớn. Chẳng hạn, hệ thống cảm biến âm thanh có thể giúp nông dân phát hiện cây trồng đang thiếu nước trước khi chúng héo rũ, từ đó can thiệp sớm để nâng cao hiệu quả canh tác.

Nhóm nghiên cứu đang tiếp tục mở rộng phạm vi thí nghiệm để xác định liệu các loài cây khác có thể “nghe” nhau hay không – và nếu có, chúng sẽ phản ứng thế nào.

“Giờ chúng ta đã biết cây phát ra âm thanh – câu hỏi tiếp theo là: ai đang lắng nghe?” Hadany đặt vấn đề. “Chúng tôi đang tìm hiểu phản ứng của các loài động vật và thực vật khác, cũng như khả năng phát hiện âm thanh này trong môi trường tự nhiên.”

Một điều chắc chắn: thế giới của thực vật không còn im lặng như ta từng tưởng.

Như Ý (Science Ealert)
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm