Không đúng bản chất của kinh doanh
Nhiều người cho rằng, dự thảo không chỉ “o ép” và vi phạm quyền tự quyết của các doanh nghiệp, mà còn là động thái “âm thầm” bổ sung các điều kiện kinh doanh sau thời gian Bộ cắt giảm hàng trăm điều kiện kinh doanh mới đây.Về vấn đề này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Vũ Vinh Phú, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội.
Nếu dự thảo Nghị định về việc phát triển và quản lý ngành phân phối được thông qua, theo ông nó sẽ ảnh hưởng như thế nào đến doanh nghiệp và xã hội?
Ông Vũ Vinh Phú: Nếu dự thảo Nghị định trên được thông qua đúng với những quy định, tiêu chí mà Bộ Công Thương đề nghị thì chắc chắn, các doanh nghiệp nhỏ của Việt Nam sẽ gặp rất nhiều khó khăn, thậm chí là chết yểu. Và khi đó, nó sẽ tạo ra thế độc quyền đối với các doanh nghiệp lớn. Thậm chí, dự thảo Nghị định sẽ tạo ra cơ hội lớn để các doanh nghiệp, các nhà bán lẻ nước ngoài từ Thái Lan, Hàn Quốc, Nhật Bản…sẽ có cơ hội nhiều hơn để thâu tóm và chi phối thị trường bán lẻ trong nước.
Tôi có thể khẳng định rằng, đây đều là những quy định rời xa thực tế, thậm chí chưa có sự thăm dò ý kiến của người dân, doanh nghiệp. Không phải nói đâu xa, chỉ cần đề cập đến những nghị định trước đây liên quan đến lĩnh vực kinh doanh gas, gạo xuất khẩu, thậm chí là quy định cấm người có vòng ngực nhỏ được phép điều khiển xe máy…cho thấy rằng, các cơ quan chức năng đang “không có việc gì để làm” và những chính sách như thế sẽ mãi không thể đi vào cuộc sống được.
Dự thảo trên có phải là cách làm mới và đây có thể coi là các điều kiện kinh doanh mới được Bộ Công Thương lồng ghép đưa ra không?
Ông Vũ Vinh Phú: Dự thảo Nghị định thì mới đưa ra, nhưng cách làm thì không có gì mới, thậm chí nó còn thụt lùi và thừa so với những quy định trước đây. Bởi lẽ, Nghị định này không thể so sánh được với các nội dung đã có trong Luật Thương mại, luật doanh nghiệp, luật đầu tư…Trong khi đó, hiện Chính phủ đang đẩy mạnh việc cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của khối doanh nghiệp nhỏ và vừa, thì dự thảo Nghị định được coi là đang tạo ra sự không công bằng trong kinh doanh đối với các doanh nghiệp.
Đặc biệt, những quy định đưa ra tại dự thảo cho thấy quá cứng nhắc, chi tiết và nó chỉ có tác dụng đưa doanh nghiệp trở lại thời kỳ bao cấp, hạn chế, thậm chí là tước đi quyền tự chủ của doanh nghiệp.
Trong dự thảo có đề cập đến việc quy định thời giản mở, đóng cửa, quy định gian hàng truyền thống tại siêu thị, diện tích, thời gian khuyến mại…theo ông những quy định này có hợp lý?
Ông Vũ Vinh Phú: Có thể nói đây là những quy định cứng nhắc và không phù hợp. Thứ nhất, nếu quy định thời gian mở cửa đối với các siêu thị thì phải xem các siêu thị này nằm ở vị trí nào. Không thể đánh đồng siêu thị ở tỉnh, ít người mua sắm buộc phải mở cửa, đóng cửa cùng giờ với các siêu thị ở trong thành phố lớn.
Điều này cho thấy, việc đưa ra các quy định trong dự thảo chưa sát với thực tế, chưa tìm hiểu kỹ nhu cầu và quyền lợi của doanh nghiệp và người tiêu dùng. Bên cạnh đó, việc quy định diện tích các trung tâm thương mại, siêu thị cũng quá vô lý.
Cụ thể, nếu như một siêu thị đảm bảo đủ diện tích theo quy định mới là 10.000 m2, nhưng lại thiếu cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại…với một siêu thị chỉ có 8.000-9.000m2 nhưng lại được xây dựng hiện đại, đầy đủ trang thiết bị thì chẳng lẽ lại không được gọi là siêu thị?.
Bên cạnh đó, dự thảo cho thấy Bộ Công Thương đang can thiệp quá sâu vào quyền lợi của doanh nghiệp, cụ thể đó là quyền được phép khuyến mại.
Tôi làm ăn được tôi có quyền khuyến mại, tôi muốn thu hút người tiêu dùng tôi khuyến mại…thậm chí tôi khuyến mại quanh năm cũng được nếu việc làm đó có lãi và có lợi cho người tiêu dùng.
Điều quan trọng nhất đó là các chương trình khuyến mại phải trung thực, sản phẩm đảm bảo chất lượng, đảm bảo quyền lợi tối đa cho người tiêu dùng. Vậy tại sao lại phải hạn chế khuyến mại?.
Bất cập là vậy nhưng theo ông, nếu dự thảo Nghị định này được thông qua thì nó có điểm nào hợp lý không?
Ông Vũ Vinh Phú: Thẳng thắn mà nói, bên cạnh những bất cập trên thì dự thảo cũng có một số điểm có lợi cho doanh nghiệp và người tiêu dùng. Ví dụ, dự thảo Nghị định có quy định các siêu thị phải dành 30% gian hàng cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Điều này tôi khá ủng hộ và là cơ hội để cho doanh nghiệp có thêm cơ hội đưa hàng các hệ thống siêu thị hiện đại. Qua đó, giúp doanh nghiệp nhỏ và vừa vươn lên làm chủ thị trường.
Ngoài ra, đối với các quy định khác liên quan đến việc bắt buộc trong siêu thị phải có nhà vệ sinh…Đây cũng là quy định cần thiết, bởi lẽ, rất nhiều siêu thị không có đủ diện tích để xây dựng khu vực vệ sinh riêng, đôi khi khiến người tiêu dùng khi đi mua sắm gặp khó khăn rất nhiều. Tuy nhiên, vấn đề này không nên quy định quá chi tiết, bởi lẽ, khi xây dựng bất kỳ một siêu thị hay trung tâm thương mại nào, việc xây dựng nhà vệ sinh luôn được các doanh nghiệp chú trọng.
Vậy theo ông, trước dự thảo trên, Bộ Công Thương cần làm gì để doanh nghiệp thực sự phát triển, nhưng vẫn đảm bảo quyền tự quyết của mình?
Ông Vũ Vinh Phú: Thật ra không phải chỉ mình Bộ Công Thương mà các bộ, ngành khác cũng nên tập trung vào những việc quan trọng hơn. Chẳng hạn như tham mưu cho Chính phủ tạo môi trường kinh doanh bình đẳng cho các doanh nghiệp trong nước, doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp tư nhân; doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp nước ngoài. Ngoài ra, cần tập trung đẩy mạnh việc xúc tiến thương mại, xây dựng vùng nguyên liệu, giảm thiểu gian lận thương mại…
Bên cạnh đó, để quản lý thị trường được tốt hơn thì nên giao cho các địa phương quản lý, thay vì Bộ Công Thương cứ mãi “ôm việc” vào người. Đặc biệt, để doanh nghiệp được phát triển, đảm bảo không bị xâm phạm quyền tự quyết của doanh nghiệp thì chúng ta cần phải xây dựng được nền kinh tế thị trường. Vẫn biết đây là việc làm rất khó, nhưng không thể không thực hiện được nếu thực sự chúng ta vì doanh nghiệp và vì người tiêu dùng.
Cảm ơn ông!
End of content
Không có tin nào tiếp theo