Cung nỏ đặc biệt uy lực của người Việt
Thực nghiệm bắn "nỏ thần" từ trên cao / Bắn từ trên cao chứng minh "nỏ thần" An Dương Vương có khả năng "một lần bắn xuyên giáp vạn quân"
Người Việt đánh tan đạo quân hùng mạnh nửa triệu quân của Tần Thủy Hoàng như thế nào? Tại sao quân đội của Tần Thủy Hoàng mạnh nhất thế giới thời đó khi đánh bại 6 nước thống nhất Trung Hoa mà lại bị đại bại bởi người Việt?
Kỹ sư Vũ Đình Thanh - người phục dựng loại cung nỏ cá nhân được sử sách Trung Quốc nhắc đến nhiều lần cho rằng, nhờ loại cung, nỏ đặc biệt của người Việt, cùng với tinh thần bất khuất, chiến thuật thích hợp mà người Việt đã chiến thắng 50 vạn quân Tần hung bạo và rất thiện chiến.
Cuốn sử nổi tiếng nhất Trung Hoa cổ đại Sử Ký Tư Mã Thiên cũng ghi rõ: "Đóng binh ở đất vô dụng… Tiến không được, thoái không xong. Đàn ông mặc áo giáp, đàn bà phải chuyên chở, khổ không sống nổi. Người ta phải thắt cổ trên cây dọc đường. Người chết chồng nhau".
Lý giải vì sao chính sử Trung Hoa lại ghi "đàn ông mặc áo giáp", kỹ sư Thanh cho rằng, việc này là do quân Tần suốt 3 năm liền liên tục bị người Việt bắn cung, bắn nỏ. Quân Tần rất đông và thiện chiến, có vũ khí cung nỏ bậc nhất Trung Hoa nhưng cung nỏ của người Việt còn uy lực hơn.
Trong quá trình phục dựng nỏ thần An Dương Vương, kỹ sư Thanh tìm ra nguyên lý sát thương của nỏ thần chính là từ bằng chứng khảo cổ các mũi tên đồng Cổ Loa. Nhờ kích thước nhỏ, khối lượng nhỏ như một viên đạn ngày nay nên cùng một mức năng lượng (tức là cùng một lực bắn), mũi tên đồng Cổ Loa bay được xa hơn tên của nỏ vốn cũng rất uy lực của quân Tần.
“Nếu mũi tên đồng Cổ Loa được bắn từ trên cao thì rất giống đạn chùm flechette thả từ máy bay ngày nay. Nhờ sức hút của trái đất, với cấu trúc đặc biệt triệt tiêu sức cản không khí, có chuyển động nhanh dần đều khi lao từ trên cao xuống, một mũi tên hoàn toàn có thể xuyên táo 10 tên giặc nếu độ cao đủ lớn”, kỹ sư Thanh khẳng định.
Tại Cao Bằng - nơi phát tích của vua An Dương Vương, các nhà sử học cũng tìm được các mũi tên đồng y hệt như mũi tên đồng Cổ Loa. Như vậy, một câu hỏi kỹ thuật rất logic đã được đặt ra về sự tồn tại loại cung nỏ cá nhân khác biệt với cung nỏ thường thấy trên thế giới và bắn được các mũi tên đồng Cổ Loa bé tí tẹo.
Xét một cách logic khác, nỏ thần An Dương Vương phải được phát triển và cải tiến từ một vũ khí nào đó đơn giản hơn. Với quá trình dày công nghiên cứu, kỹ sư Thanh đã đưa ra kết luận (kết luận này được ghi trong kỷ yếu “Hội nghị sử học toàn quốc lần thứ nhất”), người Việt đã sử dụng cung nỏ cá nhân bắn các mũi tên đồng Cổ Loa y hệt như nỏ thần An Dương Vương.
Việc cùng bắn các mũi tên đồng Cổ Loa với khác biệt là nỏ thần bắn cùng lúc nhiều mũi tên đòi hỏi sự vận hành của nhiều người. Trong khi, cung nỏ tiền thân của nỏ thần chỉ bắn 1 mũi tên đồng Cổ Loa và do một cá nhân sử dụng.
Kỹ sư Thanh đã tìm ra dấu vết về loại cung nỏ của người Việt bắn các mũi tên đồng Cổ Loa ghi trong sử sách xưa của Trung Quốc. Theo đó, sách “Bác vật chí” (quyển 9) đã ca ngợi kỹ thuật cung nỏ của người Việt (bấy giờ được gọi là người Lý): “Giao Châu Di gọi là người Lý. Cung của người Lý dài vài thước, tên dài hơn một thước, dùng đồng tốt làm đầu mũi tên; đầu mũi tên có bôi thuốc độc, tên trúng vào người nào, người ấy tất chết”. Sách Việt Kiệu Thư chép: “Đông Man xưa ở nước Nam Việt về thời Tần rất mạnh, về phép dùng nỏ thì lại càng giỏi lắm, mỗi phát tên bằng đồng xuyên qua hơn chục người”.
Mô tả của sử sách Trung Hoa cũng cho thấy, các sử gia Trung Hoa chỉ nhìn thấy mũi tên đồng Cổ Loa lắp vào đầu thân tên, khi bắn thân tên không bay mà chỉ phần đầu (tức mũi tên Cổ Loa) bay. Khi bắn theo phương ngang, vì mũi tên Cổ Loa ngắn và không có cánh ở đuôi nên rất có thể mũi tên bị bay ngang nên người xưa phải tẩm thuốc độc vào mũi tên đồng Cổ Loa (mà sử gia Trung Hoa tưởng là phần đầu mũi tên).
Còn khi bắn nỏ từ độ cao lớn như đỉnh núi Phja Dạ tại Cao Bằng thì một mũi tên đồng Cổ Loa từ cung nỏ cá nhân xuyên táo 10 tên giặc là điều rất bình thường. Các cuốn sử Trung Hoa trên đã không cường điệu khi viết về cung nỏ của người Việt xưa. Họ đã mô tả rõ ràng sự thật lịch sử về cung nỏ cá nhân của người Việt xưa.
Như vậy, đúng như Đại Việt sử ký toàn thư mô tả, trước thế mạnh ban đầu của quân Tần, “người Việt đều vào rừng, ở với cầm thú, không ai chịu để cho quân Tần bắt” và đúng như sách Hoài Nam Tử mô tả “họ cùng nhau đặt người kiệt tuấn lên làm tướng để ban ngày lẫn trốn, đêm ra đánh quân Tần”.
Ban đêm người Việt từ các vị trí cao bắn cung, quân Tần không chống cự được vì người Việt ở ngoài tầm mũi tên của quân Tần. Cung nỏ đặc biệt của người Việt xưa bắn các mũi tên đồng Cổ Loa với uy lực mạnh hơn nhiều lần cung nỏ của quân Tần là nguyên nhân khiến cho đàn ông ba năm không cởi giáp và "thây phơi máu chảy hàng chục vạn người", đúng như các sử gia Trung Hoa mô tả.
Tại sao loại cung nỏ của người Việt uy lực như thế mà bị thất truyền, kỹ sư Thanh cho rằng: cung nỏ thời Văn Lang/Âu Lạc, rồi nỏ thần An Dương Vương nhìn tưởng rất đơn giản nhưng mũi tên đồng Cổ Loa chỉ bay xa và mạnh từ một vị trí duy nhất. Nếu đặt sai vị trí thì các mũi tên đồng Cổ Loa sẽ không bay được quá 2m y hệt như việc các nhà khoa học Trung Quốc phục dựng nỏ thần được quay chính thức trên Truyền hình trung ương Trung Quốc CCTV9/CNTV.
Hiểu và chỉnh được vị trí này không phải là đơn giản. Chính vì thế, cung nỏ thời xưa của người Việt bắn các mũi tên đồng Cổ Loa bé tí đã hoàn toàn bị thất truyền trong hàng nghìn năm qua.
Cùng với việc phục dựng thành công nỏ thần An Dương Vương bắn cùng lúc cả vạn mũi tên đòi hỏi sự vận hành của nhiều người cùng lúc. Kỹ sư Thanh cũng đã phục dựng thành công loại cung nỏ đơn cho cá nhân mà các chiến binh Văn Lang/Âu Lạc đã sử dụng để từ vị trí trên cao bắn chết hàng vạn quân Tần, dù mặc giáp sắt nhưng vẫn không tránh khỏi cái chết từ mũi tên đồng Cổ Loa.
Qua quá trình phục dựng Nỏ thần An Dương Vương cho thấy uy lực như viên đạn ngày nay của mũi tên đồng Cổ Loa bắn từ cung nỏ cá nhân, thấy rõ trí tuệ của người Việt xưa từ hàng nghìn năm trước.
End of content
Không có tin nào tiếp theo