Khám phá

Wat Umong - Chùa thiêng nằm giữa rừng già

Nằm ở một vị trí không mấy thuận lợi, Wat Umong, một ngôi chùa giữa những cánh rừng lại có một sức hút lạ lùng không lẫn vào đâu được giữa một xứ Thái Lan “vạn chùa”.

Những bí mật ẩn chứa phía sau cánh cổng ở Tử Cấm Thành / Tiết lộ bí mật quá trình xây dựng Tử Cấm Thành

Ngôi chùa cổ 700 năm

Nói vị trí không nhiều thuận lợi, bởi Wat Umong không nằm ở Bangkok, thủ đô đông đúc du khách của Thái Lan. Wat Umong nằm ở Chiang Mai, một tỉnh phía Bắc Thái, mới nổi tiếng về du lịch trong những năm gần đây. Wat Umong không nằm ở trung tâm thành phố mà cách xa thành cổ Chiang Mai tầm 5km, chạy về hướng rừng Suthep.

Chùa cũng không thường xuất hiện trong những tour du lịch Chiang Mai mà du khách tự biết đến nhờ sự giới thiệu của cư dân địa phương, đặc biệt là khi đã nhận được sự tin tưởng ở họ. Khi tôi đang ở chùa, anh bạn người Mỹ sống lâu năm ở Chiang mai đi cùng đã ngăn cản tôi đừng “check in”. Anh sợ những hình ảnh đẹp mà tôi đăng lên sẽ góp phần thu hút hàng trăm du khách mê “sống ảo” đổ đến, làm tan biến vẻ đẹp bình yên của nơi này.

Đường hầm cổ trong chùa.
Đường hầm cổ trong chùa.

Wat Umong là một ngôi chùa hết sức đặc biệt, bởi nó nằm lẫn vào dưới những tán cây lớn của cánh rừng già Doi Suthep bao la. Liệu có ngôi chùa nào được bao quanh bởi 15 ha rừng rậm như Wat Umong? Có lẽ chính bởi cái vị trí cực kì đặc biệt ấy, thay vì màu vàng rực rỡ quen thuộc thường thấy ở các ngôi chùa Thái Lan, thì Wat Umong lại được bao phủ bởi một màu xanh bạt ngàn: Xanh của rừng, của những tán cây, thảm cỏ, xanh của rêu phong phủ kín mái chùa, và xanh của cả những hồ nước màu lục bảo. Không khí ở đây cũng rất khác: Nó tươi trong, nhẹ tênh hơn không khí được lọc qua bất cứ máy lọc khí đắt nhất thế giới nào. Hít một ngụm khí trời vào, thấy người như được tiếp thêm những năng lượng tươi sạch, trong lành.

Wat Umong là một trong những ngôi chùa lâu đời nhất của Thái Lan và cũng là ngôi chùa cổ kính, lớn tuổi nhất của Chiang Mai. Chùa tồn tại hơn 700 năm gắn với chiều dài lịch sử của Thái Lan. Theo các tài liệu lịch sử, Wat Umong (tên ban đầu là Werukattatharam), được xây dựng vào năm 1297, một năm sau khi Chiang Mai được thành lập là thành phố thủ đô mới của Vương quốc Lanna.

Truyền thuyết kể rằng vua Phaya Mangrai, vị vua đầu tiên của Vương quốc mới thành lập, đã xây dựng ngôi đền cho một nhà sư tên là Thera Jan, người mà ông rất yêu kính. Vì ngôi đền được bao quanh bởi thảm thực vật phong phú như vậy, nó được coi là một ngôi đền rừng Aranyawasi. Dựa trên các bằng chứng lịch sử và cấu trúc kiến trúc, các đường hầm thiền được ước tính đã được xây dựng từ thế kỷ 15 đến thế kỷ 16. Các tu viện cùng ngôi chùa này từng có thời gian bị bỏ hoang, cho đến năm 1940 khi chính phủ Thái Lan khai quật lại và bắt đầu đưa Wat Umong vào hoạt động như một khu di tích cổ.

Đôi uyên ương chụp ảnh cưới tại Wat Umong.

Kiến trúc lạ kì

 

Sau một chặng đường xuyên qua cánh rừng với những tàn cây lâu đời rợp mát, con đường nhỏ chạy mãi chạy mãi như bất tận, tôi cùng người bạn đến được ngôi chùa. Cổng vào của Wat Umongnép mình sau những bóng cây cao lớn, phải nhìn kĩ thì mới phát hiện ra. Hai bên cổng là hai bức tượng cổ uy nghiêm đứng sừng sững nhằm ngăn không cho các thế lực hắc ám xâm nhập vào ngôi chùa. Bước vào khuôn viên chùa, tôi vẫn ngỡ như mình đang ở trong rừng. Giữa ngày có nắng, nhưng mặt trời không chói lọi mà chỉ có những tia nằng xuyên qua kẽ lá đậu xuống mái chùa, lung linh theo bước chân đi.

Khuôn viên chùa rộng mênh môngl, nằm ở khu vực trung tâm là hồ cá khổng lồ, nơi có hàng ngàn con cá đang bơi lội, quẫy đuôi chờ du khách cho ăn. Một chiếc cầu treo bắc ngang, chia hồ làm hai nửa, cây cầu cũng nối khuôn viên chùa với một khoảng rừng thưa trống trải ven hồ mà du khách thường ngồi ở đó, lặng ngắm thiên nhiên đẹp đến ngỡ ngàng.

Không chỉ lạ bởi nép mình dưới rừng già, Wat Umong còn là một ngôi chùa rất “lạ” về mặt kiến trúc. Đây còn gọi là “chùa hầm”, bởi có hai phần rõ rệt: Phần trên mặt đất và những đường hầm cổ ngoằn ngoèo tạo nên một một chùa riêng biệt dưới lòng đất. Đường hầm bắt nguồn từ khuôn viên vườn, nằm ở tay phải, cách cổng vào không xa và nối với khu chính điện. Cấu trúc hầm hình vòm được xây dựng bằng gạch nung được giữ gần như nguyên trạng từ khi xây dựng vào cuối thế kỷ 14 cho đến ngày nay. Một không gian khá rộng trong chùa gồm một mô đất nhân tạo lớn được xây dựng nên vào tạo thành các đường hầm vắt chéo nhau.

Ở cuối mỗi đường hầm là một bức tượng Phật cổ. Thi thoảng, ở mỗi một góc hầm, ta lại có thể bắt gặp một người vãn cảnh chùa đang quỳ xuống, thành tâm khấn nguyện. Các đường hầm được làm bằng đất, gạch nung ăn vào lòng đất, cách âm rất tốt. Ngôi chùa hầm vì thế mà mang một sự tĩnh mịch lạ thường, như được tách biệt hẳn với thế giới chung quanh. Nếu may mắn, du khách ở lại muộn có thể bắt gặp hình ảnh các vị sư đi thiền hành trong những đường hầm này.

Từ lối vào đường hầm, khám phá sâu hơn khách có thể bắt gặp một cầu thang dẫn lên bảo tháp kiến trúc Lanna cổ cao ngất. Trên bàn thờ đặt trong chính điện của bảo tháp đặt các bức tượng Phật nhỏ với nhiều hình dạng khác nhau. Theo truyền thống, một bảo tháp chứa các cổ vật linh thiêng hoặc xá lợi của Đức Phật, trong khi cấu trúc biểu tượng của nó đại diện cho sự giác ngộ của ông. Các nhà sư sẽ khoanh tròn bảo tháp theo chiều kim đồng hồ trong khi đọc kinh.

 

Wat Umong rợp cá, rùa và bồ câu với những hồ nước màu xanh lục bảo.

Tìm gì được nấy ở Wat Umong

Người đến Wat Umong, có rất nhiều lý do. Có người, rất nhiều người, đến vì chùa nổi tiếng thiêng. Họ đến cầu nguyện, tìm cho mình một nơi để gửi gắm niềm tin và hy vọng dưới chân những pho tượng cũ kĩ và huyền mặc.

Nhiều người đến, đơn giản để tham quan và lưu lại hình ảnh. Bởi kiến trúc của Wat Umong quá lạ, quá đẹp. Những người trẻ có thể tìm được hàng trăm góc chụp ảnh độc đáo, lạ mắt, không giống bất cứ nơi nào trên trái đất này. Những tán rừng cao thấp với thảm thực vật phong phú. Những đường hầm màu nâu đất mà thi thoảng đang đi lại gặp ngõ cụt, với một tượng Phật lạ lùng thình lình hiện ra trước mắt. Những đoạn hồ nước mênh mông ăm ắp cá. Những đàn bồ câu rợp trời…

Có người, đến thăm vì câu nói “Chưa đến Wat Umong chưa thực sự hiểu Chiang Mai”. Hôm tôi đến, có một cặp tình nhân đang chụp ảnh cưới ở đây. Họ đứng trên cầu cầu treo chia hai nửa hồ, cô dâu tung bánh mì khiến hàng trăm chú bồ câu xinh đẹp ùa đến trên vai cô, tạo thành một cảnh tượng vô cùng đẹp mắt. Chú rể người Chiang Mai, cô dâu là người tỉnh khác đến đây làm việc, họ bén duyên nhau trong một lần đến viếng Wat Umong, và quay lại đây thường xuyên để tạ lễ. Họ cũng chọn ngôi chùa để chụp những bộ ảnh cưới. Và con cái của họ sau này, có lẽ cũng sẽ thường xuyên đến đây.

Phải hiểu người Chiang Mai để thấy vì sao họ lại có được một ngôi chùa lạ lùng như thế. Bởi tâm hồn họ rất lành. Người Chiang Mai không lựa chọn sự phát triển mà từ bỏ thiên nhiên. Cả thành phố vẫn được bao bọc bởi rất nhiều rừng, suối và cây xanh, mặc cho “tấc đất tấc vàng”. Người Chiang Mai cũng sống dịu dàng với muôn thú. Họ nuôi chó, nuôi mèo và thả chúng tự do đi khắp nơi, có khi nhiều nhà nuôi chung một thú cưng. Họ có thói quen cho khỉ hoang ăn, yêu thương loài voi.

 

Ở Wat Umong, thì có cá, có rùa, bồ câu nhiều đến ngợp mắt, được du khách cho ăn hàng ngày. Người Chiang Mai đa phần có đức tin tôn giáo. Phật giáo thấm vào máu, vào thịt họ, từ thuở họ mới chào đời, hoặc từ trước đó. Một thứ đức tin không mê tín, không ồn ào phô trương. Nó thâm trầm, bí ẩn, kín đáo náu trong trái tim họ, như những đường hầm nằm dưới lòng đất của Wat Umong, những con đường ngoằn ngoèo tưởng chừng không thấy điểm đến, nhưng cuối đường bao giờ cũng có Phật hiện ra.

Còn tôi, tôi đến Wat Umong làm gì, vào một ngày mùa thu trong vắt và nắng trên mặt hồ đẹp đến ngây người? Không cầu mong gì cả, không ước vọng gì xa xôi. Tôi lang thang dưới những đường hầm nâu trầm ấp áp và quỳ dưới chân Phật. Tôi xòe tay dưới tán lá cho tia nắng xiên nhảy múa trên bàn tay mình. Tôi đứng trên cầu cho cá ăn bánh mì. Tôi ngồi ven hồ ngắm mây trời với hàng ngàn chú bồ câu chung quanh. Phải chăng, tôi đến đây, cũng là đến học một trong những điều Phật dạy: Thực tại này đẹp quá đỗi. Chỉ thế thôi.

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm