Kinh doanh và tiêu dùng

Người Bahnar ở Gia Lai làm cà phê theo tiêu chuẩn xuất khẩu

Để thích ứng với xu hướng thị trường, người dân Đăk Đoa (Gia Lai) đang dần thay đổi cách thức sản xuất cà phê truyền thống sang sản xuất theo chứng nhận toàn cầu, phục vụ xuất khẩu.

Doanh nghiệp đẩy mạnh bán hàng Tết online / Quất cảnh gỗ lũa tại nhà vườn Tứ Liên có giá lên đến 50 triệu đồng

Đang thu hoạch vườn 1 hecta cà phê, anh Si Môn (sinh năm 1987, ở làng Dor 2, huyện Đăk Đoa) cho biết, mặc dù mùa này giá cà phê tươi trên thị trường chỉ ở mức chưa đến 7.000 đồng/kg, nhưng nhờ canh tác theo chứng nhận UTZ (chứng nhận toàn cầu về cà phê sạch, đảm bảo sức khoẻ người trồng và bảo vệ môi trường trong quá trình sản xuất), nên gia đình anh vẫn bán được giá 8.500 đồng/kg.

Anh Si Môn cho biết, anh và các hộ dân làng Dor 2 tham gia vào Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp và Dịch vụ Lam Anh (thôn Tuơh Ktu, xã Glar), cam kết cùng nhau sản xuất cà phê theo chứng nhận UTZ từ niên vụ 2018-2019. Theo đó, quy trình sản xuất thay đổi hoàn toàn theo hướng hữu cơ. Trong đó, thuốc bảo vệ thực vật và phân hoá học được giảm thiểu và chỉ sử dụng ở thời điểm nhất định theo quy trình. Tuyệt đối không sử dụng thuốc diệt cỏ, tăng lượng phân hữu cơ và chế phẩm sinh học trong phòng trừ bệnh hại.

Vườn cà phê UTZ của gia đình anh Si Môn.

“Trước kia đất của mình bị chai, cứng, nhưng hiện nay thì đang thay đổi, dần tơi xốp hơn. Trong đất có nhiều vi sinh vật sinh sống. Cây cà phê cũng đang khoẻ dần lên, năng suất ổn định, không bị năm được mùa, năm mất mùa như trước nữa”, anh Si Môn cho biết.

Cũng đang sản xuất 1,5 hecta cà phê 20 năm tuổi theo chứng nhận UTZ từ 2018 tới nay, anh Suân (sinh năm 1986, làng Gloi Wêt, huyện Đăk Đoa) cho biết, vụ đầu mới chuyển đổi, vườn cây của anh bị giảm năng suất trầm trọng, chỉ còn 1,7 tấn nhân xô/hecta. Nhưng từ vụ thứ 2 trở đi, năng suất tăng dần. Năm nay, dự kiến anh sẽ thu về khoảng 5 tấn nhân/hecta. Theo anh Suân, sản xuất cà phê theo chứng nhận UTZ giúp tạo ra sản phẩm cà phê sạch hơn, sức khoẻ người trồng và môi trường được đảm bảo nhờ giảm các chất hoá học và độc hại. Ngoài ra, cách trồng này cũng giúp năng suất ổn định, chi phí giảm nên lợi nhuận vườn cây sẽ cao hơn.

“Khi vườn cây đã phục hồi, mình sẽ lựa trái chín để bán, nửa còn lại bán theo giá thường. Vì mình bón phân, phun thuốc đúng kỹ thuật, thì chắc chắn năng suất vườn cây sẽ cao hơn. Hiện nay, mình đang tuyên truyền cho bà con trong làng tham gia sản xuất cà phê theo UTZ để sản xuất bền vững, an toàn, tiết kiệm chi phí và tăng năng suất. Nếu bà con tham gia làm đúng quy trình UTZ thì giá cà phê ở huyện sẽ cao hơn”, anh Suân chia sẻ.

Ông Lê Hữu Anh, Chủ tịch HĐQT kiêm giám đốc HTX Nông nghiệp và Dịch vụ Lam Anh cho biết, hiện nay hợp tác xã có 19 thành viên tham gia và 31 hộ liên kết, với tổng diện tích khoảng 70 hecta. Toàn bộ diện tích này được sản xuất theo quy trình chứng nhận UTZ. Trong đó, 70% thành viên của hợp tác xã là người Bahnar ở 3 xã Glar, Ia Dơk và xã Trang của huyện Đăk Đoa. Dự kiến, trong niên vụ này, tổng sản lượng cà phê tiêu chuẩn UTZ của hợp tác xã sẽ đạt khoảng 200 tấn. Nhờ vậy, hợp tác xã đã liên kết bán sản phẩm cho doanh nghiệp chuyên xuất khẩu cà phê ra thị trường nước ngoài, với giá thành ổn định.

Hợp tác xã Nông nghiệp và Dịch vụ Lam Anh (xã Glar, huyện Đăk Đoa) liên kết được hàng chục hộ dân sản xuất 70 hecta cà phê theo chứng nhận UTZ.

“Bà con nông dân rất ủng hộ, tham gia nhiệt tình. Mục tiêu của chúng tôi là sản xuất ra hạt cà phê sạch, chất lượng để nâng cao giá trị đầu ra. Bên cạnh đó, hợp tác xã triển khai sản phẩm cà phê có thương hiệu Slar Land coffee, thành viên hợp tác xã tâm huyết lựa chọn từ những hạt cà phê chất lượng cao nhất, bước đầu sản phẩm đã được thị trường đón nhận, đầu ra ngày càng tăng”, ông Lê Hữu Anh cho biết thêm.

 

Theo ông Bùi Quang Thoại, Phó Chủ tịch UBND xã Glar, huyện Đăk Đoa, nhờ sản xuất theo đúng quy trình nên sản phẩm cà phê của hợp tác xã đã có truy xuất nguồn gốc, chỉ dẫn địa lý rõ ràng. Điều quan trọng nhất là người dân địa phương đang dần thay đổi phương thức canh tác cà phê truyền thống chú trọng thâm canh, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và phân hoá học theo kinh nghiệm sang canh tác theo hướng hữu cơ, bền vững, đảm bảo hoạt động xuất khẩu.

“Việc áp dụng theo tiêu chuẩn bước đầu giúp người dân địa phương biết cách sản xuất sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đúng thời điểm, không sử dụng thuốc trừ cỏ gây ô nhiễm môi trường, tăng giá trị sản phẩm, sản xuất ra hạt cà phê sạch, đảm bảo tiêu chuẩn”, ông Bùi Quang Thoại cho hay.

Sản xuất cà phê theo các chứng nhận, tiêu chuẩn toàn cầu đang là xu hướng của nền sản xuất bền vững vì hướng tới thị trường lớn, đảm bảo được giá trị sản phẩm, nâng cao uy tín của cà phê Việt Nam.

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm