Top 8 Hoàng đế Trung Quốc có thời gian trị vị ngắn kỉ lục
Những cái chết " khó đỡ" của hoàng đế Trung Quốc / Run sợ trước những hành động của vị hoàng đế yêu vợ nhất lịch sử Trung Hoa
8. Đường Trung Tông Lý Hiển: 56 ngày
Đường Trung Tông (26 tháng 11 năm 656 - 3 tháng 7 năm 710), tên thật Lý Hiển, là vị Hoàng đế thứ tư và thứ sáu của nhà Đường trong lịch sử Trung Quốc, từng hai lần không liên tục giữ ngôi vị Hoàng đế nhà Đường; lần đầu từ 3 tháng 1 năm 684 đến 26 tháng 2 năm 684 và lần thứ hai từ ngày 23 tháng 2 năm 705 đến 3 tháng 7 năm 710.
Đường Trung Tông Lý Hiển chỉ ở ngôi 56 ngày trong lần đầu tiên đăng cơ.
Sau cái chết của cha là Đường Cao Tông Lý Trị, ông bước lên Hoàng vị, nhưng chỉ có gần 2 tháng thì đã bị mẹ là Võ Thái hậu phế truất, đày đi Phòng Châu. Sau này, Võ hậu cướp ngôi, triều đình xảy ra tranh chấp về người kế vị. Tháng 10 năm 698, nghe theo lời của đại thần Địch Nhân Kiệt, Võ hậu hạ chiếu lập Lý Hiển trở lại làm Hoàng thái tử. Năm 705, sau cuộc chính biến cung đình, Võ hậu bị ép thoái ngôi trở thành Thái thượng hoàng, ông được phục ngôi vị; khôi phục nhà Đường sau 15 năm gián đoạn.
Thời gian trị vì lần thứ hai của Trung Tông kéo dài 5 năm. Trong những năm đó, quyền lực thực sự trong triều bị Vi hoàng hậu cùng tình nhân là Võ Tam Tư chi phối. Vi hoàng hậu muốn đưa con gái mình là An Lạc công chúa làm Hoàng thái nữ, nhưng Trung Tông không chấp nhận việc này. Đến ngày 3 tháng 7 năm 710, Trung Tông đột nhiên qua đời. Nhiều sử gia cho rằng cái chết đột ngột này là do An Lạc công chúa hạ độc.
7. Nguyên Ninh Tông: 51 ngày
Nguyên Ninh Tông (1326- 1332) tên thật là Bột Nhi Chỉ Cân Ý Lân Chất Ban, là vị hoàng đế thứ 10 của nhà Nguyên trong lịch sử Trung Quốc. Ông là con thứ của Nguyên Minh Tông Hòa Thế Lạt, em trai của Thỏa Hoan Thiếp Mộc Nhi.
Nguyên Ninh Tông, hoàng đế yểu mệnh nhà Nguyên, băng hà khi mới 6 tuổi.
Năm 1332, Nguyên Văn Tông lâm bệnh nặng. Trước khi chết, vì hối hận việc giết anh cả Hòa Thế Lạt để cướp ngôi trước đây nên ông muốn chuộc lỗi lầm. Văn Tông ra di chiếu chọn con trưởng của Hòa Thế Lạt là Thỏa Hoan Thiếp Mộc Nhi lên làm hoàng đế. Tuy nhiên, do Thỏa Hoan Thiếp Mộc Nhi đang ở xa kinh thành, quyền thần Yên Thiếp Mộc Nhi quyết định chọn con thứ là Ý Lân Chất Ban mới 6 tuổi kế vị để dễ khống chế.
Tuy Ninh Tông lên ngôi nhưng hoàng đế nhỏ tuổi này chỉ là vua bù nhìn. Người nắm quyền thực thụ vẫn là Yên Thiếp Mộc Nhi. Nguyên Ninh Tông Ý Lân Chất Ban ở ngôi chưa đầy 2 tháng (từ 23/10/1332 – 14/12/1332) đã qua đời lúc mới 6 tuổi. Ông là vị hoàng đế chết trẻ nhất trong các đời vua Nguyên và là một trong những hoàng đế yểu mạng nhất lịch sử Trung Quốc.
6. Tần Thương Đế Doanh Tử Anh: 46 ngày
Doanh Tử Anh, tức Tần Thương Đế, là vị vua thứ ba và cũng là cuối cùng của nhà Tần trong lịch sử Trung Quốc. Tử Anh lên ngôi từ cuối tháng 8 năm 207 TCN. Khi đó lực lượng quân Tần ngoài mặt trận đã rất suy yếu, không chống nổi quân chư hầu, liên tiếp bại trận.
Doanh Tử Anh, Hoàng đế cuối cùng nhà Tần, bị Hạng Vũ xử trảm.
Tháng 10 năm 206 TCN, tướng Sở Lưu Bang tiến vào Quan Trung. Khi đến Bái Thượng, Lưu Bang sai người bảo Tử Anh đầu hàng. Tử Anh liệu thế không chống cự nổi, bèn buộc dây ấn ngọc tỷ truyền quốc vào cổ, ngồi trên một chiếc xe gỗ không sơn do một con ngựa trắng kéo mang ấn, phù của thiên tử đầu hàng ở gần Chỉ Đạo.
Tính từ khi Tử Anh lên ngôi cuối tháng 8 tới đầu tháng 10 chỉ có 46 ngày. Tháng 11 năm đó, Hạng Vũ tiến vào Quan Trung, đứng đầu các chư hầu. Tử Anh được Lưu Bang giao nộp lại cho Hạng Vũ. Hạng Vũ giết chết ông và các công tử của Tần, nhà Tần diệt vong.
5. Nguyên Thiên Thuận Đế: 40 ngày
Nguyên Thiên Thuận Đế tên thật Bột Nhi Chỉ Cân A Tốc Cát Bát (1320-1328), là hoàng đế thứ 7 của nhà Nguyên và là đại hãn thứ 11 của đế quốc Mông Cổ. A Tốc Cát Bát là con trai của Nguyên Thái Định Đế Dã Tôn Thiết Mộc Nhi. Ông trở thành Thái tử lúc còn nhỏ vào năm 1324.
Nguyên Thiên Thuận Đế trị vì đúng 46 ngày thì bị phế.
Vào tháng 8 năm 1328, sau khi Thái Định đế chết ở Mạc Bắc, ông được chọn kế vị bởi đại thần Đảo Thích Sa. Cũng trong tháng 8/1328, chỉ huy quân Đại Đô Yên Thiếp Mộc Nhi, đã tiến hành một cuộc đảo chính và kêu gọi triều đình tôn người con thứ của Nguyên Vũ Tông là Bột Nhi Chỉ Cân Đồ Thiếp Mộc Nhi làm hoàng đế, tức Nguyên Văn Tông. Đầu tháng 10, Văn Tông được chào đón vào Đại Đô cùng thời điểm mà A Tốc Cát Bát đăng cơ ở Thượng Đô.
Do một nước không thể có hai vua, 2 phe của A Tốc Cát Bát và Đồ Thiếp Mộc Nhi quyết định giao chiến với nhau. Quân đội của A Tốc Cát Bát vượt qua Vạn Lý Trường Thành tại nhiều điểm và tiến thẳng đến Đại Đô; nhưng đã bị quân của Yên Thiếp Mộc Nhi đánh cho tan tác. Vào thời điểm đó, hầu hết quân đội của A Tốc Cát Bát đều bị kẹt ở mặt trận Vạn Lý Trường Thành, và Thượng Đô buộc phải đầu hàng vào ngày hôm sau.
Đảo Thích Sa và hầu hết những người trung thành hàng đầu với A Tốc Cát Bát đều bị bắt làm tù binh và sau đó bị phe Đại Đô xử tội chết; A Tốc Cát Bát được cho là đã mất tích, mặc dù khả năng cao là cũng đã bị sát hại. Tổng cộng, Nguyên Thiên Thuận Đế ở ngôi từ đầu tháng 10/1328 đến 14/11 cùng năm, khoảng 40 ngày.
4. Minh Quang Tông Chu Thường Lạc: 29 ngày
Minh Quang Tông (sinh 28/8/1582 – mất 26/9/1620), tên thật tên thật Chu Thường Lạc, là Hoàng đế thứ 15 của triều đại Nhà Minh trong lịch sử Trung Quốc. Ông cai trị Trung Hoa chưa đầy một tháng trong năm 1620, mất sau đúng 29 ngày ở ngôi Hoàng đế. Cái chết của Quang Tông Thái Xương Đế gắn trực tiếp với nghi án Hồng hoàn án, đồng thời ông cũng chính là vị Hoàng đế tại vị ngắn nhất trong lịch sử Nhà Minh.
Minh Quang Tông Chu Thường Lạc chết khi đang giao hoan với cung nữ.
Năm 1620, ngày 18 tháng 8, Minh Thần Tông Vạn Lịch hoàng đế qua đời, Thái tử Chu Thường Lạc lập tức kế vị. Ông cho gọi các đại thần đã bị đày đi vì bênh vực mình trở về kinh, trao lại chức tước, cải niên hiệu thành Thái Xương.
Sau khi lên ngôi, Quang Tông trở nên hoang dâm vô độ. Nực cười nhất là mặc dù sức khỏe vô cùng yếu, nhưng ông vẫn thu nhận tất các phi tần và ngày đêm ân ái với họ. Chính vì sức khỏe yếu lại quá tham lam nữ sắc, Quang Tông ngã bệnh. Ngự y trong một lần thăm bệnh, đã dâng cho ông một viên Hồng hoàn, có màu đỏ, được điều chế từ sữa người.
Hoàng đế dùng xong thấy rất dễ chịu, lại do dược lực chưa đủ nên đòi dùng thêm 2 viên hồng hoàn nữa. Uống xong liền thấy người phấn chấn, bèn cho gọi mấy mỹ nhân vào để vui vầy cùng lúc. Hậu quả: sáng ngày 1/9/1620, Thái Xương Đế Chu Thường Lạc chết khi đang… giao hoan, hưởng dương 39 tuổi. Ở ngôi đúng 29 ngày!
3. Hán Phế Đế Lưu Hạ: 27 ngày
Lưu Hạ là cháu nội của Hán Vũ Đế, con của Xương Ấp Ai vương Lưu Bác. Năm 86 TCN, sau khi cha mất, Lưu Hạ được thế tập tước Xương Ấp vương. Năm 74 TCN, Hán Chiêu Đế qua đời khi mới 21 tuổi và không có con nối nghiệp, đại thần phụ chính là Hoắc Quang lập Lưu Hạ lên ngôi.
Lưu Hạ, làm nhiều chuyện thất đức, bị phế chỉ sau 27 ngày ở ngôi vua.
Lưu Hạ vốn là kẻ có bản tính lưu đãng. Sau khi lên ngôi, Lưu Hạ chỉ lo ăn chơi sa đọa, làm nhiều việc thất đức. Thậm chí còn quan hệ với các cung nữ của Chiêu Đế, lấy xe của hoàng thái hậu cho nô tỳ dùng, khiến các phép tắc trong triều bị đảo lộn.
Đại thần Hoắc Quang và các triều thần rất tức giận, bèn cùng nhau dâng thư lên cung thỉnh chỉ ý của Hoàng thái hậu để phế truất đương kim hoàng đế Lưu Hạ, lập Đích hoàng tằng tôn của Vũ Đế là Lưu Tuân lên ngôi, tức là Hán Tuyên Đế.
Lưu Hạ chỉ làm vua được 27 ngày, là một trong những vua ở ngôi trong thời gian ngắn nhất. Một thời gian sau khi nhượng vị, vào năm 63 TCN Tuyên Đế giáng phong ông làm Hải Hôn hầu. Lưu Hạ qua đời năm 59 TCN, thọ 33 tuổi.
2. Đường Thương Đế Lý Trọng Mậu: 17 ngày
Đường Thương Đế (mất 5 tháng 9/714), còn gọi là Đường Thiếu Đế, tên thật Lý Trọng Mậu, là một vị hoàng đế của nhà Đường trong lịch sử Trung Quốc.
Đường Thương Đế Lý Trọng Mậu làm vua được 17 ngày thị bị ép nhường ngôi.
Năm 710, Đường Trung Tông băng hà đột ngột, một cái chết mà các sử gia Trung Hoa cho là do Vi hậu cùng An Lạc công chúa Lý Khỏa Nhi chủ mưu gây ra, nhằm để Vi hậu có thể trở thành Nữ hoàng giống như Võ Tắc Thiên, còn Lý Khỏa Nhi có thể trở thành Hoàng thái nữ kế vị. Trong khi đó, mặc dù Vi hậu đưa Trọng Mậu lên làm Hoàng đế, nhưng bà này vẫn nắm quyền hành trong tay trong vai trò của Thái hậu nhiếp chính.
Khoảng nửa tháng sau, tin rằng Vi thái hậu có thể chống lại mình, con trai của Đường Duệ Tông Lý Đán là Lâm Tri vương Lý Long Cơ cùng Thái Bình công chúa đã nổi loạn, giết chết Vi hậu và Lý Khỏa Nhi. Lý Trọng Mậu sau đó bị ép nhường ngôi cho Lý Đán, tổng cộng thời gian trị vì của Đường Thương Đế, từ 8/7/710 – 25/7/710, chỉ 17 ngày.
1. Kim Mạt Đế Hoàn Nhan Thừa Lân: 1 ngày
Kim Mạt Đế (mất 1234), tên thật là Hoàn Nhan Thừa Lân, hoàng đế thứ 10 và là vị vua cuối cùng của nhà Kim trong lịch sử Trung Quốc. Với thời gian làm vua chưa đầy 1 ngày, ông là hoàng đế ở ngôi ngắn nhất trong lịch sử Trung Quốc.
Kim Mạt Đế, vua cuối cùng triều Kim, sáng lên ngôi… chiều tử trận.
Ngày 9 tháng 2 năm 1234, trước sức ép từ 2 cánh quân: Mông Cổ (phía Tây) và Tống (phía Nam) Kim Ai Tông quyết định truyền ngôi cho Hoàn Nhan Thừa Lân đổi niên hiệu từ Thiên Hưng sang niên hiệu mới là Thịnh Xương. Ông trở thành vị vua thứ 10 nhà Kim trong hoàn cảnh ngặt nghèo, tức là Kim Mạt Đế.
Kim Mạt Đế vừa lên ngôi nửa ngày thì liên quân Mông – Tống áp sát thành Thái Châu. Quân Kim bị đánh tan tác, bản thân Kim Mạt Đế cũngtử trận trong đám loạn quân cấm thành. Nhà Kim chính thức diệt vong sau 120 năm!
End of content
Không có tin nào tiếp theo