Khám phá

Việt Nam mới phát hiện 40 mỏ vàng với trữ lượng 30 tấn

DNVN - Những mỏ vàng này mới được phát hiện ở Tây Bắc.

4.000 ngôi sao phát nổ: Hé lộ bí ẩn chấn động về vũ trụ / Hành tinh bí ẩn "vượt mặt" Trái Đất, lao vút với tốc độ 2 triệu Km/giờ

Sau gần 8 năm nỗ lực, Đề án "Điều tra tổng thể về khoáng sản và hoàn thiện nền bản đồ địa chất tỷ lệ 1:50.000 vùng Tây Bắc" đã đạt được kết quả đáng chú ý, phát hiện 40 mỏ vàng "khổng lồ" ở Tây Bắc, với tổng trữ lượng gần 30 tấn. Đây là một dự án trọng điểm trong chiến lược điều tra cơ bản ngành địa chất và khoáng sản Việt Nam, tạo ra cơ hội khai thác bền vững nguồn lực thiên nhiên giàu có của vùng Tây Bắc, đồng thời đặt nền móng vững chắc cho sự phát triển kinh tế - xã hội khu vực.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường, ông Trần Quý Kiên, cho biết dự án đã hoàn thành việc lập bản đồ địa chất - khoáng sản tỷ lệ 1/50.000 cho diện tích 13.381 km² của vùng Tây Bắc.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Khu vực này đầy tiềm năng khoáng sản với 110 mỏ thuộc 25 loại khoáng sản quý hiếm, có giá trị kinh tế cao. Đặc biệt, nổi bật trong số đó là 40 mỏ vàng, với tổng tài nguyên hơn 29,8 tấn vàng, cùng 5 mỏ đồng có trữ lượng ước tính hơn 13.000 tấn đồng kim loại.

Đáng chú ý, tại một mỏ đồng ở tỉnh Lào Cai, các đơn vị nghiên cứu còn phát hiện khoáng sản đi kèm là vàng, với trữ lượng khoảng 420 kg, cho thấy sự phong phú và đa dạng của nguồn khoáng sản tại đây. Các kết quả của đề án đã được tích hợp vào Quy hoạch thăm dò, khai thác và sử dụng khoáng sản quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, tạo cơ sở khoa học cho các địa phương trong việc thăm dò, khai thác hợp lý và quản lý hiệu quả nguồn tài nguyên.

Theo Thứ trưởng, Tây Bắc không chỉ là vùng phên dậu chiến lược của đất nước mà còn là kho tài nguyên khoáng sản phong phú và đa dạng. Tuy nhiên, tiềm năng khoáng sản quý giá của vùng này lâu nay chưa được khai thác đúng mức do thiếu dữ liệu khoa học chính xác và đồng bộ.

Phạm vi thực hiện của Đề án Tây Bắc bao gồm toàn bộ vùng Tây Bắc với diện tích 109.250 km², bao gồm 12 tỉnh (Hà Giang, Lào Cai, Yên Bái, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Hòa Bình, Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Phú Thọ, Tuyên Quang) và 21 huyện phía Tây của tỉnh Thanh Hóa và Nghệ An.

 

Việc hoàn thành Đề án Tây Bắc không chỉ làm rõ tiềm năng tài nguyên khoáng sản mà còn cung cấp bản đồ địa chất chi tiết, cập nhật và chuẩn hóa, phục vụ công tác quản lý, quy hoạch, khai thác khoáng sản hiệu quả, phát triển bền vững của các địa phương. Tuy nhiên, Thứ trưởng Trần Quý Kiên nhấn mạnh rằng, mặc dù đề án đã hoàn thành, các địa phương cần sử dụng cơ sở dữ liệu địa chất - khoáng sản đã được bàn giao để phục vụ quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, thu hút đầu tư và đảm bảo khai thác khoáng sản bền vững.

Trúc Lam (t/h)
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm