Khám phá

Vì sao chúng ta thích thuyết âm mưu về COVID-19?

Mạng xã hội ngập tràn thuyết âm mưu về COVID-19. Nhiều người thích thú tin rằng những điều đó là thật. Vì sao lại như vậy.

Ngắm thác chảy, 'săn' mây trên đỉnh Bạch Mã / CLIP: Đàn chó hoang đoạt mạng linh dương Nyala

Thuyết âm mưu về COVID-19 lan truyền chóng mặt trên mạng xã hội.

Thuyết âm mưu về COVID-19 lan truyền chóng mặt trên mạng xã hội.

Thuyết âm mưu ngập tràn trên mạng xã hội

Ngày 23/7, tỷ phú Bill Gates đã phải lên tiếng bác bỏ các thuyết âm mưu về bản thân ông và gia đình. Trước đó, có thuyết âm mưu cho rằng tỷ phú Bill Gates cùng Quỹ từ thiện Bill & Melinda Gates có động cơ xấu trong việc tài trợ tiền phát triển vaccine, để qua đó cấy chip theo dõi vào những người được nhận tiêm vaccine.

Hồi đầu tháng 6 vừa qua, trong cuộc điện đàm với nhà báo Norah O'Donnell, nhà sáng lập Tập đoàn Microsoft cũng đã phải bác bỏ cáo buộc trên. Bill Gates cho biết thuyết âm mưu này là "ngốc nghếch và kỳ quặc".

Vì sao chúng ta thích thuyết âm mưu về COVID-19? - Ảnh 1.

Nhà sáng lập Tập đoàn Microsoft - Bill Gates (Nguồn: DW)

 

Những câu chuyện về các thuyết âm mưu liên quan tới dịch COVID-19 được đăng tải và chia sẻ nhanh chóng trên các trang tin lá cải, trang mạng xã hội đang trở thành vấn nạn, gây hoang mang cho người đọc.

Theo khảo sát mới của Công ty nghiên cứu Ipsos Mori, người dùng các mạng xã hội như Facebook, YouTube tìm kiếm thông tin về COVID-19 có xu hướng tin tưởng các thuyết âm mưu về dịch bệnh này. Số liệu của nghiên cứu cho thấy:

- 30% người Anh được khảo sát cuối tháng 5 năm nay nghĩ rằng SARS-CoV-2 được tạo ra trong phòng thí nghiệm, tăng 5% so với số liệu khảo sát hồi tháng 4.

- 8% tin rằng các triệu chứng COVID-19 có liên quan tới 5G.

- 7% người được khảo sát không tin có bằng chứng xác thực rằng SARS-CoV-2 tồn tại.

 

- 60% những người tin COVID-19 liên quan tới 5G lấy thông tin từ YouTube.

Đáng chú ý, những người tin vào thuyết âm mưu có xu hướng ít làm theo lời khuyên y tế. Theo các nhà nghiên cứu về thuyết âm mưu y học, điều này có khả năng gây nguy hiểm cho xã hội như chính sự bùng phát.

Số liệu của Công ty nghiên cứu Ipsos Mori chỉ ra rằng, người dùng mạng xã hội để tìm thông tin dịch bệnh còn có xu hướng vi phạm quy định giãn cách xã hội nhiều hơn. 58% người có triệu chứng COVID-19 vẫn tiếp tục ra ngoài nơi ở, không tự cách ly, đều sử dụng YouTube làm nguồn thông tin chính. Con số này cao hơn nhiều so với người không xem YouTube, chỉ 16%.

Vì sao chúng ta thích thuyết âm mưu về COVID-19? - Ảnh 2.

Các thuyết âm mưu về dịch COVID-19 (Nguồn: DW)

Tại sao mọi người thích thuyết âm mưu?

 

Business Insider đăng tải chia sẻ của nhà tâm lý học Karen Douglas giải thích vì sao mọi người lại thích nghe những thuyết âm mưu. Nguyên nhân là vì theo một nghĩa nào đó, các thuyết âm mưu là sự an ủi về mặt tâm lý. Các nhà tâm lý học của Đại học Kent nhận định rằng, các thuyết âm mưu dường như đưa ra một lời giải thích cho phép mọi người giữ niềm tin của chính họ, trong những thời điểm không chắc chắn. Cũng đồng ý kiến, Phó Giáo sư tâm lý học Jan-Willem van Prooijen, trường Đại học Vrije Amsterdam ở Hà Lan cho biết, việc con người dễ dàng mất lòng tin là khởi nguồn của thuyết âm mưu.

Tiến sĩ John Grohol, Tổng biên tập của Tạp chí Psych Central, cho rằng, những người tin vào thuyết âm mưu thường là những người cảm thấy xa lạ với xã hội hiện đại. Họ gặp khó khăn, cảm thấy phức tạp và khó điều hướng hơn khi đối mặt với công nghệ mới.

Tại sao người ta lại tạo ra thuyết âm mưu?

Kênh truyền hình DW của Đức trích nhận định của chuyên gia tâm lý Roland Imhoff cho biết, việc truyền bá và tạo ra các thuyết âm mưu cũng có xu hướng làm tăng sự tự tin của một người.

"Cảm giác có kiến thức độc quyền và có thể vượt lên trên số đông ngây thơ là một lý do khác cho sự phổ biến của các lý thuyết âm mưu", Imhoff nói.

 

Vì sao chúng ta thích thuyết âm mưu về COVID-19? - Ảnh 3.

Chuyên gia tâm lý Roland Imhoff trả lời trên truyền hình Đức DW về thuyết âm mưu liên quan tới COVID-19 (Nguồn: DW)

Ông Russell Muirhead - nhà khoa học chính trị của Trường Đại học Darthmouth, Mỹ - giải thích, thuyết âm mưu xưa nay vốn do những nhóm người “bên lề” loan ra. Nó được xem là vũ khí của những người yếm thế, được dùng với mục đích để kiểm soát những người quyền lực.

Nghiên cứu cho thấy, các thuyết âm mưu có xu hướng phát sinh liên quan đến những thời điểm khủng hoảng trong xã hội, như các cuộc tấn công khủng bố, thay đổi chính trị nhanh chóng hoặc khủng hoảng kinh tế. Vì vậy, điều này giải thích sự lan truyền của các thuyết âm mưu liên quan đến COVID-19.

Làm sao để trở thành người đọc thông thái?

Những thuyết âm mưu có thể gây ảnh hưởng lớn tới xã hội. Ví dụ như trong Cái chết đen (bệnh dịch hạch) ở châu Âu vào thế kỷ XIV, xuất hiện những thuyết âm mưu rằng, người Do Thái phải chịu trách nhiệm cho đại dịch. Thông tin này đã dẫn đến các cuộc tấn công bạo lực và tàn sát các cộng đồng Do Thái trên khắp châu Âu.

 

Còn giờ đây, sự bùng phát của đại dịch COVID-19 cũng dẫn đến sự gia tăng các cuộc tấn công mang tính phân biệt chủng tộc tại nhiều nơi trên thế giới, chủ yếu nhằm vào những người được coi là có nguồn gốc Đông Á.

Nếu còn nhiều thuyết âm mưu, con người có thể sẽ tiếp tục bị chia rẽ. Vì thế, mỗi người khi đọc tin tức trên mạng xã hội cần phải kiểm chứng nguồn thông tin, sử dụng lối tư duy phản biện để chắt lọc thông tin.

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm