Hỗ trợ doanh nghiệp

Kinh Đô tự tin với kế hoạch tăng trưởng

Doanh thu năm 2013 của Công ty cổ phần Kinh Đô ước đạt 5.200 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 600 tỷ đồng.
Tạo lợi thế về quy mô thông qua các hoạt động mua bán, sáp nhập, cùng việc tái cơ cấu sản phẩm theo hướng tinh lọc, Công ty cổ phần Kinh Đô (KDC) tự tin với kế hoạch tăng trưởng trong năm 2013.
 
Mặc dù các chỉ tiêu doanh thu và lợi nhuận của CTCP Kinh Đô (KDC) năm 2012 không đạt kế hoạch đề ra, nhưng tại Đại hội đồng cổ đông diễn ra cuối tuần qua, các cổ đông của KDC đều nhất trí với chỉ tiêu tăng trưởng mạnh cả về doanh thu lẫn lợi nhuận mà KDC đề ra cho năm 2013 (doanh thu năm 2013 của KDC ước đạt 5.200 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 600 tỷ đồng, tăng lần lượt 21,3% và 22,5% so với năm 2012).
 
Cơ sở để KDC tự tin với kế hoạch tăng trưởng năm 2013 dựa trên phân tích kết quả kinh doanh năm 2012.
 
Cụ thể, năm 2012, dù KDC chưa hoàn thành chỉ tiêu đề ra, nhưng nếu so với năm 2011, doanh thu của KDC vẫn tăng 0,9%. Ông Ngô Quốc Việt, Phó tổng giám đốc KDC cho biết, tuy mức tăng doanh thu của KDC khiêm tốn, nhưng đây là tăng trưởng về chất, tạo tiền đề phát triển trong tương lai. Năm 2012, sản lượng của hầu hết sản phẩm chủ lực của KDC đều tăng và KDC đã cơ cấu lại danh mục sản phẩm theo hướng tinh lọc, chú trọng lợi nhuận, giảm từ 500 sản phẩm xuống còn 150 sản phẩm. Kết quả là, dù doanh thu tăng thấp, nhưng lãi gộp của KDC lại tăng từ mức 39,4% năm 2011 lên 43,6% năm 2012. Riêng về câu chuyện lợi nhuận, nếu không bị thua lỗ từ thoái vốn đầu tư, KDC đã ghi nhận lợi nhuận khoảng 600 tỷ đồng, vượt xa chỉ tiêu kế hoạch đề ra.
 
KDC đã hoàn tất được 3 giai đoạn trong tổng cộng 4 giai đoạn của chiến lược phát triển dài hạn. Cụ thể, KDC đã tạo lợi thế về quy mô thông qua các hoạt động mua bán, sáp nhập, xây dựng quản trị theo mô hình tập đoàn, hoàn tất khâu chuẩn bị nền tảng nội lực cần thiết, như xây dựng hệ thống quản trị, tuyển dụng đào tạo nhân sự, tái cơ cấu danh mục sản phẩm và tái định vị các nhãn hàng (với 4 nhóm sản phẩm) lẫn  thương hiệu (10 thương hiệu), xây dựng chuỗi phân phối và cung ứng vững mạnh. Bằng chứng là, cuối năm 2012, KDC đã thay đổi cách thức vận hành hoạt động theo hướng bán hàng dựa trên chủ động giao hàng, chứ không dựa trên đơn hàng. Và chu kỳ kinh doanh của KDC đã rút ngắn từ 49 ngày xuống 43 ngày…
 
Dựa trên những nền tảng này, năm 2013, lãnh đạo KDC tự tin sẽ hoàn thành giai đoạn tăng trưởng cả về doanh thu lẫn lợi nhuận. Năm 2013, KDC tiếp tục phát triển sản phẩm chủ lực, xem xét mở rộng danh mục theo chiến lược Food and Flavor (như mì gói, bột nêm..), thiết lập hệ thống thương hiệu, tối ưu hóa hệ thống quản trị và chuỗi cung ứng.
 
Đánh giá về hiệu quả khi Kinh Đô tham gia phân phối sản phẩm cho Glico, lãnh đạo KDC cho biết, với hệ thống phân phối hơn 161.000 điểm bán hàng, Kinh Đô đang phân phối tốt các sản phẩm bánh que của Glico và có khả năng trong thời gian tới, KDC sẽ phân phối thêm những mặt hàng nổi tiếng khác của Glico, như sản phẩm từ sữa và kem. Ước tính, hoạt động phân phối cho Glico sẽ đem lại lợi nhuận cho KDC từ năm 2013 trở đi.
 
Hiện sản phẩm của KDC đã có mặt ở trên 30 nước và vùng lãnh thổ, với doanh thu xuất khẩu năm 2012 đạt 11 triệu USD, giúp KDC cân đối ngoại tệ trong mua nguyên liệu nhập khẩu, giảm rủi ro tỷ giá. KDC cũng duy trì tiền mặt dồi dào, xấp xỉ 830 tỷ đồng cuối năm 2012, để chủ động trong các hoạt động đầu tư và chi trả cổ tức. Năm 2012, mức chi trả cổ tức của KDC là 20% (đã tạm ứng 10%). Tỷ lệ cổ tức này cũng được duy trì trong năm 2013.
 
Tổng đầu tư dự kiến của KDC năm 2013 ước xấp xỉ 10 triệu USD, chủ yếu cho nâng cấp máy móc cơ sở vật chất và sẽ duy trì công suất đầu tư từ năm trước.
 
Về hoạt động mua bán và sáp nhập, ông Trần Kim Thành, Chủ tịch HĐQT KDC chia sẻ, KDC rất có kinh nghiệm trong lĩnh vực này và việc phát hành, cũng như hoán đổi cổ phiếu để sáp nhập Công ty cổ phần Bánh kẹo Vinabico vào Kinh Đô sẽ được thực hiện trong tháng 4 này.
 
 
 
 
Nhật Minh
Theo Đầu tư
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo