Trải qua hàng triệu năm, dưới tác động của các biến đổi về địa chất, muối dần tích tụ, trở thành những ngọn đồi và sông băng khổng lồ.
Bên cạnh đó, các lớp trầm tích trên núi cao bị nước mưa rửa trôi xuống. Theo thời gian, lớp trầm tích đặc quánh lại, dày lên. Toàn bộ lớp muối bị chôn vùi bên dưới các tầng trầm tích. Lớp trầm tích dày hàng nghìn mét đè nặng xuống, ảnh hưởng tới phần muối phía dưới. Muối từ thể rắn chuyển thành dạng lỏng.
Sau đó, áp lực của đá và trầm tích khiến muối bị đẩy lên qua các kẽ nứt. Sự phát triển theo chiều dọc của hiện tượng đó tạo áp lực lên bề mặt phía trên, gây ra tình trạng kéo giãn và đứt gãy. Trải qua hàng triệu năm, muối dần tích tụ và tạo thành các mái vòm được gọi là diapir. Cấu tạo địa chất này tựa những ngọn núi với đường kính 1-10 km và cao đến 6,5 km.
Nếu lớp diapir lan rộng theo chiều ngang, các sông băng muối sẽ được hình thành. Bạn có thể chiêm ngưỡng cảnh quan ngoạn mục được kiến tạo từ muối ở các khu vực phía nam, tây nam, trung tâm Iran và nhiều quốc gia khác trên thế giới như Mỹ, Mexico, Đức, Romania... Điển hình nhất là dãy núi Zagros chạy song song với bờ biển của Iran trên vịnh Ba Tư.
Do hình thành bởi sự va chạm giữa 2 mảng Ả Rập và Á-Âu, dãy Zagros tồn tại rất nhiều vết đứt gãy. Do đó, nơi đây sở hữu nhiều mái vòm diaper được hình thành từ muối. Theo UNESCO, không nơi nào khác trên thế giới có những vòm muối tích tụ nhiều và đẹp như ở đây. Chỉ riêng khu vực phía nam, bạn đã có thể chiêm ngưỡng hơn 130 vòm muối.
Zagros trở thành địa điểm sở hữu hệ thống vòm muối uốn nếp ngoạn mục nhất thế giới. Ngoài ra, các hang động muối, sông băng muối, thung lũng muối, hố sụt karst và suối muối cũng là những kỳ quan ngoạn mục của vịnh Ba Tư.
Đặc biệt, sông băng muối dài nhất thế giới nằm trên núi Namakdan trải dài hơn 6,4 km. Tuy nhiên, các vòm muối trên khắp thế giới ngày nay đang bị tác động tiêu cực từ hoạt động khai thác dầu mỏ và khí tự nhiên.
Theo Uyên Hoàng/Zing