Khoảng cách giữa danh hiệu và bảo tồn
Hội chứng chưa ngừng nghỉ
Cách đây gần 5 năm, sau khi cồng chiêng Tây Nguyên, nhã nhạc cung đình Huế được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại, một loạt các di sản khác như Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm (Bắc Giang), thành nhà Hồ (Thanh Hóa), hát Xoan (Phú Thọ)… liên tục được các địa phương lên kế hoạch đề nghị Bộ Văn hóa Thể thao & Du lịch cho xây dựng hồ sơ ứng cử di sản thế giới. Và để UNESCO vinh danh 17 di sản của Việt Nam như hiện nay, chúng ta đã tiêu tốn không ít công sức và tiền của cho công tác lập hồ sơ như kiểm kê di sản, khảo sát thực địa, hội thảo…
Nhẩm tính đến thời điểm này, nước ta có hơn 10 di sản văn hóa đang xếp hàng chờ đến lượt đi thi. Không chỉ di sản văn hóa vật thể như: Danh thắng Tràng An (Ninh Bình), đảo Cát Bà (Hải Phòng), khu di tích Ốc Eo - Ba Thê (An Giang)… mà loại hình di sản văn hóa phi vật thể cũng đua nhau hoàn thiện hồ sơ. Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương, nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ, nghệ thuật hát Then của dân tộc Tày, dân ca xứ Nghệ, nghệ thuật Bài Chòi (Bình Định), của dân tộc Dao (Yên Bái)… đều ngấp nghé hoặc đã bước vào cuộc đua danh hiệu.
Tuy nhiên, sau khi được UNESCO công nhận, nhiều địa phương vẫn chưa tận dụng được những nguyên tắc đã cam kết để bảo tồn di sản.
Mục tiêu của danh hiệu là tự nguyện bảo tồn
Danh hiệu di sản thế giới là hoạt động mang tính khoa học, được tổ chức UNESCO chủ trì trên cơ sở Công ước quốc tế về Bảo vệ di sản Văn hoá và Thiên nhiên Thế giới. Danh hiệu này ra đời năm 1977, hiện có trên 150 quốc gia thành viên thừa nhận tính pháp lý và hiệu lực. Mục tiêu của Công ước nằm ở tính hành động, các quốc gia tham gia phải tự nguyện đầu tư tiền và trí tuệ để gìn giữ và bảo vệ các di sản không chỉ cho dân tộc mình, mà cho toàn nhân loại. Nhưng, GS Ngô Đức Thịnh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Văn hóa dân gian nhận xét: "Trong thời gian gần đây các địa phương đua nhau lập hồ sơ di sản để đệ trình UNESCO. Nhưng khi nhìn lại, nhận thấy công tác bảo tồn và nhận thức về di sản vẫn chưa thực tốt nếu không muốn nói nhiều nơi còn có những việc làm vô tình gây tổn hại tới di sản".
"Chúng ta phải tạo ra những người quản lý có quan điểm, định hướng tiên tiến, tư duy, phương pháp quản lý văn hóa đúng. Còn nếu chạy theo giống như bên tiếp thị kinh tế thì sẽ chỉ làm hỏng văn hóa", PGS.TS Nguyễn Văn Huy (Hội Di sản văn hóa Việt Nam) nói.
Điển hình, hát Quan họ, sau 3 năm trở thành di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại đã thiếu đi cái "lúng la lúng liếng" của liền anh liền chị trong từng câu hát. Thế mới có chuyện, xây dựng kỷ lục 3.700 người hát Quan họ trong Hội Lim 2012. Theo GS Ngô Đức Thịnh, kỷ lục đó là hành động "phi quan họ nhất".
Cùng được thế giới vinh danh, sau 3 năm nỗ lực bảo tồn, nhạc sĩ Đặng Hoành Loan đã đưa ra 3 cảnh báo cho Ca trù: Thứ nhất, số lượng nghệ nhân không còn nhiều, vốn di sản về Ca trù cũng theo đó mà rơi rụng. Thứ hai, cộng đồng ngày càng ít cơ hội được tiếp cận với môn nghệ thuật này. Thứ ba, không gian biểu diễn của Ca trù ngày càng mất dần đi. Hiện chỉ còn không gian hát ca quán (vừa nghe hát vừa uống nước), vì thế nghệ thuật Ca trù rất dễ bị biến mất. Sau mỗi kỳ liên hoan Ca trù toàn quốc, người ta lại thấy nghệ nhân dần vắng bóng. Lớp trẻ vừa là đào nương vừa kiêm hát chèo, nên khi cất giọng trên sân khấu liên hoan Ca trù, người yêu nghệ thuật này không khỏi nản lòng. Thêm vào đó, hành động yêu di sản dẫn đến việc cải biên di sản, khiến không ít di sản thế giới của Việt Nam mang tiếng xấu. Chẳng hạn, Phú Thọ vì hấp tấp muốn phổ cập hát Xoan đến mức chèo hóa và quần chúng hóa hát Xoan…
Các quy tắc bảo vệ di sản của UNESCO rất nghiêm ngặt. Trên giới thế có nhiều di sản từng được công nhận rồi bị tước danh hiệu. Vì vậy, đứng trước thực trạng bảo tồn di sản và cuộc đua danh hiệu hiện nay, không ai không lo ngại về khoảng cách giữa danh hiệu và việc bảo tồn di sản.
Thảo Anh (Theo KTĐT)
End of content
Không có tin nào tiếp theo