Doanh nghiệp - Doanh nhân

Khởi nghiệp ở tuổi xế chiều và thách thức quỹ thời gian hạn hẹp

Khởi nghiệp ở tuổi 60, ông Nguyễn Thanh Mỹ, sáng lập Mỹ Lan Group có nỗi lo rất khác, đó là không còn nhiều thời gian để hoàn thành các dự định. Nhưng ông chưa bao giờ ngừng lại.

Thử cholesterol... trước khi khởi nghiệp

Năm 2004, ông Mỹ trở về Trà Vinh xây dựng Tập đoàn Mỹ Lan với số vốn gần 250.000 USD, chuyên sản xuất bản in offset CTP, máy và mực in phun công nghiệp, màng chất dẻo đa lớp cản khí cao - những sản phẩm đòi hỏi chuyên môn và tay nghề cao.

Đến năm 2016, sau khi chuyển vị trí tổng giám đốc cho vợ, ông đã thành lập 3 thêm công ty mới, tập trung vào việc ứng dụng công nghệ cao vào nông nghiệp gồm sản xuất phân bón thông minh, thiết bị IoT như ổ khóa, đồng hồ nước… và thương mại điện tử. 3 công ty này là Rynan Agrifoods, Rynan Technologies và Rynan Smart Fertilizers, thuộc Tập đoàn Mỹ Lan. Ông dự định sẽ IPO cả 3 công ty vào năm 2025.

Mọi kế hoạch đều tuần tự tiến, không có dấu hiệu nào của… sức khỏe.

Ông Nguyễn Thanh Mỹ, sáng lập Mỹ Lan Group trong Chương trình Café Khởi nghiệp tập 5.

“Tôi đã đi thử lượng đường trong máu, cholesterol... trước khi… khởi nghiệp”, ông Mỹ hài hước, nhưng không nói quá. Khởi nghiệp ở tuổi xế chiều như ông, việc chuẩn bị sức khỏe cần được quan tâm đến đầu tiên, nhất là khi quỹ thời gian tự nhiên không còn nhiều.

Tất nhiên, điểm thuận lợi của những người khởi nghiệp ở độ tuổi này đã có những tích lũy cơ bản về kinh nghiệm, từng thành công ở lĩnh vực tương tự. Do đó, các quyết định được tính toán kỹ lưỡng hơn và độ rủi ro hay khả năng thất bại sẽ thấp hơn những người trẻ.

Nhưng quyết định khởi nghiệp muộn thường có áp lực phải thành công – nhất là khi trước đó họ đã ghi nhận những thành công ở vai trò nhà khoa học hay doanh nhân.

Ông Mỹ nghĩ khác, “Nếu chưa làm tốt thì tiếp tục làm. Chỉ đáng ngại khi thấy vấn đề trước mắt và có khả năng giải quyết để cộng đồng chung quanh tốt hơn mà không làm thôi”, người sáng lập Mỹ Lan Group chia sẻ.

Đến và đi với 2 bàn tay trắng

 

Ngay từ khi bắt đầu xây dựng Rynan, “Việt kiều té giếng” – theo cách nhiều người gọi ông Mỹ -  này đã từng bước hình thành đội ngũ kế thừa. Nhưng, đặt công ty tại quê hương, một trong những tỉnh nghèo nhất cả nước, chưa kể hoạt động trong lĩnh vực công nghệ cao, ông Mỹ dường như tự đưa mình vào thế khó trong việc tìm nhân sự tài và đức như ông mong muốn. 

“Tôi chọn lựa nhân sự dựa trên bản chất cầu tiến, còn chuyên môn có thể đào tạo dần”, ông Mỹ chia sẻ cách đi của mình.

Trong các cuộc nói chuyện với các kỹ sư, công nhân trẻ tuổi trong Công ty, ông vẫn nhắc tới nguyện vọng “không mang được họ sang Canada thì sẽ mang Canada về.. Trà Vinh”. Ông luôn muốn Việt Nam hay Trà Vinh phát triển như Canada - quê hương thứ hai của ông, để người dân mình có cơ hội đồng đều hơn, một cuộc sống chất lượng với văn minh, kỷ luật hơn.

Từ nhà khoa học với trên 200 bằng phát minh chuyển sang vai trò của một doanh nhân, ông Mỹ “ước” có kiến thức, kinh nghiệm nhiều hơn về quản trị, kế toán, nhân sự... Nhưng không chỉ thế, ông thực sự trở thành một người nông dân, để hiểu và đối diện với các vấn đề mà ông đang muốn giải quyết.

Đây là lý do ông cũng như các cộng sự của ông trong công ty không thể ngồi bàn giấy để giải quyết công việc được. Từng ngày, ông truyền cảm hứng cho những người trong công ty bằng sức làm việc của mình, chứ không áp đặt. Cũng như việc ông không áp đặt cho 3 đưa con ông. Họ  đang sinh sống và làm việc tại Mỹ, Singapore với những sở thích và đam mê nhiều ngành nghề khác nhau.

 

“Tôi vẫn nói với mọi người trong công ty đừng bao giờ nghĩ công ty này là của tôi. Tôi đến và đi chỉ có 2 bàn tay trắng, chứ không mang theo Mỹ Lan. Trách nhiệm của họ là phát triển bền vững nó, để tạo nhiều công ăn việc làm hơn”, ông nói.

Nên đọc
Theo Báo Đầu tư
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo