Hỗ trợ doanh nghiệp

Kinh tế vĩ mô có cải thiện cũng chưa thể thở phào

Gần nửa năm 2013 đã trôi qua, cộng đồng DN vẫn chưa thể “thở phào” dù tình hình kinh tế vĩ mô có cải thiện. DN giải thể, ngừng hoạt động còn cao và những lá đơn đề nghị hỗ trợ khẩn cấp của các DN vẫn tiếp tục gửi về cơ quan quản lí nhà nước trong tháng 5 này.
(HQO) - “Nóng” những lời “kêu cứu”

Đầu tháng 5, Hội đồng quản trị Công ty CP Phát triển đầu tư Xây dựng và Du lịch An Phú Thịnh đã phải có văn bản “cầu cứu” UBND tỉnh Bình Định trước nguy cơ phá sản cận kề. Nguyên nhân là bắt đầu từ năm 2008, Công ty CP Phát triển đầu tư Xây dựng và Du lịch An Phú Thịnh đã kí kết hợp đồng BOT (xây dựng-kinh doanh-chuyển giao) dự án Trung tâm thương mại Chợ Lớn Quy Nhơn và dự án Chợ Lớn Mới Quy Nhơn với UBND thành phố Quy Nhơn (Bình Định).

Năm 2011, dự án đi vào hoạt động. Tuy nhiên, do các dự án được khánh thành đi vào hoạt động trong bối cảnh chịu ảnh hưởng suy thoái kinh tế, cho nên đến nay tại Trung tâm thương mại Chợ Lớn Quy Nhơn chỉ mới lấp đầy được hơn 50% diện tích mặt bằng và Chợ Lớn Mới được gần 60%. Bình quân mỗi tháng DN này phải bù lỗ hơn 4 tỉ đồng. Hiện DN đang đứng trước nguy cơ phá sản nếu không được lãnh đạo tỉnh Bình Định giúp đỡ kịp thời.

Còn tại Quảng Ngãi, cũng vào trung tuần tháng 5, UBND tỉnh này đã phải có văn bản đề nghị Bộ Xây dựng xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ cho phép các DN vật liệu xây dựng ở Quảng Ngãi được XK đá xây dựng sang Singapore vốn nằm trong danh mục không được phép XK.

Lí do là từ đầu năm 2011 đến hết quý I-2013, các DN khai thác đá làm vật liệu xây dựng trên địa bàn Quảng Ngãi đã phải giảm công suất xuống còn 20-30% nhưng sản phẩm tồn kho vẫn không hề giảm. Mặt khác, các DN đã phải vay vốn ngân hàng với số tiền lên đến hơn 500 tỉ đồng để đầu tư cho 26 dự án khai thác mỏ ở Quảng Ngãi, hiện nay đã đến hạn phải trả nợ ngân hàng cả gốc và lãi. Nếu không có biện pháp tháo gỡ kịp thời thì chắc chắn đến sau năm 2014, các DN này sẽ lâm vào cảnh nợ nần và có nguy cơ phá sản cao.

Trong tháng 5 này, Hiệp hội Cao su Việt Nam cũng đã có công văn số 119/HHCS gửi Bộ NN&PTNT kiến nghị miễn thuế XK cao su thiên nhiên. Theo đó, khủng hoảng tài chính toàn cầu đã làm ngành cao su điêu đứng. Giá XK cao su thiên nhiên từ mức đỉnh 4.562 USD/tấn vào tháng 2-2011 đã “tụt dốc không phanh” xuống 2.685 USD/tấn vào quý I-2013. Vì vậy các DN có xu hướng giảm hoặc ngưng sản xuất hai chủng loại có thuế XK là mủ cao su tự nhiên đã hoặc chưa tiền lưu hóa, cao su hỗn hợp.

Tình cảnh một bộ phận DN ở Bình Định, Quảng Ngãi hay DN thuộc Hiệp hội Cao su có lẽ không phải là cá biệt. Tại Hà Nội, cuối tuần qua, UBND thành phố Hà Nội đã phải tổ chức cả một hội nghị để lắng nghe những tâm tư của cộng đồng DN nhằm tìm “kế sách” gỡ khó. Tại hội nghị này, các DN đã giãi bày những điều không mới về tình hình sản xuất kinh doanh với một cái nhìn không mấy lạc quan. Ông Phí Ngọc Chung, Phó chủ tịch Hiệp hội DN nhỏ và vừa thành phố kiêm Tổng giám đốc Công ty Trung Thành chia sẻ: Hiện tại, DN đủ điều kiện vay vốn không nhiều. Các DN gặp nhiều khó khăn về tài sản thế chấp, thậm chí nhiều đơn vị không còn tài sản thế chấp. Vay được tiền của ngân hàng hiện nay là thách thức lớn đối với DN.

Tiền vẫn “yên vị” trong hệ thống ngân hàng

Trong một cuộc hội thảo tổ chức mới đây tại Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ông Cao Viết Sinh, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phải thốt lên rằng: Trong bối cảnh khó khăn hiện nay, người ta tăng cường dự phòng, tiết kiệm. Người tiêu dùng không muốn tiêu dùng nữa, còn DN thấy đầu ra khó khăn cũng không muốn sản xuất mà đem tiền đi gửi tiết kiệm. Đó là nguy cơ của nền kinh tế. DN là động lực tăng trưởng của nền kinh tế, nếu không nghĩ đến DN thì tăng trưởng khó khăn.

23.000 DN giải thể, ngừng hoạt động trong 5 tháng đầu năm 2012 (trong đó có khoảng 3.600 DN hoàn thành thủ tục giải thể, giảm 0,9% so với cùng kỳ năm 2012; có khoảng 19.600 DN tạm ngừng hoạt động, tăng 13% so với cùng kỳ năm 2012) là số liệu thống kê mới nhất của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, là con số đáng lo ngại. Cũng trong 5 tháng đầu năm, tăng trưởng tín dụng mới chỉ đạt 2,29% so với mục tiêu đề ra là 12% cho năm 2013. Tiền vẫn “yên vị” trong hệ thống ngân hàng còn DN “khát” vốn là thực tế hiện nay. Để giải tỏa nỗi “bức bối” này, theo Thứ trưởng Cao Viết Sinh, không thể trông chờ vào một mình ngân hàng, mà cần phải từ ba phía “DN-ngân hàng-thị trường”. Có như vậy, dư nợ tín dụng mới tăng lên được.

Nhiều ý kiến băn khoăn: “Từ 7-1-2013, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 02/NQ-CP về gỡ khó cho DN, thị trường nhưng tại sao tình hình DN vẫn chưa có nhiều cải thiện?” Nghiêng về quan điểm cần mạnh tay thực hiện chính sách tiền tệ nới lỏng thời gian tới, ThS Hoàng Văn Mạnh (Đại học Thương mại) cho rằng: Trong hoàn cảnh hiện nay, cần hỗ trợ mạnh về tín dụng cho sản xuất và tiêu dùng để ngăn chặn nguy cơ suy giảm kinh tế, hỗ trợ cho DN tiêu thụ hàng tồn kho, khôi phục và mở rộng sản xuất, từ đó tăng tổng cung hàng hóa và dịch vụ. Tăng tín dụng tiêu dùng là góp phần tăng tổng cầu, sức mua cho nền kinh tế, từ đó hỗ trợ và kích thích DN khôi phục và mở rộng sản xuất. 

 
 
 
Lương Bằng
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo