Kinh doanh xà phòng làm từ... sữa mẹ
Có nhiều năm kinh nghiệm chế biến xà phòng theo kiểu handmade nhưng ý tưởng chọn sữa mẹ là thành phần chính mới được chị Thư, 26 tuổi, ở Hà Nội áp dụng trong thời gian gần đây.
Chị kể, cách đây 2 năm, một người bạn của chị khi sinh con ăn uống điều độ nên nguồn sữa dư thừa không biết dùng vào việc gì mà để lâu trong điều kiện thời tiết của Việt Nam không tốt nên có ý định bỏ đi. Tình cờ biết được điều này, cộng với với kinh nghiệm làm xà phòng lâu năm chị nhận thấy, nếu bổ sung sữa mẹ vào thành phần để làm xà phòng là điều rất tốt nên chị đã mạnh dạn đề nghị bạn của mình cho sữa để thử nghiệm.
Sau khi hoàn tất, chị giới thiệu với người quen dùng thử và được mọi người ủng hộ. Hễ bà mẹ nào đang có nhiều sữa mà con không dùng hết, muốn dùng chính sữa còn dư ra của mình để làm xà phòng, chị mới nhận làm và giao lại toàn bộ "thành phẩm" là những thanh xà phòng cho vị khách đó, chứ không mang bán đại trà trên thị trường.
Thường những bà mẹ này biết tới cách làm của chị thông qua người quen giới thiệu và hiểu rõ công dụng của xà phòng làm từ sữa, chứ không phải bất kỳ người nào cũng tới nhờ chị "xử lý" giúp khi sữa tiết ra nhiều. Cũng không phải ai cũng dám tới chị mua loại xà phòng đặc biệt này về dùng vì không biết thực hư chất lượng sữa tới đâu, có an toàn cho bản thân... nên sữa của bà mẹ nào dùng để làm ra xà phòng thì bà mẹ đó tới lấy về xài, sau khi đã trả một khoản phí gia công cho chị Thư.
Hiện một tháng chị nhận khoảng 6 đơn hàng của các bà mẹ đang dư sữa cho con bú để họ dùng chính xà phòng làm từ sữa của mình. Trung bình mỗi đơn hàng 3kg xà phòng (20-40 bánh), mỗi kg xà phòng chị lấy giá 1,5 triệu đồng. Do đó, doanh thu hàng tháng của chị gần 30 triệu đồng.
Lượng sữa này sẽ được những người đặt hàng mang đến, chứ chị không thu mua ngoài thị trường. “Sữa sẽ thay cho toàn bộ phần nước ở trong xà phòng, nếu cho nhiều quá sẽ bị nhão. Thông thường 1kg sữa mẹ có thể làm ra 4kg xà phòng, khoảng 40 bánh nhỏ”, chị Thư nói.
Xà phòng sữa mẹ làm phức tạp hơn so với loại bình thường. Thành phần bao gồm dầu ô liu, dầu dừa, dầu cọ, dầu hạnh nhân… trộn đều với nhau và đun sôi ở nhiệt độ 40 độ C. Sữa mẹ và xút NaOH cũng được trộn đều với nhau rồi đem đun với nhiệt độ 40 độ C. Cứ 75% hỗn hợp dầu thì cho 25% sữa mẹ và tạo khuôn. Một bánh xà phòng trọng lượng bất kỳ sẽ có 1/4 thành phần là sữa mẹ. Thông thường một mẻ 2kg sữa mẹ sẽ mất khoảng 40-60 phút chế biến. Chế biến xong, đổ ra khuôn để nguội và đợi khoảng 6 tuần, xút bay hết mới giao cho người dùng.
Theo chị Thư, xút NaOH độ PH cao, nhưng cơ thể con người chỉ sử dụng ở 5-10 độ PH. Khi xà phòng vừa làm xong, độ PH luôn cao hơn 10 và cần để nó giảm xuống (thường phải để 6 tuần) mới có thể dùng được bánh xà phòng này.
Hiện chị chỉ nhận làm gia công chứ không bán đại trà (bà mẹ nào có sữa thì mang đến cho chị "chế biến" rồi tới ngày hẹn đến lấy về dùng). Bởi lẽ, xà phòng có tốt hay không phụ thuộc vào chất lượng sữa của từng bà mẹ. Nếu sữa mẹ có nhiều chất dinh dưỡng, xà phòng làm ra chất lượng hơn, ngược lại sữa mẹ mà nhiều nước nhưng ít dưỡng chất thì chất lượng sẽ kém.
Mặt khác, nguồn sữa mẹ rất hiếm, thu mua khó, nếu bán đại trà, phải kiểm tra sức khỏe các bà mẹ xem có bệnh truyền nhiễm gì không và vấn đề này cần tới cơ quan chức năng có thẩm quyền thực hiện. Thông thường, khách hàng của chị làm sản phẩm này để rửa mặt, gội đầu và tắm rửa cho cả người lớn và trẻ sơ sinh hoặc mang đi biếu tặng.
Công dụng của loại xà phòng này là làm mềm da vì có nhiều chất béo từ sữa mẹ. “Xà phòng là sự kết hợp của một loại xút NaOH và chất béo trong dầu thực vật và nước. Thay vì dùng nước thì sử dụng nguồn sữa mẹ để chế biến vì sữa mẹ giàu chất béo nên dưỡng da tốt hơn, khả năng thấm qua da nhanh hơn sữa bò, dê”, chị Thư giải thích thêm.
Chia sẻ về khả năng mở rộng thị trường, chị Thư cho biết hiện chị có 2 cửa hàng tại Hà Nội. Trong đó, cửa hàng thứ nhất chuyên phụ trách nội thành, nơi còn lại nhận các đơn hàng ngoại tỉnh. “Vì mình muốn đi chậm mà chắc nên chưa dám mở thêm các cửa hàng mới. Trong tương lai, nếu mô hình này được nhiều người hưởng ứng mình mới tính đến hướng mở rộng thêm”, chị Thư nói.
End of content
Không có tin nào tiếp theo