Kinh doanh và tiêu dùng

Chọn lối đi sáng tạo, khơi thông đầu ra cho hàng Việt

Để khơi thông đầu ra cho hàng Việt trên “sân nhà” đòi hỏi các doanh nghiệp nội cần chọn “lối đi thích ứng và sáng tạo”, nhất là tạo sự mới mẻ từ sản phẩm cho đến thay đổi cách thức bán hàng nhằm tăng sự thu hút với người tiêu dùng.

Đào, quất, cây cảnh giảm giá mạnh nhưng vẫn ít người mua / Các hoạt động kinh doanh, mua sắm Tết của người tiêu dùng giảm do dịch bệnh

Mới đây, nhân dịp khai trương quầy thịt lợn tươi sống tại một siêu thị lớn ở phường An Lạc, quận Bình Tân (Tp.HCM), chủ của thương hiệu thịt này quyết định khuyến mãi giảm giá 30% đối với một số mặt hàng, thậm chí giảm giá 10% các sản phẩm chế biến được làm từ thịt lợn thảo mộc (được nuôi bằng thức ăn dinh dưỡng có bổ sung tinh chất thảo mộc).

Bán thịt cũng phải “mới mẻ”

Đó là cách để thương hiệu thịt nêu trên khơi thông đầu ra, tiếp cận người tiêu dùng hiệu quả hơn với 3 yếu tố chính: Đưa hàng vào kênh bán lẻ hiện đại là siêu thị, khuyến mãi giảm giá để kích cầu và bán sản phẩm tốt cho sức khoẻ (thịt lợn thảo mộc ).

HINH-6433-1616755091.jpg

Việc bán các sản phẩm thịt cũng đòi hỏi sự “mới mẻ” từ phía DN để thu hút người tiêu dùng tốt hơn.

Và đây cũng là một trong những cách thức để các doanh nghiệp (DN) vừa và nhỏ linh hoạt bán hàng trong bối cảnh sức mua đầy thách thức sau các tác động của dịch Covid-19.

Ngay cả với việc cung ứng các sản phẩm thịt ra thị trường, để tạo sự “mới mẻ” nhằm thu hút người mua, có một số DN còn hướng tới việc cung cấp “thịt nhân tạo” hay “thịt thực vật” ra thị trường, xem như bắt “Trend” (xu hướng).

Như chia sẻ của bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội DN hàng Việt Nam chất lượng cao, thế giới đang có một cuộc chuyển động lớn chuyển từ thịt động vật sang “thịt thực vật”. Rất nhiều con số thống kê khiến chúng ta phải suy nghĩ và tìm cách hành động để tham gia làn sóng xu thế này.

Theo bà Hạnh, ngay bên cạnh Việt Nam thì Thái Lan đã làm ra “thịt” từ mít non. Trong khi đó, Việt Nam rất có lợi thế về nguồn nguyên liệu, vấn đề còn lại là “khoa học và công nghệ”.

Còn theo bà Hồ Thanh Nhiên, nhà sáng lập của Công ty Bewina, rất nhiều DN thực phẩm lớn trên thế giới đang đầu tư nguồn lực để sản xuất thức ăn thay thế thịt động vật. Bởi vì đây là xu hướng phát triển của thế giới hiện nay, khi mà người tiêu dùng đang tìm đến các sản phẩm có nguồn gốc từ thiên nhiên, thân thiện môi trường và tốt cho sức khoẻ.

 

Những thay đổi trong xu hướng tiêu dùng đối với sản phẩm thịt cũng là một kênh tham khảo để các DN nội suy ngẫm trong việc sản xuất ra các sản phẩm làm sao để thích ứng với nhu cầu mới của tiêu dùng, để cung - cầu của hàng Việt có thể gặp nhau, không phải đối mặt với khó khăn về đầu ra.

Trong báo cáo xu hướng thị trường gần đây, Công ty nghiên cứu thị trường Q&Me lưu ý“Covid-19 đã tăng cường sự chú ý của người Việt Nam trong các lĩnh vực sức khỏe và an toàn. Các sản phẩm/dịch vụ nâng cao sức khỏe sẽ được họ chú ý, trong khi an toàn là yếu tố chính khiến họ phải trả thêm tiền”.

Thay đổi cách bán hàng

Bên cạnh đó, theo Q&ME, mặc dù khuyến mãi có thể không phải là yếu tố chính, nhưng khách hàng có thu nhập trung bình lại quan tâm nhiều hơn đến các sản phẩm nâng cấp mang lại giá trị hấp dẫn cho phong cách sống của họ.

Hơn thế nữa, để khơi thông đầu ra, công ty nghiên cứu thị trường này cũng có lời khuyên là “các thương hiệu cần phải suy nghĩ về cách bán hàng để không bị chôn vùi giữa những thương hiệu khác trên nền tảng lớn”.

 

Báo cáo khảo sát về xu hướng tiêu dùng cũng nêu rõ việc “các nhà tiếp thị cần có nhiều cơ hội hơn để sở hữu dữ liệu thị trường thông qua tiếp thị kỹ thuật số của họ. Hoạt động sử dụng dữ liệu sẽ tạo nên sự khác biệt trong hoạt động kinh doanh”.

Ngoài ra, để tiếp cận tốt hơn với người tiêu dùng, Q&Me cho rằng, các nhà tiếp thị nên chú ý đến lợi ích của sản phẩm và dịch vụ để nỗ lực truyền đạt thông tin đó.

Đặc biệt là truyền miệng được xem như yếu tố then chốt đối với người tiêu dùng Việt. Do đó, các DN cần lưu ý nhằm tránh việc để lại những trải nghiệm tồi tệ sẽ làm tăng hình ảnh tiêu cực của sản phẩm, cũng như cần quan tâm đến các giá trị của thương hiệu.

Trong vấn đề gia tăng khả năng tiếp thị số để tạo sức hút với người tiêu dùng, việc gia tăng liên kết giữa các DN nội trong chuyển đổi số và sự hỗ trợ của các cơ quan quản lý lại được đặt ra.

Như trong tháng 3 này, Liên minh Chuyển đổi số cho DN vừa và nhỏ (DTS) đã hợp tác chiến lược với MCV Group và Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam(VECOM) về việc chuyển đổi số của DN trong lĩnh vực truyền thông truyền hình.

 

Ông Nguyễn Ngọc Dũng, đại diện của VECOM cho biết, các DN vừa và nhỏ phải chuyển đổi số và từng bước đưa sản phẩm lên nền tảng số hóa. Ngoài các hoạt động chuyển đổi số thương mại điện tử, truyền hình số và nội dung số là một trong những vấn đề được quan tâm hàng đầu hiện nay, hình ảnh cần được chú trọng về chất lượng, thẩm mỹ và đảm bảo tạo ra sức hút đối với người tiêu dùng.

Hoặc như Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) vừa có chuyến khảo sát tại 6 tỉnh, thành phố khu vực phía Nam (bao gồm Tp.HCM, Cần Thơ, Đồng Tháp, Đồng Nai, Tiền Giang, Bến Tre) nhằm tiến tới triển khai chương trình cấp quốc gia “Gian hàng Việt trực tuyến” trên các sàn TMĐT. Đó cũng là một cách thay đổi trong bán hàng cho các DN vừa và nhỏ để khơi thông đầu ra một cách tốt hơn trong xu hướng chuyển đổi số như hiện nay.

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm