Mua sắm trực tuyến lên ngôi thời dịch: Mặt trái của sự tiện lợi
Thị trường bán lẻ Việt tăng trưởng mạnh / Bán lẻ điện máy cạnh tranh khắc nghiệt
Trong khoảng 2 tuần trở lại đây, chị Thu Ngọc, chủ shop quần áo tại đường Trung Kính (Hà Nội) cho biết, doanh thu bán hàng trực tiếp đã giảm hơn 50%, để cứu vãn tình hình chị đã đẩy mạnh hơn kênh bán hàng online. Không chỉ quần áo, những ngày qua, nhiều siêu thị, cửa hàng kinh doanh ăn uống cũng phải tập trung bán hàng online thông qua mạng xã hội Facebook, Zalo, website... để tiêu thụ hàng hóa.
“Dở khóc, dở cười”
Thực tế, trong bối cảnh tình hình dịch bệnh viêm phổi cấp do virus nCoV gây ra khá phức tạp, các cơ quan chức năng khuyến cáo hạn chế tập trung nơi đông người thì việc mua sắm online là sự lựa chọn tốt nhất hiện nay, dù khá mất thời gian chờ giao hàng.
Để khuyến khích người tiêu dùng mua hàng qua kênh trực tuyến, các sàn thương mại điện tử lớn như Shopee, Tiki, Lazada… cũng liên tục triển khai các chương trình giảm giá, khuyến mại.
Trước đó, Phó Vụ trưởng Thị trường trong nước (Bộ Công thương) Lê Việt Nga cho biết, Bộ Công Thương đã xây dựng các kịch bản thị trường khác nhau tùy thuộc diễn biến của dịch bệnh.
Trong tình hình hiện nay, để có thể hỗ trợ người tiêu dùng mua sắm mà không cần đến nơi đông người, các đơn vị cung ứng, phân phối hàng hóa đang đẩy mạnh hình thức bán hàng trực tuyến, tăng cường đội ngũ tư vấn, lên đơn và vận chuyển để có thể đáp ứng nhu cầu của người dân. Ngành công thương cũng đã kiến nghị các doanh nghiệp thương mại điện tử, logistics sẵn sàng vào cuộc trong các trường hợp.
Không thể phủ nhận sự tiện lợi của việc mua sắm online, nhưng một số người cho rằng, chỉ nhìn bằng mắt, không “sờ tận tay” rất dễ mua phải hàng kém chất lượng. Thực tế, chuyện những khách hàng mua online "dở khóc, dở cười" khi nhận về những món hàng với hình thức khác xa đơn hàng mà họ đặt mua trên mạng, đặc biệt là quần áo, giày dép... đã không còn là chuyện lạ.
Những tình huống mà khách hàng thường gặp phải như chất liệu, màu sắc, kiểu dáng khác xa trên ảnh hoặc khác với yêu cầu của người mua hàng. “Quần áo nhìn trên ảnh thì đẹp nhưng khi nhận thì không thể mặc được”, một người mua hàng chia sẻ.
Trong khi đó, chị Lệ Thủy (Thanh Xuân, Hà Nội) lại khổ sở vì quá tin tưởng mâm cỗ cúng rằm tháng Giêng online với đĩa xôi lệch, con gà thắp hương bị gãy cổ. Liên hệ với người bán hàng để yêu cầu đổi bởi đây là đồ thắp hương thì nhận được lời giải thích “đây là lỗi của người giao hàng”.
Đáng chú ý, giữa lúc cả nước đang hoang mang vì dịch bệnh, rất nhiều gian thương đã lợi dụng tình hình để bán những sản phẩm chống dịch bị làm giả, không rõ chất lượng.
Lòng tin bị lợi dụng
Mới đây, hệ thống Lotte Mart Việt Nam đã ra thông báo đến người tiêu dùng về việc sản phẩm nước rửa tay mang nhãn hiệu riêng của hệ thống này đã bị làm giả và đang được bày bán công khai trên mạng xã hội.
Theo đại diện Lotte Mart Việt Nam, hiện nay, siêu thị vẫn trong tình trạng đặt hàng nhà cung cấp và chưa có đợt hàng mới, nhiều điểm bán không còn hàng sẵn để đưa lên kệ. Tuy vậy, trên mạng xã hội, người bán vẫn đang rao bán tràn lan sản phẩm gel rửa tay nhái thương hiệu CHOICE L của nhà bán lẻ này.
Ngày 9/2 vừa qua, Công an tỉnh Thái Bình cũng đã thông tin về việc vừa triệt phá một cơ sở sản xuất “chui” các sản phẩm dung dịch nước rửa tay. Cụ thể, kiểm tra khu vực sản xuất của Công ty Thiên Y Việt, cơ quan công an đã phát hiện gần 30 công nhân đang sản xuất, đóng gói hàng hóa là nước rửa tay được in các nhãn hiệu: Rencide, Hand Sanitizer dạng nước và dạng gel, với trên 200 chai chứa dung dịch.
Tại kho hàng của công ty, cơ quan chức năng phát hiện 6.441 chai chứa dung dịch loại 100ml, 500ml chưa dán tem nhãn, 982 chai loại 100ml, 150ml, 500ml dán tem, nhãn hiệu của các hãng kể trên.
Theo thông báo của Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (C03)- Bộ Công an, từ ngày 1-4/2, các lực lượng chức năng đã tiến hành kiểm tra, đấu tranh, xử lý 26 vụ việc liên quan đến các hành vi nêu trên. Qua đó, đã phát hiện, thu giữ hơn 422.000 khẩu trang y tế các loại và gần 4.000 chai dung dịch rửa tay không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ...
Trong đó có một đối tượng đã đặt mua 50.000 khẩu trang y tế qua mạng xã hội Facebook, Zalo với giá 125.000 đồng/hộp và bán lại cho shop online của người quen với giá 145.000 đồng/hộp.
Thực tế, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh do virus corona gây ra, để phòng ngừa theo các hướng dẫn của Bộ Y tế, việc rửa tay và đeo khẩu trang thường xuyên là một trong những biện pháp phòng tránh lây nhiễm.
Tuy nhiên, theo các nhà kinh doanh, việc chọn sản phẩm không đảm bảo chất lượng sẽ không đem đến kết quả phòng ngừa hiệu quả như mong muốn, chưa kể có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe.
Đồng quan điểm, chủ một chuỗi cửa hàng chuyên kinh doanh các mặt hàng hóa mỹ phẩm chính hãng cho biết, để mua được sản phẩm ưng ý, khách hàng nên tìm đến các cửa hàng có uy tín bởi những người bán hàng thời vụ qua mạng chỉ quan tâm đến lợi nhuận. “Nếu chọn mua hàng trên mạng, người mua nên giao dịch với các thương hiệu lớn, hoặc mua hàng của người mà mình đã biết rõ”, người bán hàng này chia sẻ.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Smartphone ‘nồi đồng cối đá’, pin 6.000 mAh, RAM 8 GB, giá hơn 4 triệu đồng
Giá xe Honda Future 125 FI tháng cuối 12/2024 rẻ như 'bèo', được săn đón hơn Wave Alpha và RSX
Xe hơi đẹp mê ly, giá gần 490 triệu đồng, so kè cùng Mini Cooper
‘Cực phẩm côn tay’ 150cc giá 37,3 triệu đồng sắp ra mắt, có ABS như Yamaha Exciter và Honda Winner X
"Vua côn tay" 150cc của Honda bất ngờ giảm đậm 23 triệu đồng
Mẫu iPhone là lựa chọn hấp dẫn tầm giá dưới 10 triệu đồng năm 2024