Từ thời tiền sử, trên Trái Đất đã xuất hiện vô số loài sinh vật có hình dạng khổng lồ và cực kỳ nguy hiểm. Dưới đây là Top 10 động vật được cho là đáng sợ nhất từng sinh sống trên hành tinh xanh.
Loài kiến có bộ hàm 'quái vật', đóng mở nhanh gấp 5.000 lần một cái chớp mắt /
Quái vật thời tiền sử: Siêu cá sấu có thể 'làm thịt' cả khủng long
1. Gorgonops - Sinh sống cách đây khoảng 260 - 254 triệu năm
Tuy sở hữu thân hình khá nhỏ bé với chiều dài tính từ mũi đến chóp đuôi chỉ khoảng 1,2-2m, nhưng Gorgonops lại là một trong số các loài săn mồi đáng sợ nhất ở châu Phi vào cuối kỷ Permi. Bởi vì, chúng sở hữu bộ răng cực kỳ sắc nhọn và có những chiếc răng nanh dài đến 12cm. Một lợi thế đáng sợ khác của loài này chính là việc có thể di chuyển rất nhanh, nên khi các con mồi đã lọt vào “tầm ngắm” của nó thì rất ít có cơ hội sống sót.
2. Megalodon – Sinh sống cách đây khoảng 15,9 - 2,6 triệu năm
Megalodon được xem là loài cá mập lớn nhất từng sống trên Trái Đất và là một trong những loài săn mồi có xương sống lớn nhất trong lịch sử tự nhiên. Những hóa thạch tìm thấy đã chỉ ra rằng, loài cá mập khổng lồ này có thể đạt tới chiều dài có thể lên đến 18m. Không những vậy, cân nặng của chúng cũng thuộc hạng “khủng” với trọng lượng có thể đạt 100 tấn.
Tuy nhiên, điều đáng sợ nhất của Megalodon chính là bộ răng của chúng. Với tổng cộng khoảng 276 chiếc răng sắc nhọn và có những chiếc dài tới 21cm, loài cá mập khổng lồ này thực sự khiến các sinh vật sống cùng với chúng phải khiếp sợ. Chưa dừng ở đó, Megalodon còn có thể tăng tốc lên đến 70km/h trong lúc săn mồi. Đây là một trong những lý do giúp nó có thể trở thành kẻ thống trị đại dương ở thời kỳ Đại Tân Sinh.
3. Phorusrhacidae – Sinh sống cách đây khoảng 62 - 2,5 triệu năm
Tuy là loài chim, nhưng Phorusrhacidae lại không hề biết bay. Thế nhưng, với việc sở hữu chiều cao lên đến 3m, tốc độ chạy hơn 48 km/h, và cái mỏ cong cực lớn như mỏ đại bàng đã giúp chúng trở thành loài sinh vật săn mồi thành công nhất ở Nam Mỹ vào thời kỳ Đại Tân Sinh.
4. Titanoboa – Sinh sống cách đây khoảng 60 – 58 triệu năm
Các hóa thạch tìm thấy đã chỉ ra rằng, Titanoboa là một loại rắn lớn nhất từng sinh sống trên Trái Đất. Với chiều dài khoảng 12m và cân nặng 1,1 tấn, chúng đã gieo rắc vô vàn nỗi khiếp sợ cho các sinh vật sống ở kỷ Paleocene.
5. Megatherium – Sinh sống cách đây khoảng 2 triệu đến 10.000 năm
Megatherium là một loại động vật ăn cỏ có vẻ bề ngoài khá giống với loài lười ngày nay. Chính vì vậy, chúng còn được gọi là lười khổng lồ. Các hóa thạch tìm thấy đã chứng minh rằng, loài sinh vật này có chiều cao lên tới 6m và nặng khoảng 4 tấn.
Tuy là loài ăn cỏ, nhưng Megatherium vẫn được xếp vào Top 10 sinh vật nguy hiểm nhất thời tiền sử là bởi sự hung dữ của chúng. Với đôi móng vuốt dài và sắc nhọn ở 2 chi trước, loài động vật này luôn khiến những kẻ săn mồi sống ở thế Thượng Tân phải ngao ngán.
6. Quetzalcoatlus – Sinh sống cách đây khoảng 68 – 66 triệu năm
Các hóa thạch tìm thấy đã chỉ ra rằng, Quetzalcoatlus là một loài thằn lằn bay khổng lồ với sải cánh lên đến gần 16,m và nặng khoảng 200 - 250kg. Việc sở hữu chiếc cổ cao cùng với cái mỏ to lớn bất thường, chúng chính là kẻ săn mồi trên không đáng sợ bậc nhất ở cuối kỷ Phấn Trắng.
7. Thalattoarchon – Sinh sống ở kỷ Trias cách đây khoảng 244 triệu năm
Thalattoarchon hay còn gọi là thằn lằn biển có hình dạng khá giống với loài cá heo ngày nay. Với chiều dài cơ thể khoảng 8,6m, cộng thêm hàm răng sắc như dao cạo, chúng có thể săn cả những sinh vật bằng hoặc lớn hơn chính mình.
8. Mosasaurus – Sinh sống cách đây khoảng 70 – 66 triệu năm
Theo các nhà khoa học, Mosasaurus là một trong những kẻ săn mồi to lớn, đáng sợ nhất trên khắp các đại dương tại Tây Âu và Bắc Mỹ ở cuối kỷ Phấn Trắng. Sở hữu chiếc đầu khá giống với cá sấu ngày nay với bộ hàm có hàng trăm chiếc răng sắc nhọn, cộng thêm chiều dài cơ thể dài tới 18m, Mosasaurus luôn là nỗi khiếp sợ của hàng trăm sinh vật sống dưới đại dương cùng thời kỳ với nó.
9. Sarcosuchus– Sinh sống ở đầu kỷ Creta, cách đây khoảng 112 triệu năm
Sarcosuchus là loài cá sấu lớn nhất từng tồn tại trên Trái Đất. Sở hữu chiều dài cơ thể khoảng 12m (dài gấp đôi loài cá sấu nước mặn) và bộ hàm với hơn 100 chiếc răng sắc nhọn, chúng đã biến vô số loài khủng long sống ở đầu kỷ Creta thành bữa ăn ngon miệng của mình.
10. Liopleurodon – Sinh sống cách đây khoảng 162 – 150 triệu năm
Liopleurodon là một chi trong loài thằn lằn cổ rắn. Với thiết kế cơ thể thon gọn và có chiều dài gần 7m, chúng đã trở thành một trong những kẻ săn mồi thành công nhất ở khắp các đại dương tại châu Âu vào cuối kỷ Jura.
Theo Quốc Bảo/Khoa học & Phát triển