Kiến nghị cho doanh nghiệp nhỏ và vừa được hưởng ưu đãi thuế
Chiều 23/5, tiếp tục kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV, Quốc hội nghe Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV).
Theo đó, qua tiếp thu, chỉnh lý có một số ý kiến đại biểu đề nghị cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa được hỗ trợ thuế suất thu nhập doanh nghiệp thấp hơn mức quy định chung cho doanh nghiệp như hiện nay nhưng cần quy định cụ thể về mức thuế và thời hạn hỗ trợ thuế; bổ sung quy định hỗ trợ về thủ tục thuế và chế độ kế toán cho doanh nghiệp siêu nhỏ hiện chiếm gần 50% tổng số doanh nghiệp.
Theo ông Thanh, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tiếp thu, chỉnh lý nội dung này mà cụ thể về thuế thu nhập doanh nghiệp đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa tại khoản 1 Điều 10 của dự thảo luật. Theo đó, doanh nghiệp nhỏ và vừa được áp dụng có thời hạn mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp thấp hơn mức thuế suất thông thường áp dụng cho doanh nghiệp.
Tuy nhiên, dự thảo không quy định cụ thể về mức thuế, đối tượng và thời hạn cụ thể hỗ trợ thuế, thủ tục thuế và chế độ kế toán (giãn tần suất kê khai thuế, mẫu kê khai đơn giản, liên thông tư vấn thuế và đại lý thuế…), mà chỉ tạo cơ sở pháp lý với những nguyên tắc chung để tiếp tục sửa đổi, bổ sung trong các luật liên quan nhằm bảo đảm nguyên tắc thống nhất, đồng bộ trong pháp luật chuyên ngành về thuế, kế toán.
Mặc dù vậy, cũng theo ông Thanh, cũng có ý kiến đề nghị không hỗ trợ thuế cho toàn bộ doanh nghiệp nhỏ và vừa để tránh làm giảm thu lớn ngân sách nhà nước. Dự thảo Luật quy định doanh nghiệp nhỏ và vừa quy định được hỗ trợ thuế thu nhập doanh nghiệp, nghĩa là chỉ các doanh nghiệp có lợi nhuận mới được hưởng lợi trực tiếp từ quy định này.
Cũng theo ông Vũ Hồng Thanh, về tiêu chí xác định DNNVV, có một số ý kiến đề nghị bỏ bảng xác định, phân loại doanh nghiệp nhỏ và vừa tại để bảo đảm kỹ thuật lập pháp; đề nghị nghiên cứu, bổ sung thêm tiêu chí doanh thu, cân nhắc doanh thu từ 200-300 tỷ đồng, giảm quy mô số lao động từ 300 người xuống 200 người, thay tiêu chí số lao động bình quân bằng tiêu chí số lao động tham gia bảo hiểm xã hội và nên chọn 2 trong 3 tiêu chí; bổ sung quy định để tránh trường hợp doanh nghiệp có nhiều hơn 200 lao động nhưng chỉ đóng bảo hiểm xã hội cho 200 lao động và vẫn được hưởng hỗ trợ.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp thu, bỏ bảng xác định, phân loại DNNVV; bổ sung tiêu chí doanh thu và áp dụng đồng thời tiêu chí về lao động và tiêu chí về tài chính (doanh thu hoặc tổng nguồn vốn); chỉnh sửa theo hướng quy định tiêu chí trần để xác định DNNVV.
Cũng theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, dự án Luật hỗ trợ cho một số đối tượng trọng tâm có tính chọn lọc, trọng điểm theo định hướng chuyển đổi mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế, góp phần thúc đẩy tăng trưởng, nâng cao năng lực cạnh tranh và tự chủ của nền kinh tế, chỉ giới hạn đối tượng là DNNVV được thành lập trên cơ sở chuyển đổi từ hộ kinh doanh, DNNVV khởi nghiệp sáng tạo và DNNVV tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị.
Về hỗ trợ tiếp cận tín dụng, một số ý kiến cho rằng cần có cơ chế mạnh hơn để DNNVV tiếp cận được nguồn vốn tín dụng vì nội dung dự thảo Luật còn chung chung, chưa khuyến khích được các tổ chức tín dụng cho vay vốn, khó khả thi trong thực tế.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết dự thảo Luật đã tiếp thu bỏ các quy định mang tính áp đặt, can thiệp trực tiếp đến hoạt động của hệ thống ngân hàng, không phù hợp nguyên tắc thị trường. Để từng bước hoàn thiện hệ thống xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp, dự thảo Luật đã bổ sung giao trách nhiệm cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư làm đầu mối phối hợp với Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và bộ, cơ quan ngang bộ xây dựng hệ thống thông tin phục vụ xếp hạng tín nhiệm DNNVV.
Còn quy định về các quỹ, một số ý kiến đề nghị không nên quy định quá nhiều quỹ vì nguồn lực có hạn và để bảo đảm tính khả thi của quỹ, cần quy định rõ tổ chức, hoạt động, chức năng, nhiệm vụ của Quỹ phát triển DNNVV, Quỹ bảo lãnh tín dụng DNNVV.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp thu, bỏ quy định về Quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo tại địa phương. Hiện nay, dự thảo Luật chỉ quy định về ba quỹ, trong đó có hai quỹ đã được thành lập và hoạt động. Tuy nhiên, hiệu quả hoạt động của hai Quỹ này còn hạn chế, vì vậy cần kiện toàn tổ chức và mô hình hoạt động để hỗ trợ DNNVV hiệu quả hơn...
Cần nâng cao vai trò các Hiệp hội DNNVV trong Dự thảo Luật Trước đó, khi đưa ra ý kiến góp ý dự án Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, đồng chí Tô Hoài Nam - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam cho rằng Luật cần nâng cao vai trò, trách nhiệm của các Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa. Theo ông Nam, Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa ra đời sẽ tạo hành lang pháp lý quan trọng trong việc thực hiện các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, quy định rõ chức năng, vị trí của các cơ quan, bộ, ngành trong việc xây dựng và thực hiện các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa. Về vị trí, vai trò, trách nhiệm của tổ chức đại diện doanh nghiệp nhỏ và vừa trong dự án Luật này. Ông Nam cho biết thêm, Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa nên dành một số điều trong Luật quy định rõ trách nhiệm và quyền hạn của các tổ chức đại diện doanh nghiệp nhỏ và vừa trong công tác hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa. Bên cạnh đó, Nhà nước cần có chính sách khuyến khích để các hiệp hội doanh nghiệp thành lập các đơn vị chuyên biệt như trung tâm trong tài, hòa giải thương mại, hỗ trợ đào tạo, thành lập quỹ tương hỗ, quỹ khởi nghiệp... giúp thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa tốt hơn và khi thực hiện các nhiệm vụ này, các hiệp hội doanh nghiệp được miễn các khoản thuế phí. Đại diện Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam cũng kiến nghị, trong Luật cần quy định vị trí, vai trò của tổ chức hiệp hội chuyên biệt đại diện cho tất cả các doanh nghiệp nhỏ và vừa (như Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa các tỉnh).
|
End of content
Không có tin nào tiếp theo