Kinh tế số

Kinh tế số Việt Nam đang đối mặt 5 rào cản

DNVN - Theo ông Nguyễn Hoa Cương - Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), kinh tế số Việt Nam hiện đứng trước 5 rào cản, theo đó phải có những chính sách phù hợp cũng như sự tham gia của tất cả các bên, từ cơ quan quản lý Nhà nước đến mỗi doanh nghiệp và tổ chức, hiệp hội.

Xu hướng mới trong cuộc đua marketing chiếm lĩnh thị trường / Giải pháp thúc đẩy tiêu thụ nông sản vào TP Hồ Chí Minh

Tại tọa đàm “Kinh nghiệm quốc tế trong việc chuyển đổi kinh tế số ứng phó đại dịch COVID-19” do Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội tổ chức sáng 28/9, ông Nguyễn Hoa Cương - Phó Viện trưởng CIEM, cho biết kinh tế số được Chính phủ đặc biệt quan tâm, thể hiện rõ nhất qua Nghị quyết số 52/NQ-TW được Bộ Chính trị ban hành năm 2019, cũng như các chủ trương, chính sách về thanh toán không dùng tiền mặt, kinh tế chia sẻ và bảo đảm an toàn thông tin và an ninh mạng.
Theo đánh giá của ông Cương, kinh tế số có nhiều tiềm năng để phát triển, trong đó thương mại điện tử (TMĐT) là lĩnh vực có tiềm năng phát triển nhất. TMĐT là xu hướng chung của thế giới khi hình thức mua sắm trực tuyến đã phát triển ở tất cả các quốc gia. Và chắc chắn TMĐT sẽ phát triển mạnh mẽ ở Việt Nam.
Có nhiều báo cáo đánh giá về quy mô ngành TMĐT Việt Nam tới năm 2025. Trong đó, báo cáo TMĐT Đông Nam Á 2020 của Google, Temasek và Bain & Company dự đoán tới năm 2025 quy mô thương mại điện tử Việt Nam đạt 52 tỷ USD.

Ông Nguyễn Hoa Cương - Phó Viện trưởng CIEM.
"Cách đây khoảng nửa năm, lực lượng quản lý thị trường đã bắt một vụ bán túi xách giả các nhãn hiệu nổi tiếng. Đáng chú ý, 2 nhân viên kho hàng này được trả mức thu nhập 80 triệu đồng/tháng để thực hiện công việc livestream. Bỏ qua khía cạnh kho hàng này bán hàng giả, mức thu nhập này cho thấy công cụ kinh tế số đã phát triển như thế nào, việc sử dụng công cụ livestream để gia tăng doanh thu lớn đến mức nào. Ví dụ này không thuần túy là kinh tế số nhưng là ví dụ gián tiếp cho thấy sự phát triển mạnh mẽ của kinh tế số", ông Cương chia sẻ.
Dù kinh tế số rất tiềm năng, nhưng dưới góc độ nghiên cứu, Phó Viện trưởng CIEM Nguyễn Hoa Cương đã chỉ ra 5 yếu tố rào cản liên quan đến phát triển kinh tế số Việt Nam.
Thứ nhất, hạ tầng cho kinh tế số chưa đồng bộ, năng lực kết nối chưa cao, tốc độ phát triển internet của nước ta tương đối cao nhưng chưa ổn định.
Thứ hai, thể chế chưa thực sự tạo điều kiện thuận lợi cho kinh tế số phát triển. Việt Nam là 1 trong những quốc gia ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật nhất. Ngoài ra, các chính sách trong thể chế còn khó áp dụng với người dân và doanh nghiệp. Chi phí không chính thức và phi chính mà người dân và doanh nghiệp phải bỏ ra có khi "ngang ngửa" với phần hỗ trợ họ được nhận.
Thứ ba, nguồn nhân lực chất lượng cao thiếu về số lượng và yếu về chất lượng. Công tác đào tạo nhân lực để phát triển kinh tế số còn chưa được chú trọng.
Thứ tư, khu vực tư nhân chưa thực sự đổi mới sáng tạo. Hệ sinh thái đổi mới sáng tạo của Việt Nam chưa thật sự thuận lợi và khuyến khích đủ mạnh để thúc đẩy các startup thành công, cần một giải pháp đột phá để khắc phục hạn chế này.
Thứ năm, thiếu quy định về bảo vệ người tiêu dùng. Nếu chẳng may người tiêu dùng mua phải hàng giả trên môi trường số thì sẽ rất khó xác định đâu là cơ quan bảo vệ họ.
Với những rào cản trên, ông Cương cho rằng, lộ trình cải cách thế chế để phát triển kinh tế số Việt Nam phải bảo đảm 5 yếu tố chính, gồm: an toàn an ninh mạng, chính sách cạnh tranh, chính sách đánh thuế, sở hữu trí tuệ và đào tạo kỹ năng cho người lao động.
"Kinh tế số là nội dung hết sức quan trọng đối với Việt Nam và tất cả các quốc gia. Để nhận diện đầy đủ, qua đó có những chính sách phù hợp thực sự là không dễ dàng. Điều này đòi hỏi sự tham gia của tất cả các bên, từ cơ quan quản lý Nhà nước đến mỗi doanh nghiệp và tổ chức, hiệp hội để bảo đảm quyền lợi cho doanh nghiệp cũng như người tiêu dùng", ông Cương nhấn mạnh.
Trước đó, tham gia ý kiến về kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025 tại hội thảo do Ủy ban Kinh tế của Quốc hội tổ chức ngày 24/9, ông Cương nhấn mạnh việc cần phải kiến tạo thể chế theo hướng khuyến khích, sẵn sàng chấp nhận sản phẩm, giải pháp, dịch vụ, mô hình kinh doanh số, thúc đẩy phương thức quản lý mới đối với những mối quan hệ mới phát sinh.
Ngoài ra, hạ tầng số cần được nâng cấp để đáp ứng nhu cầu bùng nổ về kết nối và xử lý dữ liệu, các chức năng về giám sát mạng lưới đến từng nút mạng và bảo đảm an toàn, an ninh mạng được tích hợp sẵn ngay từ khi thiết kế, xây dựng.
Cũng theo chuyên gia này, cần thiết tạo lập niềm tin vào tiến trình chuyển đổi số, hoạt động trên môi trường số thông qua việc hình thành văn hóa số, bảo vệ các giá trị đạo đức căn bản và bảo đảm an toàn, an ninh mạng, bảo vệ dữ liệu cá nhân.
Minh Thu
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm