Chờ thêm chính sách hỗ trợ tiêu thụ nông sản giữa đại dịch
Hàng nhập siêu rẻ tràn vào, nông sản nội điêu đứng / Hà Nội: Hàng loạt điểm hỗ trợ bán nông sản Bắc Giang
Theo dự báo thời gian tới, giá hồ tiêu sẽ tiếp tục tăng cao trước nhu cầu gia tăng tiêu thụ vào dịp cuối năm nay khi nguồn cung có dấu hiệu sụt giảm. Tính đến hạ tuần tháng 9/2021, giá tiêu đen tại thị trường Việt Nam đã tăng 43 – 45% so với đầu năm nay và tăng 62 – 83% so với cùng kỳ năm ngoái.
Hồ tiêu giá cao cũng… “khóc”
Tuy vậy, giữa tác động của dịch Covid-19 đợt 4 ở các tỉnh phía Nam thì việc tiêu thụ hồ tiêu lại không hề dễ dàng khi các hợp tác xã (HTX), doanh nghiệp (DN) ngành này đang đối mặt với nhiều vấn đề khó khăn ở khâu tiêu thụ. Đơn cử như tháng 8/2021 vừa qua, xuất khẩu (XK) hạt tiêu của Việt Nam đạt 17.636 tấn, trị giá 66,5 triệu USD, giảm 33% về lượng và 30,1% về trị giá so với tháng trước đó.
Trước tác động nặng nề của dịch COVID-19 với ngành hàng nông sản rất cần thêm chính sách hỗ trợ tiêu thụ. |
Xuất phát từ tình hình diễn biến phức tạp, kéo dài của dịch COVID-19 sẽ còn ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động xuất nhập khẩu của DN hồ tiêu, mới đây Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA) đã có kiến nghị đến Chính phủ 5 giải pháp để gỡ khó cho ngành này, nhất là cần thêm các chính sách hỗ trợ.
Cụ thể, để hỗ trợ cho các DN và nông dân trong ngành hồ tiêu, VPA kiến nghị cần có chính sách giảm thuế thu nhập DN phải nộp trong năm 2021 và 6 tháng năm 2022.
Đồng thời, các ngân hàng thương mại, ngân hàng chính sách cần giảm lãi vay cho các DN, đơn giản hóa các thủ tục vay cũng như tăng hạn mức cho các DN, khoanh nợ, nới lỏng các khoản trả nợ cho DN cũng như người nông dân. Xem xét giảm chi phí tiền điện, nước cho DN.
Ngoài ra, VPA cũng đề nghị Chính phủ và Bộ, ngành sớm có Thông tư hướng dẫn thực hiện Nghị quyết số 105/NQ-CP (được Chính phủ ban hành ngày 9/9/2021) về việc hỗ trợ DN, hợp tác xã (HTX), hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch COVID-19.
Không chỉ với ngành hồ tiêu, việc tiêu thụ các mặt hàng nông sản khác giữa đại dịch COVID-19, việc cần có thêm các chính sách hỗ trợ cũng là điều mong mỏi của người nông dân, HTX, thương lái, DN, các hiệp hội ngành hàng và các địa phương.
Ông Huỳnh Ngọc Nhã, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Sóc Trăng, cho rằng vào giai đoạn dịch bệnh này, rất cần sự phối hợp các bộ, ngành Trung ương để có sự hỗ trợ trong XK nông sản, thủy sản, tránh tồn đọng hàng nông sản tại các hộ nông dân.
Theo ông Nhã, phía tỉnh Sóc Trăng cũng đề xuất lên Bộ NN&PTNT là cần kiến nghị Chính phủ nên có những chính sách riêng để hỗ trợ cho DN cũng như người nông dân trong tái đầu tư phát triển sản xuất.
Cũng cần ghi nhận, nhờ kịp thời phân vùng mức độ nguy cơ dịch bệnh COVID-19 tại các xã, phường, thị trấn nhằm giúp tình hình lưu thông, vận chuyển thuận lợi hơn, nên tính đến nay thu hoạch lúa Hè Thu của Sóc Trăng đã đạt hơn 85%. XK gạo trong gần 9 tháng đầu năm nay đạt 170 triệu USD, tăng 38% so với cùng kỳ.
“Liều thuốc” đối phó với bất trắc
Theo giới chuyên gia, từ những tác động nặng nề của dịch COVID-19 đến ngành hàng nông lâm thuỷ sản trong thời gian qua, rất cần xem xét, đề xuất thêm các chính sách để hỗ trợ cho việc tiêu thụ, XK nông sản.
Vấn đề này cũng được nêu ra cuộc họp trực tuyến mới đây nhằm bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn, phục hồi chế biến, XK nông sản, thủy sản sau giãn cách theo Chỉ thị 16 tại khu vực phía Nam.
Theo đó, sau khi lấy ý kiến của một số hiệp hội ngành hàng và của một số địa phương tiêu biểu, sẽ đề nghị Chính phủ ban hành riêng một nghị quyết cho việc hỗ trợ tiêu thụ và XK nông sản.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cũng nêu rõ quan điểm đồng tình với việc này nhằm hỗ trợ cho ngành hàng nông sản sớm phục hồi sản xuất và XK trong bối cảnh trở về trạng thái “bình thường mới”.
Nhiều ý kiến cho rằng các chính sách hỗ trợ tiêu thụ và XK nông sản không phải là ít, nhưng với tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp kéo dài thì không thể không có thêm chính sách hỗ trợ.
Bởi lẽ, như dự báo thì dịch COVID-19 trong thời gian tới sẽ vẫn còn ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất, tiêu thụ và XK nông sản của người nông dân, HTX, DN.
Chẳng hạn, đại dịch đang làm gián đoạn khâu lưu thông, vận chuyển nông sản, làm cho thời gian vận chuyển hàng XK nông sản kéo dài, hàng hoá nông sản nằm chờ tại các cảng chậm XK do thiếu tàu, thiếu container rỗng, cước phí tàu tăng gấp nhiều lần… Cho nên, nếu có thêm chính sách hỗ trợ tiêu thụ, XK nông sản thì sẽ phần nào tháo gỡ được khó khăn ở những khâu này.
Hoặc như việc tiêu thụ nông sản ở thị trường trong nước khi tiến tới “sống chung” với dịch COVID-19 cũng rất cần có chính sách hỗ trợ để tạo được sự phối hợp, thống nhất khi tiêu thụ sản phẩm nông sản của nhau giữa các địa phương.
Ngoài ra, khi có thêm chính sách hỗ trợ sẽ giúp mang lại hiệu quả hơn trong việc xúc tiến, kết nối giữa nhà sản xuất, cung ứng nông sản với các nhà phân phối, các tổ chức xúc tiến thương mại ở các địa phương.
Cần thấy rằng, trước những hậu quả nặng nề và nhiều rủi ro tiềm ẩn ở phía trước do dịch COVID-19 gây ra, rất cần nâng cao năng lực thích ứng của ngành hàng nông sản. Và tất nhiên, phải có thêm chính sách hỗ trợ.
Điều đó như “liều thuốc” nhằm góp phần giúp người nông dân, HTX, DN đối phó tốt hơn với các thách thức trước mắt và tình trạng bất trắc, khó lường do đại dịch mang lại trong thời gian tới.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Smartphone ‘nồi đồng cối đá’, pin 5.500 mAh, giá từ 3,99 triệu đồng tại Việt Nam
Sau 4 năm lăn bánh, Mitsubishi Outlander 2020 lên sàn xe cũ với giá ngỡ ngàng
Bảng giá xe Kia tháng 11/2024: Giảm giá hấp dẫn
Chi tiết ‘smartphone quốc dân’ vừa lên kệ tại Việt Nam, giá hơn 5 triệu đồng
Giá lăn bánh Honda City đầu tháng 11/2024 kèm ưu đãi hấp dẫn, hạ gục Toyota Vios và Hyundai Accent
Hạ ‘knock out’ Honda SH, Yamaha ra mắt ‘chiến binh xe ga’ 125cc mới đẹp lấn át Air Blade, giá dễ mua