Vị ‘thứ phi’ tận tâm nhất với vua Bảo Đại, nơi ông ‘cứ chơi hết tiền lại về’
Vì sao cung nữ sau khi xuất cung lại không ai dám lấy làm vợ? / Chuyện lạ khó tin: Cung nữ thời xưa rất sợ được hoàng đế sủng ái vì những nguyên nhân này
Bảo Đại, vị hoàng đế cuối cùng của Việt Nam, có rất nhiều tình nhân. Trong số những phụ nữ gắn bó không hôn thú, một số người đối xử với ông bằng tấm lòng của vợ dành cho chồng. Bà Bùi Mộng Điệp là một người như vậy. Khi nói đến các “thứ phi” của Bảo Đại, người được nhắc đến đầu tiên luôn là Mộng Điệp.
“Thứ phi phương Bắc”
Đó là danh hiệu mà người đời vẫn dùng để gọi bà, người phụ nữ quê Bắc Ninh sinh năm 1924 trong một gia đình bình thường, có cha làm ngành đường sắt. Mặc dù vậy, bà Mộng Điệp được hưởng nền giáo dục tốt. Sau thời thơ ấu sống với bà nội, Mộng Điệp được người bác ruột đón lên Hà Nội nuôi và cho ăn học.
Nhan sắc bà Mộng Điệp thời trẻ.
Năm 17 tuổi, cô gái xinh đẹp đem lòng yêu bác sĩ Phạm Văn Phán, một người đã có vợ, và muốn gắn bó đời mình với ông. Việc chấp nhận làm vợ lẽ người đàn ông mình yêu phù hợp với quy chuẩn đạo đức thời đó, nhưng với trường hợp bác sĩ Phán lại không thể, vì ông theo Thiên Chúa giáo nên không được phép đa thê. Dù có chung một đứa con trai, họ phải chia tay, đứa trẻ sống với mẹ và mang họ ngoại - Bùi Hữu Hưng, tức Jean Bùi. Người con này sau đó được Bảo Đại đỡ đầu và yêu mến như con ruột.
Bà Mộng Điệp gặp Bảo Đại khi ông không còn là vua nữa. Đó là vào tháng 9/1945, khi vị hoàng đế cuối cùng đã thoái vị và trở thành cố vấn của Chính phủ Cách mạng lâm thời. Gặp nhau lần đầu ở sân tennis Hà Nội, họ lập tức phải lòng nhau, rồi sống chung tại căn hộ trên đường Trần Hưng Đạo. Cũng trong thời gian này, Bảo Đại mê một mỹ nhân khác là vũ nữ Lý Lệ Hà, hai mối quan hệ tồn tại song song. Bà Mộng Điệp được gọi là “thứ phi phương Bắc”.
Năm 1946, khi con trai đầu lòng 2 tuổi, “thứ phi” Mộng Điệp sinh hoàng nữ Nguyễn Phúc Phương Thảo. Sau đó, bà sinh cho ông 2 người con trai nữa là hoàng nam Nguyễn Phúc Bảo Hoàng (ra đời năm 1954, mất khi 1 tuổi) và Nguyễn Phúc Bảo Sơn (1955 – 1987).
Ông Bảo Đại và con trai đỡ đầu Bùi Hữu Hưng, con riêng của bà Mộng Điệp.
Tuy không có cưới xin, hôn thú nhưng bà Mộng Điệp được những người xung quanh Bảo Đại ngầm hiểu là thứ thất của ông. Đặc biệt, bà được Thái hậu Từ Cung coi là con dâu và cực kỳ quý mến. Bản thân “thứ phi” cũng giữ đạo dâu con khi thường xuyên về Huế thăm mẹ chồng, chăm lo việc thờ cúng tổ tiên của hoàng tộc chu đáo khiến bà Từ Cung rất hài lòng. Thái hậu thậm chí còn ban mũ áo để bà Mộng Điệp thay mặt Nam Phương Hoàng hậu trong các cuộc tế lễ (bà Nam Phương theo Thiên Chúa giáo nên không tham gia các hoạt động thuộc tín ngưỡng khác).
Tận tâm với Bảo Đại
Năm 1949, một thời gian sau khi Bảo Đại trở lại cộng tác với Pháp và làm Quốc trưởng Chính phủ Quốc gia ở miền Nam, ông đón giai nhân Mộng Điệp lên Đà Lạt và mua cho bà tòa nhà gần biệt điện của mình.
Năm 1950, Bảo Đại lập Hoàng triều Cương thổ trên phần đất Tây Nguyên của Việt Nam và cử “thứ phi” Mộng Điệp lên Buôn Mê Thuột để giúp giữ phần đất này. Bà đã đứng ra sắp xếp cuộc sống cho cựu hoàng, đích thân chọn ra 40 con voi khỏe mạnh để ông thỏa đam mê săn bắn. Không chỉ xinh đẹp, bà Mộng Điệp còn lái xe, cưỡi voi rất giỏi và luôn đồng hành với ông. Thời gian ở Tây Nguyên là đoạn đời hạnh phúc nhất của bà.
Dù thường xuyên có rất nhiều giai nhân bên mình, Bảo Đại luôn coi trọng và tin tưởng Mộng Điệp. Bằng chứng là vào năm 1953, cựu hoàng giao cho bà mang cặp ấn kiếm và một số báu vật của triều Nguyễn qua Pháp đưa Hoàng hậu Nam Phương cất giữ. “Thứ phi” ở lại Pháp luôn sau khi hoàn thành nhiệm vụ này. Thời gian sau, Bảo Đại bị Ngô Đình Diệm lật độ, sang Pháp sống, bà tậu một biệt thự gần đó để gần gũi chăm sóc ông. Hai người con trai của bà cũng ra đời trên đất Pháp.
Khủng hoảng tinh thần vì bị truất ngôi Quốc trưởng, Bảo Đại chán đời, mải miết ăn chơi. Ông thường bảo “thứ phi” đưa tiền rồi xách túi đi liền mấy ngày, thậm chí cả tuần. Thường chỉ khi có bệnh hoặc hết tiền, ông mới về, khỏe lên lại bảo bà đưa tiền rồi đi biền biệt. Lo cho chồng, có lần bà Mộng Ðiệp bảo con trai để ý theo dõi, cựu hoàng biết được giận bà đến mấy tuần.
Bà Mộng Điệp từng tâm sự với Bảo Ân, con trai của Bảo Đại với “thứ phi” Lê Phi Ánh, người mà bà rất yêu thương và coi như con mình:"Nhà dì giống như cái trạm, hết tiền hay đau bệnh thì ngài mới về. Vì vậy khi Hoàng hậu Nam Phương qua đời năm 1963 ở Chabrignac, không ai biết ngài ở đâu để thông báo. Ðiều này làm ngài rất buồn và cứ băn khoăn trách móc dì mãi!".
Ngoài Hoàng hậu Nam Phương, có lẽ trong những người phụ nữ ở bên Bảo Đại, không ai tận tâm với ông như bà Mộng Điệp, cho dù ông ngày càng sa sút và luôn có nhiều nhân tình. Thời còn là cố vấn, ông cùng đoàn công tác sang Trung Quốc nhưng lại nhân đó bỏ đến Hong Kong ăn chơi, bà Mộng Điệp lặn lội sang thăm và mang tiền cho ông tiêu xài. Sau này trong những năm bất đắc chí trên đất Pháp, cựu hoàng cũng coi bà là nơi dựa dẫm như đã kể trên.
Ông Bảo Đại và con trai Bảo Sơn trong đám cưới của con gái Phương Thảo.
Bà Mộng Điệp sống cô đơn trong những năm cuối đời. Người phụ nữ này chịu nhiều nỗi đau khi con trai Bảo Sơn mất vì tai nạn khi mới ngoài 30 tuổi. Con gái bà cũng không khỏe mạnh, suýt chết nhiều lần vì bệnh tim (sau này cô cưới một nhà quý tộc Pháp, chủ hãng thuốc ho lâu đời). Bà sống khép kín trong ngôi nhà ở Paris, nơi mà phòng khách luôn treo bức chân dung lớn của Bảo Đại khi mới lên ngôi. Trên bàn thờ, ngoài Bảo Đại và các con, bà còn dành vị trí trung tâm cho Thái hậu Từ Cung. Điều này cho thấy, dù không kết hôn, bà Mộng Điệp luôn coi mình là vợ của Bảo Đại, là con dâu hoàng tộc. Bà cũng dùng tấm lòng người mẹ để đối đãi với Bảo Ân, con riêng của chồng, quan hệ của hai người rất thân thiết.
Bà Mộng Điệp lúc về già.
Bà Mộng Điệp qua đời năm 2011 sau một ca phẫu thuật, hưởng thọ 87 tuổi. Bà ra đi sau người đàn ông của đời mình 14 năm. “Thứ phi” được an táng tại nghĩa trang Thiais ở Paris cùng với hai con trai.
Sinh thời, “thứ phi” Mộng Điệp từng bày tỏ nguyện vọng sống những ngày cuối đời ở Việt Nam, khi chết đi sẽ được táng bên mẹ chồng – Từ Cung Hoàng thái hậu, nhưng sức khỏe không cho phép bà trở về nên mong ước này không trở thành sự thật.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Người Việt Nam duy nhất được xem là triết gia: Thế giới nể trọng, tên được đặt cho 1 con đường ở TP.HCM
Loại gỗ có giá trị gấp 10 lần vàng, 1 cây cũng có giá hơn 350 tỷ nhưng không ai dám trồng, lý do là gì?
Trường THPT chuyên lâu đời nhất Việt Nam: Nhiều lãnh đạo từng học, là niềm hãnh diện của cả đất nước
Đây là tên gọi đầu tiên của Hà Nội, người Hà Nội lâu năm chưa chắc đã biết, nó có ý nghĩa gì?
Khúc gỗ đen xì có giá hơn cả 'nghìn lượng vàng', tại sao lại đắt như vậy?
Trong 'Tây Du Ký', Bồ Đề Tổ Sư và Như Lai ai mạnh hơn? Câu trả lời đã được Ngô Thừa Ân hé lộ