Tộc nữ chiến binh truyền thuyết ở Lục địa Đen
Tiết lộ sốc về gia tộc Sa hoàng Nga trước khi diệt vong / Hình ảnh độc đáo về bộ tộc sống cách biệt với thế giới: Không tắm bằng nước, phụ nữ ở trần, dùng đất sét để làm tóc và trang điểm
Nguồn gốc của tộc nữ chiến binh hùng mạnh tưởng chỉ có trong truyền thuyết, trên thực tế bắt nguồn từ một quốc gia nhỏ bé nằm ở khu vực phía Tây Lục địa Đen. Ngày nay, hậu duệ của các chiến binh Amazon vẫn duy trì được các truyền thống mà tổ tiên của họ để lại. “Bà ấy là Nữ hoàng của chúng tôi. Bà ấy là Chúa trời của chúng tôi. Chúng tôi sẵn sàng chết vì bà” - Rubinelle, nữ Thư ký 24 tuổi kể về người bà của mình đang ngồi trên phản ở phòng khách một ngôi nhà ở Abomey, thủ đô cũ của Vương quốc Dahomey và giờ là một thành phố phía Nam Benin. Trên đầu của người phụ nữ nọ là một chiếc vương miện.
Người phụ nữ lớn tuổi đó chính là hậu duệ của Nữ hoàng Hangbe, theo truyền thuyết chính là người sáng lập ra Amazon, tộc chiến binh tinh nhuệ gồm chỉ toàn nữ giới. Bà được thừa hưởng lại danh vọng cùng quyền lực của tổ tiên. Luôn ở sát vị Nữ hoàng này là 4 chiến binh Amazon. Căn phòng nơi bà ở khá rộng: Có một chiếc bàn và nhiều ghế dành cho khách tới thăm, ở trong góc phòng là một chiếc TV đời cũ và một tủ đựng đồ uống tự chế.
Theo lời kể của vị Nữ hoàng, chiến binh Amazon Dahomey từng là binh sỹ thuộc quân đội của Vương quốc Dahomey, một đế chế Tây Phi từng tồn tại trong khoảng năm 1625-1894. Tàn dư của đế chế này ngày nay nằm ở Benin, quốc gia bao trùm vùng bờ biển nằm giữa Nigeria và Togo.
Dù là trong các cuộc chiến với các bộ lạc khác hay phản kháng lại các thế lực đến từ châu Âu, chiến binh Amazon luôn thể hiện mình là những chiến binh tinh nhuệ không hề biết sợ hãi. Tại một trong những trận chiến cuối cùng chống lại người Pháp vào năm 1892 trước khi đất nước này trở thành thuộc địa của Pháp, chỉ có 17 trong tổng số 434 chiến binh Amazon sống sót trở về. Theo truyền thuyết, Hangbe đã trở thành Nữ hoàng vào đầu thế kỷ 18 sau cái chết bất ngờ của người anh trai của mình, Akaba. Nhưng sau một khoảng thời gian trị vì ngắn ngủi, bà bị lật đổ bởi người em trai thèm khát quyền lực, Agaja. Dưới thời cai trị của Agaja, mọi di sản mà Nữ hoàng Hangbe để lại đều bị xóa sạch.
Những người phụ nữ ở Benin ngày nay vẫn lưu giữ một số di sản mà tổ tiên là tộc chiến binh Amazon để lại. (Nguồn: Reuters).
|
Ngày nay, trong một bảo tàng bụi bặm nằm bên trong Cung điện hoàng gia ở Abomey, những chiếc vương trượng của hoàng gia được sắp xếp theo thứ tự thời gian trị vì, nhưng không hề có vương trượng của Nữ hoàng Hangbe. Chính điều này đã khiến các nhà sử học đặt ra câu hỏi rằng, liệu Nữ hoàng Hangbe có thực sự tồn tại? Tuy nhiên, di sản duy nhất của Nữ hoàng Hangbe vẫn còn được lưu giữ, đó chính là những nữ chiến binh Amazon. Đến nay, giới sử học tìm thấy nhiều tài liệu viết tay và cả lời truyền miệng về nguồn gốc của lực lượng chiến binh toàn nữ giới này. Một số nguồn mô tả nữ chiến binh Amazon là những thợ săn voi, sau được tuyển mộ thành chiến binh. Một giả thuyết khác được nhiều người chấp nhận hơn, đó là Amazon là lực lượng lính gác của Nữ hoàng Hangbe, và những vị Vua sau này.
Chính vua Ghezo, trị vì Dahomey trong khoảng năm 1818-1858, là người đã chính thức sáp nhập lực lượng nữ chiến binh Amazon vào quân đội. Đây được xem là một quyết định thực tế, trong bối cảnh nguồn nhân lực nam thiếu thốn do nạn buôn bán nô lệ ở châu Âu lúc bấy giờ.
