Hỗ trợ doanh nghiệp

Không được vay tiền từ công ty tài chính để mua nhà, mua vàng

(DNVN) - Đây là một trong những nội dung được quy định tại Dự thảo Thông tư quy định cho vay tiêu dùng của công ty tài chính đang được Ngân hàng Nhà nước lấy ý kiến rộng rãi.

Theo đó, công ty tài chính có quyền tự chủ hoạt động theo quy định tại Điều 7 Luật các tổ chức tín dụng. Công ty tài chính có quyền lựa chọn và tự chịu trách nhiệm về quyết định cho vay tiêu dùng, phương thức cho vay, sản phẩm cho vay tiêu dùng đảm bảo nguyên tắc công khai, minh bạch, phù hợp với năng lực quản trị rủi ro của công ty tài chính và quy định tại Thông tư này.

Dự thảo nêu rõ, những nhu cầu vốn không được cho vay gồm: Vay để mua, sử dụng các hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục cấm mua, bán, xuất, nhập khẩu theo quy định của pháp luật; Vay để mua, sử dụng hàng hóa bị cấm lưu thông, sử dụng dịch vụ bị cấm sử dụng theo quy định của pháp luật về hàng hoá, dịch vụ bị áp dụng biện pháp khẩn cấp; Vay để đáp ứng các nhu cầu tài chính của các giao dịch, hành vi mà pháp luật cấm; Vay để trả nợ các khoản nợ vay tại chính công ty tài chính cho vay và/hoặc tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài khác; Vay để mua nhà ở; thuê, thuê mua nhà ở; xây dựng, sửa chữa nhà ở; Vay để mua tàu thuyền, vàng (trừ vàng trang sức, mỹ nghệ).

Ảnh minh họa.

Khách hàng vay tiêu dùng phải là người có năng lực pháp luật dân sự, năng lực hành vi dân sự theo quy định của pháp luật về dân sự; có mục đích sử dụng vốn vay tiêu dùng phù hợp với quy định; có khả năng tài chính để trả nợ theo thời hạn đã cam kết; có phương án sử dụng vốn khả thi.

Công ty tài chính căn cứ hồ sơ đề nghị vay tiêu dùng để thẩm định, đánh giá khả năng đáp ứng các điều kiện vay tiêu dùng của khách hàng và xem xét quyết định cho vay. Công ty tài chính phải tổ chức xét duyệt cho vay theo nguyên tắc phân định trách nhiệm giữa khâu thẩm định và quyết định cho vay.

Công ty tài chính thoả thuận với khách hàng việc áp dụng các phương thức cho vay tiêu dùng sau đây: 1- Cho vay từng lần: Công ty tài chính thực hiện thủ tục cho vay cần thiết đối với khách hàng theo từng nhu cầu vay vốn cụ thể và ký kết hợp đồng cho vay tiêu dùng; 2- Cho vay theo hạn mức: Công ty tài chính xác định và thỏa thuận với khách hàng một hạn mức cho vay tối đa được duy trì trong một khoảng thời gian tối đa 01 năm.

Công ty tài chính và khách hàng thỏa thuận về thời hạn cho vay trên cơ sở nguồn thu nhập, khả năng trả nợ của khách hàng, nguồn vốn cho vay và thời hạn hoạt động còn lại của công ty tài chính.

Đối với cá nhân có quốc tịch nước ngoài, thời hạn cho vay không vượt quá thời hạn được phép cư trú còn lại tại Việt Nam.

 

Lãi suất cho vay tiêu dùng, tính và thu lãi tiền vay

Dự thảo cũng quy định, mức lãi suất cho vay tiêu dùng do công ty tài chính và khách hàng thỏa thuận phù hợp với quy định của Ngân hàng Nhà nước về lãi suất cho vay của tổ chức tín dụng đối với khách hàng và được tính theo tỷ lệ %/năm. Công ty tài chính phải ban hành quy định nội bộ về lãi suất cho vay tiêu dùng.

Khi đến hạn thanh toán mà khách hàng không trả hoặc trả không đầy đủ nợ gốc và/hoặc lãi tiền vay theo thỏa thuận của công ty tài chính và khách hàng trong hợp đồng cho vay tiêu dùng, thì khách hàng phải trả lãi tiền vay như sau:

Lãi suất áp dụng đối với dư nợ gốc quá hạn do công ty tài chính thỏa thuận với khách hàng trong hợp đồng cho vay tiêu dùng nhưng không vượt quá 150% lãi suất cho vay trong hạn.

Trường hợp khách hàng không trả lãi tiền vay đúng hạn, khách hàng còn phải trả cho công ty tài chính tiền lãi đối với số lãi tiền vay chậm trả theo mức lãi suất do công ty tài chính và khách hàng thỏa thuận nhưng không vượt quá 10%/năm tính trên số lãi tiền vay chậm trả trong thời gian chậm trả.

 

Nên đọc
Hòa Lộc
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo