Kinh doanh và tiêu dùng

Hóa đơn điện tăng và chuyện 'một mất mười ngờ'

Vẫn biết rằng dùng nhiều, hóa đơn tiền điện cao hơn là lẽ đương nhiên. Nhưng nếu tăng gấp 2-3 lần, thậm chí có khách hàng bị nhầm lẫn hóa đơn tiền điện cao gấp hàng trăm lần số thực tế càng khiến nhiều khách hàng nghi ngờ về tính minh bạch của ngành điện.

Hà Nội đẩy mạnh kích cầu tiêu dùng sau đại dịch COVID-19 / ‘Bắt sóng’ hành vi tiêu dùng hậu Covid-19

Chị Phương Hà (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, tháng 5 vừa qua, tiền điện của gia đình nhà chị tăng gấp 2 lần so với tháng trước. Điều chị băn khoăn là tháng vừa rồi, chồng chị đi công tác hơn nửa tháng, chị thường ở nhà bố mẹ song không hiểu vì sao hóa đơn tiền điện lại tăng nhiều đến vậy.

"Sốc" vì hóa đơn tăng cao

Cùng băn khoăn như chị Hà, anh Nam (Gia Lâm, Hà Nội), bày tỏ không hài lòng với cách giảm tiền điện 10% để hỗ trợ khách hàng chịu tác động của dịch Covid-19 của ngành điện.

Người dân băn khoăn về tính minh bạch của ngành điện (Ảnh: TL)

Người dân băn khoăn về tính minh bạch của ngành điện (Ảnh: TL)

Anh Nam nói: EVN giảm 10% tiền điện trong 3 tháng để hỗ trợ khách hàng chịu tác động của dịch Covid-19. Tuy nhiên, họ chỉ giảm ở 4 mức thấp, từ mức 5 giá cao là giữ nguyên. Kết quả, mỗi công tơ chỉ giảm mức cao nhất là 68.000 đồng, chứ không phải giảm trên tổng hóa đơn tiêu thụ.

Trong khi đó, về phía EVN, theo số liệu thống kê, tháng 5 vừa qua, đã có tới hơn 3,1 triệu khách hàng sinh hoạt trên tổng số 26 triệu khách hàng sử dụng điện sinh hoạt trên cả nước (tương đương khoảng 11,92%) có mức tiêu thụ điện của tháng 5 cao hơn 30% so với tháng 4/2020.

Đặc biệt trong số này có tới gần 1 triệu khách hàng có mức tiêu thụ điện tăng 50%, thậm chí có tới hơn 215 nghìn khách hàng có mức tiêu thụ điện tăng trên 300% so với tháng 4 trước đó.

Trước phản ánh của nhiều hộ tiêu dùng cho biết tiền điện phải thanh toán tăng đột biến, EVN khẳng định các công tơ/điện kế đo lường lượng điện năng tiêu thụ khi được lắp đặt đều được kiểm định đạt tiêu chuẩn theo quy định tại Thông tư số 07/2019/TT BKHCN ngày 26/7/2019.

 

Theo EVN, các công tơ đến hạn kiểm định sẽ được các đơn vị của ngành điện thực hiện thay thế định kỳ bằng công tơ đã được kiểm định cho khách hàng. Hiện tại, các công tơ điện tử được thu thập chỉ số tiêu thụ điện hoàn toàn tự động và thực hiện từ xa.

Tuy nhiên, vừa qua, một khách hàng tên T.V.D (Đồng Hới, Quảng Trị) đã rất "sốc" khi nhận hóa đơn thông báo đóng tiền điện lên tới 50 triệu đồng tại kỳ tính hóa đơn tháng 6. Sau đó, khách hàng này đã phản ánh tới công ty Điện lực tỉnh Quảng Bình. Kết quả xác minh cho thấy đây là sự cố sai sót trong việc ghi chỉ số công tơ tháng vừa qua đối với trường hợp anh T.V.D.

Theo đại diện công ty Điện lực tỉnh Quảng Bình, việc sai sót xảy ra trong quá trình thay thế công tơ nên gây ra sai chỉ số công tơ. Thực tế, mức tiêu thụ điện của anh T.V.D là 247 kWh, tuy nhiên do nhầm lẫn nên tăng thành 18.247 kWh.

Cần đơn vị thanh tra độc lập

Dù đã có giải thích từ phía ngành điện nhưng nhiều khách hàng vẫn không khỏi hoài nghi về tính minh bạch trong cách tính giá điện của EVN.

 

Trao đổi với Thời báo Kinh Doanh, TS. Ngô Trí Long, chuyên gia kinh tế, cho rằng sự việc ghi nhầm chỉ số công tơ của anh T.V.D ở Quảng Bình có thể chỉ là vô tình nhưng dù muốn hay không ngành điện cần phải nghiêm túc rút kinh nghiệm, xin lỗi khách hàng.

Lý giải về câu chuyện hóa đơn tiền điện tăng cao 2-3 lần. Ông Long nói rằng, một phần do thời tiết mùa Hè nên mọi người sử dụng tất cả thiết bị làm mát, đặc biệt là điều hòa dẫn tới tiêu thụ điện năng lớn. Tiêu thụ nhiều điện thì sẽ hóa đơn tiền điện nhiều hơn.

Tuy nhiên, theo ông Long, lý do quan trọng nhất là giá điện tính theo bậc thang luỹ tiến. Bình thường trong kinh tế, khách hàng mua càng nhiều, giá càng rẻ. Riêng ngành điện không như vậy, càng "xài" nhiều thì giá càng đắt. Ví dụ,khách hàng sử dụng sản lượng dưới 50kWh, giá chỉ 1.678 đồng/kWh, nhưng khách hàng sinh hoạt dùng trên 200kWh (từ bậc 4 - bậc 6), giá sẽ rất đắt, lên tới 2.536 - 2.927 đồng/kWh.

Theo ông Long, không phải năm nay, vấn đề bất cập trong cách tính giá điện theo bậc thang luỹ tiến mới được đặt ra. Bộ Công Thương cũng đã nhận thấy và đang tiến hành sửa đổi biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt. Vừa qua, do tác động của dịch Covid-19 nên vấn đề này tạm gác lại. Thời gian tới cần phải nghiên cứu để đưa ra cách tính giá điện hợp lý nhất.

Đồng thời, ông Long cho rằng Thanh tra Chính phủ cần sớm công khai kết quả thanh tra giá điện, từ đó xác định tính đúng, sai của ngành điện.

 

Cách đây một năm, ngày 20/3/2019, giá điện bán lẻ bình quân tăng 8,06% theo quyết định của Bộ Công Thương, sau khi vấp phải phản ứng của người dân về hóa đơn tiền điện tăng cao. Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu thanh kiểm tra cách tính giá điện và phải có báo cáo trong tháng 6/2019. Tuy nhiên, đến nay hơn 1 năm, kết quả thanh tra giá điện vẫn chưa được công bố.

Trao đổi với báo chí, TS. Vũ Đình Ánh, chuyên gia kinh tế cho rằng, cần một bên thứ ba độc lập đứng ra phân xử để đảm bảo khách quan. “Đến hẹn lại lên, năm nào thời điểm này cũng vậy. Một bên mua, một bên bán, ai cũng nghĩ mình đúng, người đứng ngoài cuộc không thể “bênh” ai mà cần cơ quan phân xử cho công tâm, minh bạch”, ông Ánh nêu vấn đề.

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm