Các bác sĩ thường sử dụng dịch não tủy (CSF) như một chỉ số đo lường sức khỏe của não; dấu ấn sinh học của các bệnh thần kinh cũng thường để lại trong CSF.
Khi động vật có vú già đi, một số chức năng của CSF suy yếu, ảnh hưởng đến các tế bào trí nhớ. Vì thế câu hỏi đặt ra là chúng ta có thể bảo vệ tế bào trí nhớ bằng cách cho chúng tiếp xúc với CSF trẻ hơn không, theo nhà khoa học thần kinh Tal Iram tại Đại học Stanford, đồng tác giả nghiên cứu mới công bố trên Nature.
Đầu tiên, nhóm của Iram tạo ra một trải nghiệm đáng nhớ cho chuột: cho những con chuột 20 tháng tuổi bị điện giật ở chân, cùng lúc phát ánh sáng và âm thanh chớp tắt để tạo ra mối liên hệ giữa ánh sáng, amm thanh và cú sốc điện. Sau đó, họ truyền CSF từ chuột 10 tuần tuổi cho một nhóm 8 con chuột, và truyền CSF nhân tạo cho nhóm đối chứng 10 con chuột.
Sau ba tuần, họ cho tất cả chuột tiếp xúc với ánh sáng và âm thanh tương tự, nhưng không cho điện giật ở chân. Thử nghiệm này nhằm tái tạo hoàn cảnh chuột bị sợ hãi do điện giật nhưng lần này không có yếu tố gây đau thực sự. Nhóm chuột được truyền CSF từ chuột non nhớ lại cú sốc và tỏ ra sợ hãi trong 40% số lần thử, nhóm truyền CSF nhân tạo chỉ tỏ ra sợ hãi trong khoảng 18% sỗ lần thử. Các phát hiện cho thấy CSF từ chuột non có thể phục hồi một số chức năng não bị lão hóa. Cũng có nghĩa là vẫn còn những cách để cải thiện chức năng bộ não khi già đi, chứ không phải vô phương, theo nhóm nghiên cứu.
Hồi hải mã là trung tâm điều khiển trí nhớ của não: chịu trách nhiệm tạo, lưu giữ và nhớ lại ký ức. Do đó, nhóm nghiên cứu đã xem xét kỹ hơn bộ phận này để hiểu cơ chế tác động của CSF từ chuột non. Họ phát hiện khi truyền CSF từ chuột non, hồi hải mã ở chuột già tăng cường hoạt động tế bào biểu bì oligodendrocyte. Oligodendrocyte tạo ra vỏ myelin xung quanh đuôi tế bào thần kinh, đây là lớp phủ bảo vệ các dây dẫn trong não, giống như cách lớp vỏ nhựa bảo vệ dây điện và giúp dẫn điện hiệu quả hơn. Cụ thể, truyền CSF giúp hồi hải mã tạo ra nhiều tế bào oligodendrocyte giai đoạn đầu hơn, theo đó tạo ra nhiều vật liệu bảo vệ các kết nối thần kinh trong não.
Nhóm của Iram cũng thử cô lập và thử nghiệm riêng một protein trong CSF, protein tăng trưởng nguyên bào sợi 17 (Fgf17). Kết quả, truyền Fgf17 có tác dụng phục hồi trí nhớ tương tự như truyền dịch não tủy. Ngược lại, ngăn chặn chức năng của Fgf17 ở chuột làm suy giảm khả năng ghi nhớ. Do đó, nhóm nghi ngờ đây là nhân tố chìa khóa tạo ra tác động "trẻ hóa" của CSF. Nhóm Iram đã nộp đơn xin cấp bằng sáng chế cho những phát hiện của họ xung quanh Fgf17.
Phải mất hơn một năm nhóm Iram mới hoàn thiện quá trình thu thập dịch não tủy và truyền dịch vào não khác. Việc thu thập cực kỳ khó khăn và phải được thực hiện với độ chính xác cao vì chỉ cần dính máu, CSF sẽ hỏng. Sau đó quá trình truyền cũng phức tạp vì áp lực trong não rất dễ mất cân bằng, truyền dịch phải chậm và ở một vị trí cụ thể là não thất. Các phát hiện rất thú vị, nhưng quy trình này có thể sẽ khó đưa vào ứng dụng thực tế, theo các nhà nghiên cứu.
Ngoài ra vẫn cần tìm hiểu thêm cơ chế tương tác giữa CSF, oligodendrocyte và trí nhớ. Có thể có các yếu tố khác trong CSF ngoài Fgf17 ảnh hưởng đến chức năng nhận thức. Nhưng nhìn chung, rất có thể đây là cánh cửa mở ra các phương pháp điều trị và liệu pháp mới cho các bệnh liên quan đến chức năng nhận thức trong tương lai, theo một bài đánh giá đăng kèm trên tạp chí Nature.
Theo Hoàng Nam/Khoa học & Phát triển