Việc chính thức công nhận Amazon như các binh sỹ chính quy của Dahomey đã làm tăng sự đa dạng trong xã hội của vương quốc này, đặc biệt là về tôn giáo, khi hình thành một tôn giáo mới có tên là Vodun - ngày nay là một trong những tôn giáo chính thức ở Benin.
Các ghi chép lịch sử về nữ chiến binh Amazon mà thế giới được biết đến hầu như không chính xác. Tuy nhiên, các tay buôn nô lệ châu Âu, các nhà truyền giáo và những kẻ thực dân từng ghi nhận lại những lần mà họ phải đối đầu với tộc nữ chiến binh đáng sợ này.
Năm 1861, mục sư người Italy Francesco Borghero kể rằng ông vô tình được chứng kiến một cuộc tập trận mà trong đó hàng nghìn người phụ nữ leo lên một bụi gai lớn cao 120 m mà không mang thứ đồ bảo vệ nào trên người. Năm 1889, nhà quản lý thuộc địa Pháp Jean Bayol cho hay ông từng chứng kiến một chiến binh Amazon trẻ tuổi tiến tới một tù binh trong một buổi huấn luyện. “Cô ta đi tới, vung gươm 3 lần bằng cả 2 tay, sau đó từ từ cắt bỏ phần đầu của tù binh... Sau đó cô ta lấy hết máu từ vũ khí của mình và uống nó” - theo lời kể của Bayol.
Những người châu Âu từng đến thăm vương quốc này vào thế kỷ 19 thậm chí mô tả Amazon như những chiến binh đáng sợ trong thần thoại Hy Lạp. Ngày nay, các sử gia gọi họ là “Mino”, theo tiếng Fon của địa phương có nghĩa là “Những người mẹ của chúng ta”. Tuy nhiên, Leonard Wantchekon, người thành lập Trường Kinh tế châu Phi ở Cotonou, Benin, cho rằng nhiều người đã hiểu sai vai trò của những chiến binh này trong xã hội Dahomey trước kia. “Mino thực ra có nghĩa là nữ phù thủy”, ông Wantchekon nói.
Mỗi vị Vua cai trị đều phải xây dựng một cung điện mới đặt sát cung điện của người tiền nhiệm, điều này khiến cung điện cũ trở thành lăng mộ của vị Vua trước. Tuy nhiên, đời vua Behanzin, vị Vua cuối cùng của đế chế Dahomey, đã thiêu rụi tất cả các cung điện trước khi người Pháp ập tới, bởi vậy mà nay chỉ còn lại một phần tường thành của cung điện còn sót lại ở Abomey.
Bức phù điêu trên tường thành này cho thấy cách mà chiến binh Amazon sử dụng các loại vũ khí như chùy, súng trường nòng dài và dao rựa để chiến đấu với kẻ thù. Trong một khu trưng bày của khu vực thành cổ nay là bảo tàng là một chiếc sọ người có gắn lông đuôi ngựa - một chiếc sọ của kẻ thù mà chiến binh Amazon mang về cho nhà Vua của họ để sử dụng như vỉ đập ruồi.
Ngày nay, tưởng chừng như huyền thoại về tộc nữ chiến binh hùng mạnh Amazon đã phai nhạt theo thời gian, nhưng thực tế cho thấy ngày càng có nhiều người quan tâm hơn đến những chiến binh bí ẩn này, một phần lớn là nhờ các bộ phim Hollywood lấy cảm hứng từ họ. Bên cạnh đó, vai trò của phụ nữ ở châu Phi đang dần lớn hơn, điều khiến cho nhiều người muốn tìm hiểu họ rõ hơn về vai trò của họ trong quá khứ.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Loài cây ‘ăn thịt cừu’ tự bốc cháy khi nhiệt độ lên tới 40 độ, đàn cừu đến gần đồng nghĩa với cái chết!
Chợ duy nhất của Việt Nam có tên liên quan đến cái chết, nghe tên ai cũng phải rùng mình
Tại 1 nơi ở Trung Quốc, đốt lửa sưởi ấm vào ban đêm lại giống như đi tìm cái chết, con người bị cấm sinh sống!
3 giả thuyết liên quan đến cái chết của Tần Thủy Hoàng, hóa ra có liên quan đến loại 'tiên dược' này
Cái chết bí ẩn của Thái hậu Từ Hi: Sự thật lịch sử và thuyết âm mưu
Ngọn núi cao nhất thế giới: Cao hơn Everest gần 2.000m, luôn khiến các nhà khoa học lo ngại 1 điều?