Khám phá

Vì sao khủng long sống hàng trăm triệu năm mà không phát triển trí tuệ như con người?

DNVN - Hàng trăm triệu năm thống trị Trái đất, khủng long đã đạt tới kích thước khổng lồ và sự đa dạng ngoạn mục. Nhưng tại sao trong suốt quãng thời gian dài đó, chúng không tiến hóa thành những sinh vật thông minh? Điều gì khiến con người, với lịch sử chỉ vài triệu năm, lại sở hữu trí tuệ vượt trội đến vậy?

CLIP: Thoát hàm cá sấu, ngựa vằn vẫn chết thảm dưới móng vuốt sư tử / CLIP: Trận chiến kinh hoàng giữa 4 sư tử đực vì tranh giành lãnh thổ

Khi nhìn vào hóa thạch khủng long, câu hỏi lớn dường như vang vọng: Vì sao không loài nào trong số chúng tiến hóa trí thông minh như con người? Đây không chỉ là tò mò lịch sử, mà còn là chìa khóa để hiểu sâu hơn về quá trình tiến hóa đầy ngẫu nhiên và phức tạp của sự sống.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Khác với vẻ ngoài đồ sộ, bộ não của phần lớn khủng long lại rất khiêm tốn, thậm chí có loài sở hữu bộ não chỉ bằng quả bóng golf. Nhưng đằng sau nhận định đó là cả một hệ thống phân tích khoa học. Các nhà cổ sinh vật học sử dụng chỉ số não hóa (Encephalization Quotient – EQ) để ước tính mức độ thông minh, bằng cách so sánh kích thước não với kích thước cơ thể.

Kết quả cho thấy, không phải khủng long nào cũng "kém thông minh". Một số loài ăn thịt như Troodon có EQ gần bằng chim hiện đại, vốn được biết đến với sự nhanh nhạy và khôn ngoan. Những đặc điểm như mắt to nhìn nổi bật trong đêm, thính giác phát triển và khả năng sống bầy đàn cho thấy chúng không đơn giản chỉ là cỗ máy săn mồi bản năng.

Tuy nhiên, số ít loài khủng long thông minh không đại diện cho cả kỷ nguyên thống trị. Điều này có thể lý giải bằng cái giá sinh học của trí tuệ. Não bộ là bộ phận “đắt đỏ” nhất cơ thể, tiêu tốn lượng calo gấp hàng chục lần cơ bắp. Trong một môi trường nơi thức ăn dồi dào, kẻ thù không nhiều và khí hậu ổn định, như thời kỳ Mesozoic thì phát triển cơ thể to lớn lại là lợi thế sinh tồn rõ ràng hơn việc "nâng cấp" trí tuệ.

Thêm vào đó, khí quyển thời đó có hàm lượng oxy thấp và lượng CO2 cao, môi trường không lý tưởng cho việc nuôi dưỡng các mô não lớn tiêu tốn nhiều năng lượng. Thiếu áp lực sinh tồn cũng đồng nghĩa với việc không có lý do tiến hóa để bộ não khủng long lớn hơn.

 

Một điểm đáng chú ý là khủng long không sở hữu “vỏ não mới” (neocortex), cấu trúc được coi là trung tâm tư duy của động vật có vú và con người. Điều này từng được cho là lý do khiến khủng long không thể phát triển trí thông minh cao. Nhưng nghịch lý thay, chim – hậu duệ của khủng long – lại chứng minh điều ngược lại. Nhiều loài chim như quạ, vẹt có khả năng học hỏi, giải quyết vấn đề và thậm chí chế tạo công cụ.

Điều này cho thấy, trí tuệ có thể hình thành theo nhiều con đường tiến hóa khác nhau, chứ không chỉ phụ thuộc vào một cấu trúc sinh học duy nhất. Dù khủng long không phát triển neocortex, não bộ của chúng vẫn có những khu vực đảm nhận chức năng tương tự.

Nếu khủng long từng chạm tới ranh giới của trí tuệ, thì tại sao chỉ con người mới thực sự bứt phá? Câu trả lời có thể nằm ở một từ: “may mắn”.

Trong khi khủng long sống trong môi trường ổn định, tổ tiên loài người phải vật lộn với những thay đổi khí hậu dữ dội tại Thung lũng Tách giãn Đông Phi. Những biến động này liên tục thay đổi nguồn nước, thảm thực vật và khí hậu, buộc loài linh trưởng phải phát triển khả năng quan sát, phân tích và dự đoán để sinh tồn. Chính áp lực đó là đòn bẩy thúc đẩy trí tuệ con người.

Dẫu vậy, trí thông minh không phải là đích đến tất yếu của tiến hóa. Nếu không có những yếu tố bất ngờ như sự tuyệt chủng của khủng long 66 triệu năm trước, loài có vú có thể đã không bao giờ có cơ hội chiếm lĩnh Trái đất. Trong vũ trụ của chọn lọc tự nhiên, “thông minh” chỉ là một chiến lược thích nghi và đôi khi, đó là một bước ngoặt ngẫu nhiên.

 

Như Ý (t/h)
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm