Khám phá

Trào lưu "cô dâu IELTS" ở Ấn Độ

Một xu hướng mới xuất hiện ở bang Punjab, Ấn Độ là các gia đình tìm kiếm con dâu dựa trên trình độ tiếng Anh của họ.

Cuộc đời những 'thánh sống' được tôn sùng từ nhỏ / Bất ngờ về những loại thịt có giá "trên trời"

Hôn nhân sắp đặt diễn ra khá phổ biến ở một số quốc gia Nam Á, trong đó có Ấn Độ. Một xu hướng mới xuất hiện ở bang Punjab, Ấn Độ là các gia đình tìm kiếm con dâu dựa trên trình độ tiếng Anh của họ. Nguyên nhân của vấn đề này là khi có trình độ tiếng Anh để đi du học, các cô dâu tương lai có thể đưa chồng cùng đến những "miền đất hứa".

Số điểm IELTS cao tăng cơ hội cho một "cuộc hôn nhân tốt"

Trong những năm gần đây, nhiều thanh niên ở bang Punjab phải đối mặt với các vấn đề như thất nghiệp, thất bại trong kinh doanh hay lạm dụng ma túy. Với mong muốn tìm kiếm một cuộc sống tốt hơn, họ thường tìm cách di cư đến các quốc gia như Mỹ, Canada hoặc Australia để kiếm việc làm lao động phổ thông.

Cha mẹ của những nam thanh niên tìm kiếm những cô gái trẻ có mong muốn học tập và hứa hẹn kết hôn với con trai họ. Thỏa thuận là, nếu cô gái đạt điểm cao trong các bài kiểm tra trình độ tiếng Anh, được nhận vào một trường đại học nước ngoài thì gia đình chú rể sẽ trả tiền cho việc học của cô gái cũng như chi phí để vợ chồng ra nước ngoài sinh sống. Do đó, hàng trăm trung tâm luyện thi tiếng Anh đã mở ra tại bang Punjab. Một số điểm IELTS cao làm tăng cơ hội cho một "cuộc hôn nhân tốt".

Simarpreet, 22 tuổi, thường xuyên đến một trung tâm ngoại ngữ luyện thi IELTS ở Amritsar để cải thiện trình độ tiếng Anh. Mục tiêu mà Simarpreet đặt ra là phải đạt tối thiểu IELTS 6.0 trở lên để hiện thức hóa ước mơ của mình.

Vì trào lưu "cô dâu IELTS", hàng trăm trung tâm luyện thi Anh đã mở ra tại bang Punjab thời gian gần đây.

Karanvir không hoàn thành chương trình đại học do lười biếng. Cha mẹ anh là nông dân sống ở Tarn Taran, bang Punjab, sở hữu khá nhiều đất đai nhưng Karanvir cũng không quan tâm đến nông nghiệp.

Tất cả những gì anh ấy muốn là rời khỏi Ấn Độ đến sống tại một quốc gia phương Tây nào đó. Một người mai mối chuyên nghiệp đã tiếp cận gia đình của Simarpreet và Karanvir để kết nối một cuộc hôn nhân IELTS.

Để có được thị thực du học nước ngoài, Simarpreet cần có điểm IELTS tốt và người chồng tương lai có thể cùng cô ra nước ngoài sinh sống. Đổi lại, gia đình của Karanvir sẵn sàng chi trả cho đám cưới, việc học của Simarpreet cũng như toàn bộ chi phí cho cặp đôi ra nước ngoài.

Tuy nhiên, tất cả chỉ là thỏa thuận miệng. Simarpreet và Karanvir chỉ có thể thành vợ chồng khi Karanvir nhận được visa ra nước ngoài. Trong một số trường hợp, các cô gái có thể thi IELTS sau đám cưới. Họ có thể ly hôn nếu người vợ không đạt điểm IELTS tốt và không thể đưa chồng ra nước ngoài.

Những người phụ nữ tiếp tục mắc kẹt trong những cuộc hôn nhân sắp đặt

 

Canada, Anh và Mỹ là những điểm đến yêu thích của nhiều người ở Punjab. Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, các quốc gia này đã thắt chặt các quy tắc cấp thị thực nên việc làm visa không hề dễ dàng. Australia có chính sách cấp thị thực tương đối "mở" nên hiện nay, quốc gia này trở thành một điểm đến yêu thích mới của giới trẻ Punjab.

Trào lưu "cô dâu IELTS" đang làm thay đổi nhiều vấn đề trong hôn nhân truyền thống Ấn Độ.

Ở nhiều quốc gia Nam Á, cô dâu sẽ mang những vật phẩm có giá trị như đồ đạc, trang sức hoặc tiền đến gia đình chồng. Không có khả năng đáp ứng các điều kiện về của hồi môn có thể ảnh hưởng rất lớn đến cuộc hôn nhân. Nhiều người cho rằng, trào lưu "cô dâu IELTS" đang làm thay đổi nhiều vấn đề trong hôn nhân truyền thống Ấn Độ.

"Không có dữ liệu xác thực về "các cuộc hôn nhân IELTS", điều này gây khó khăn cho việc đánh giá thực tế. Tuy nhiên, thực tế này có thể chấm dứt sự phân biệt đối xử có hệ thống đối với phụ nữ. Đó là một loại "của hồi môn ngược", một quan chức cấp cao của bang Punjab nói với phóng viên tờ DW (Đức) với điều kiện giấu tên.

Tuy nhiên, các tổ chức bảo vệ quyền phụ nữ ở bang Punjab bày tỏ lo ngại về những gì đang diễn ra trong thực tiễn. "Những người phụ nữ có thể tiếp tục mắc kẹt trong cuộc hôn nhân IELTS. Họ vẫn luôn là nạn nhân của bạo lực gia đình", một nhà hoạt động nhân quyền nói.

"Tôi đã bắt gặp một vài trường hợp luật sư yêu cầu cô gái giải trình khi điểm IELTS không đủ để đi du học. Sau đó, họ bắt đầu yêu cầu của hồi môn vì cô gái chưa đáp ứng điều kiện chính cho cuộc hôn nhân. Nâng cao nhận thức, thay đổi tư duy của người dân là vấn đề rất quan trọng để giải quyết bài toán đang đặt ra", Manisha Gulati, Chủ tịch Ủy ban Bảo vệ phụ nữ bang Punjab cho biết.

 

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm