Hỗ trợ doanh nghiệp

Kiểm toán Nhà nước “truy” trách nhiệm sai sót tại EVN, PVN và TKV

(DNVN) - Kiểm toán Nhà nước có đề nghị về việc xử lý trách nhiệm tập thể, cá nhân liên quan đến các sai sót được phát hiện tại Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN), Tập đoàn Than Khoáng sản Việt Nam (TKV) và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN).

Dựa trên kết quả kiểm toán năm 2015, Kiểm toán Nhà nước mới đây đã công bố kiến nghị về xử lý trách nhiệm tập thể, cá nhân liên quan đến các sai sót, tồn tại được phát hiện tại nhiều ông lớn, trong đó có Tập đoàn TKV, EVN và PVN.

Theo đó, đối với TKV, Kiểm toán nhà nước đề nghị kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm tập thể, cá nhân liên quan đến 7 sai sót, tồn tại trong năm 2015, theo tin trên báo Bizlive.

Cụ thể, sai sót thứ nhất được chỉ ra là thực hiện thăm dò khi chưa có giấy phép, thăm dò vượt chiều sâu cho phép. Điển hình như khoan vượt giấy phép tại 2 đề án của Công ty Than Hạ Long, 2 đề án của Công ty Than Uông Bí, 1 đề án của Công ty Than Dương Huy, 1 đề án của Công ty Than Mạo Khê…; khoan thăm dò ngoài phạm vi được phép quản lý tại Tổng công ty Công nghiệp mỏ Việt Bắc.

Thứ hai, sai sót và tồn tại về thẩm định, phê duyệt đề án khi chưa được sự cho phép của cơ quan cấp phép thăm dò. Bên cạnh đó, các đề án thăm dò ở nước ngoài không thuộc phạm vi được chi từ nguồn Quỹ.

Thứ ba là sai sót trong việc thực hiện chỉ định thầu cho các đơn vị vừa lập đề án, vừa thi công không đúng quy định. Thứ tư, trong thực hiện chỉ đạo, điều chỉnh hệ số đơn giá các đề án khoan thăm dò không đúng thẩm quyền.

Thứ năm, liên quan về ký kết phụ lục hợp đồng ngoài thời gian hiệu lực của hợp đồng gốc. Chưa phân định rõ trách nhiệm của từng bên trong việc chậm tiến độ hợp đồng, không xử phạt chậm tiến độ do lỗi của đơn vị thi công.

Thứ sáu, sai sót trong quản lý và hạch toán chi phí thực hiện đầu tư vượt tổng mức đầu tư đã được phê duyệt tại Dự án Xử lý chống sạt lở mái ta luy đường nối Quốc lộ 18A và Mỏ than Ngã Hai tại Công ty Than Quang Hanh.

Cuối cùng là sai sót, tồn tại về quản lý và quyết toán Quỹ Thăm dò và Quỹ Môi trường hàng năm. Cụ thể, TVK đã sai sót trong quyết toán sai đơn giá được ban hành, chi phí thẩm định, xét duyệt sai đối tượng được hưởng, các giá trị không đủ điều kiện quyết toán.

Theo báo cáo kiểm toán, TKV chỉ xây dựng kế hoạch bảo vệ môi trường trung và dài hạn từ tháng 6/2013, nhưng lại trích vượt Quỹ môi trường năm 2012 là 113,74 tỷ đồng; Sử dụng Quỹ để đầu tư cho các dự án, đề án không đúng quy định từ năm 2010-2014 là 238,68 tỷ đồng, trong đó, Quỹ Thăm dò là 191,06 tỷ đồng, Quỹ Môi trường là 47,62 tỷ đồng.

Ngoài ra, TKV còn sử dụng Quỹ Thăm dò để đầu tư cho hoạt động khai thác khoáng sản ngoài than lớn hơn số trích lập 371,1 tỷ đồng. Trong đó, Tập đoàn này sử dụng Quỹ Thăm dò tới 529,4 tỷ đồng trên số được trích lập chỉ là 158,3 tỷ đồng...

Đối với ông lớn EVN, Kiểm toán Nhà nước đã đề nghị Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) kiểm điểm, xem xét trách nhiệm các tổ chức, cá nhân về những sai sót, hạn chế trong việc quản lý tài chính, hạch toán kế toán báo cáo tài chính, chấp hành các quy định về quản lý vốn, tài sản và thực hiện nghĩa vụ với ngân sách Nhà nước, theo tin trên báo VnEconomy.

Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN).

Đồng thời thực hiện các quy định về thẩm định, ký kết hợp đồng mua bán điện và việc tuân thủ các quy định về hợp đồng bán điện và thực hiện thị trường điện.

Kiểm toán Nhà nước cũng đề nghị Bộ Công Thương xem xét kiểm điểm trách nhiệm Cục Điều tiết Điện lực về việc cấp giấy phép hoạt động điện lực số 115/GP-ĐTĐL cho Công ty TNHH Gia Nghi hồi tố cho công ty được phép vận hành thương mại từ ngày 14/6/2014 không đúng quy định.

Đồng thời, kiến nghị Bộ Công Thương chỉ đạo Cục Điều tiết Điện lực kiểm tra, rà soát việc cấp giấy phép hoạt động điện lực cho các nhà máy thủy điện. Chỉ đạo Cục Điều tiết Điện lực làm rõ và hướng dẫn EVN xử lý, điều chỉnh những tồn tại, vướng mắc khi thực hiện quy định trong thương thảo, ký kết hợp đồng mua bán điện, áp dụng khung giá điện liên quan đến tổng mức đầu tư, cơ cấu vốn, chênh lệch tỷ giá và các bất cập khác có liên quan.

Đối với PVN, Kiểm toán Nhà nước đề nghị đại gia dầu khí thực hiện kiểm điểm và chỉ đạo các đơn vị kiểm điểm, xác định rõ trách nhiệm tập thể, cá nhân có liên quan đến các tồn tại, sai sót trong việc quản lý và sử dụng Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ, Quỹ Nghiên cứu khoa học và đào tạo, Quỹ Hỗ trợ sắp xếp doanh nghiệp.

Đồng thời, yêu cầu Petro Vietnam ký kết sửa đổi (Amendment 1) so với thỏa thuận gốc, tiếp tục chỉ đạo quyết liệt việc đàm phán, thương lượng với Gazprom để thu hồi số tiền lãi tính đến 10/4/2015 là 42,6 triệu USD (tương đương gần 906 tỷ đồng).

 

Kiểm toán Nhà nước cũng chỉ ra các sai sót, hạn chế của Petro Vietnam khi để xảy ra tình trạng mua xăng dầu của các doanh nghiệp khác không tuân thủ quy định tại Nghị định 84/2009/NĐ-CP ngày 15/10/2009 và Nghị định 83/2014/NĐ-CP ngày 03/9/2014 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu (Công ty Xăng dầu dầu khí Sài Gòn, Công ty Xăng dầu dầu khí Tây Ninh, Công ty Cổ phần Xăng dầu MeKong).

Đồng thời, yêu cầu Petro Vietnam chỉ đạo Tổng công ty Dầu Việt Nam (PV Oil) phối hợp với các cơ quan chức năng có liên quan kiểm tra làm rõ sai phạm về việc mua bán xăng dầu tại Công ty Dầu khí Mê Kông (Petro MeKong) và kiểm điểm, xử lý trách nhiệm tập thể, cá nhân có liên quan theo đúng quy định của pháp luật.

Nên đọc


 

Hòa Hậu (t/h)
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo