Hỗ trợ doanh nghiệp

Khó khăn vẫn bủa vây doanh nghiệp nhỏ

Có thể trở thành “gánh nặng” của nền kinh tế là các doanh nghiệp về chứng khoán, khách sạn, thủy sản, vận tải...

Đó là thông tin được đưa ra tại hội thảo “Thách thức phát triển doanh nghiệp (DN) 2015” do Phòng Công nghiệp và Thương mại (VCCI) tổ chức ngày 27-1, cùng với lễ công bố báo cáo chỉ số kinh doanh 2014.

 

Thay mặt nhóm nghiên cứu, PGS-TS Nguyễn Mạnh Quân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển DN của Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội, cho biết khảo sát năm 2014 được thực hiện với 1.088 DN thuộc 34 ngành, đều là DN niêm yết. Chỉ số kinh doanh phản ánh qua 6 nhóm chỉ số cơ bản, gồm các chỉ số: thanh toán, hiệu quả kinh doanh, đòn bẩy tài chính và hệ số lợi nhuận, hệ số bảo toàn vốn, doanh thu.

 

Kết quả cho thấy “phao cứu sinh” cho nền kinh tế thuộc về những những ngành có nhiều DN đạt chỉ số tài chính tốt (dịch vụ, công nghiệp thực phẩm, bất động sản, cơ khí, công nghiệp phân bón, dược và dụng cụ y tế, thương mại, trồng trọt). Có thể trở thành “gánh nặng” của nền kinh tế là các DN thuộc ngành chứng khoán, công nghiệp điện tử, khách sạn, thủy sản, vận tải, hóa chất, bảo hiểm, thức ăn gia súc, tư vấn và thép.

 

Xét mức độ đạt tiêu chí về giá trên 10.000 đồng/cổ phiếu hay cổ tức EPS trên 15% chỉ có DN thuộc các ngành cơ khí, hóa chất, sách và thiết bị trường học, nhựa và bao bì, vận tải, vật liệu xây dựng. Các DN đạt tiêu chí giá cả thuộc các lĩnh vực: bảo hiểm, hạ tầng, điện, dịch vụ, vận tải, vật liệu xây dựng, xây dựng.

 

Đạt tiêu chí EPS là các DN bất động sản, cơ khí, công nghiệp nhẹ, công nghiệp thực phẩm, dịch vụ, dược và dụng cụ y tế, khoáng sản, may mặc, tư vấn, xây dựng. Số DN đạt 2 tiêu chí giảm ở các ngành như đường, khoáng sản, may mặc, thủy sản, dược và dụng cụ y tế, trồng trọt, thương mại. Chỉ duy nhất ngành bất động sản thể hiện xu thế chuyển nhóm tích cực từ nhóm đạt ít tiêu chí sang đạt nhiều tiêu chí.

 

Đáng lưu ý là nhiều DN phải xếp vào cột “không có tên”, do kết quả hoạt động giảm sút nên không đạt được bất kỳ chỉ tiêu nào. Những ngành có nhiều DN rơi vào tình trạng này là công nghiệp nhẹ, dược và dụng cụ y tế, may mặc, dịch vụ, xây dựng.

 

Bà Bùi Thu Thủy, Phó Cục trưởng Cục Phát triển DN (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết các DN nhỏ và vừa Việt Nam tuy chiếm tới 98% số lượng DN, đóng góp hơn 40% vào GDP nhưng vẫn trong tình trạng thiếu vốn, khó tiếp cận vốn vay ngân hàng và chủ yếu dựa vào vốn tự có; dư nợ tín dụng tính đến tháng 3-2014 chỉ chiếm khoảng 50% tổng dư nợ (so với 16% của DN nhà nước và 7% DN có vốn đầu tư trực tiếp của nước ngoài); chỉ khoảng 30% tiếp cận được vốn vay ngân hàng.

 

Bà Trần Thị Hồng Hạnh, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng, cho rằng sức khỏe của DN không đạt được chỉ số tài chính thì việc nắm bắt cơ hội cũng khó khăn hơn. DN không “khỏe”, ngân hàng đầu tư vào sẽ dẫn đến nguy cơ làm chậm quá trình tái cơ cấu ngân hàng và phát sinh nợ xấu. Vì vậy, DN cần bảo đảm sức khỏe tài chính để kết nối dễ dàng hơn với ngân hàng.

 

Một vấn đề được bà Thủy lưu ý là doanh thu, lợi nhuận của DN nhỏ và vừa đang có xu hướng giảm. Cụ thể, năm 2010, DN nhỏ và vừa chiếm 46,84% tổng doanh thu của toàn bộ khu vực DN, lợi nhuận trước thuế chỉ chiếm 22,87%; năm 2011, doanh thu giảm còn 34,0%; năm 2012, doanh thu tăng lên được 43,7% nhưng lợi nhuận chỉ còn 7,26%. Tỉ lệ DN thua lỗ tăng từ 25,14% năm 2010 lên 65,8% vào năm 2013. Ngược lại, tỉ lệ DN kinh doanh có lãi giảm từ 64,12% còn 34,2%.

Theo Người LĐ
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo