Thị trường

‘Việt Nam gây bất ngờ cho thế giới trong 5 năm tới như thế nào?’

Đây là câu hỏi cuối mà Chủ tịch Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), ông Borge Brende đặt ra với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trong cuộc đối thoại có chủ đề “Việt Nam và Thế giới” diễn ra sáng nay, 24/1, giờ địa phương (chiều 24/1, giờ Việt Nam), trong khuôn khổ Hội nghị WEF Davos 2019.

Việt Nam và Ấn Độ chung tay gỡ khó cho doanh nghiệp / Kiểm soát lạm phát 2019 từ 3,3% đến 3,9%

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đối thoại với Chủ tịch WEFBorge Brende - Ảnh: Thống Nhất/TTXVN
Cuộc đối thoại giữa Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc với Chủ tịch WEF được truyền trực tiếp trên mạng toàn cầu của WEF.

Chủ tịch WEF bày tỏ, ông đã đến thăm Việt Nam nhiều lần và mỗi lần thì đều chứng kiến được những thay đổi rất lớn. “Nhìn về tương lai trong những năm tới thì một vài người lo ngại rằng những nền kinh tế mới nổi sẽ phải chịu tác động không thuận do sự giảm tốc của nền kinh tế toàn cầu. Các định chế thế giới cũng đã giảm dự báo của mình xuống chỉ còn 3,5% cho tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Vậy, những hệ lụy và tác động của nó đối với Việt Nam sẽ như thế nào khi nền kinh tế toàn cầu chậm lại trong năm 2019 và về trung hạn thì những động lực mới nào giúp cho Việt Nam tăng trưởng nếu Việt Nam không thể chỉ dựa vào những tăng trưởng truyền thống trước đây dựa trên xuất khẩu?”.

Theo Thủ tướng, trong một điều kiện Việt Nam hội nhập sâu vào kinh tế quốc tế với nhiều hiệp định thương mại tự do, thì biến động từ những cuộc va chạm thương mại trên thế giới cũng làm ảnh hưởng tất cả các nước. Việt Nam ủng hộ thương mại tự do đa phương và cũng phải biết nhìn nhận những va chạm thương mại ấy để làm sao tổ chức sản xuất kinh doanh phát triển tốt nhất, hiệu quả nhất để không sụt giảm đà tăng trưởng đã đề ra. Vì vậy, Việt Nam sẽ tiếp tục phát triển nhanh, bền vững và bao trùm trên 4 cơ sở.

Thứ nhất là ổn định kinh tế- xã hội, đặc biệt là ổn định kinh tế vĩ mô tốt hơn. Đây là nền tảng quan trọng để yên lòng các nhà đầu tư trong nước và quốc tế và nâng cao khả năng chống chịu tốt hơn các biến động của nền kinh tế thế giới.

Thứ hai là tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng dựa vào đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số nền kinh tế trên cơ sở tái cơ cấu mạnh mẽ trong từng doanh nghiệp, từng ngành, từng lĩnh vực, nhất là phát huy những yếu tố khoa học-công nghệ và những thế mạnh ở Việt Nam, như là nông nghiệp, du lịch và đặc biệt lĩnh vực công nghệ thông tin.

Thứ ba là xây dựng thể chế pháp luật tốt hơn nữa, hướng tới một nền kinh tế thị trường hiện đại, phù hợp với thông lệ, chuẩn mực quốc tế như cam kết trong các hiệp định FTA mà mới nhất là CPTPP mà Việt Nam đang triển khai.

Thứ tư là tiếp tục hội nhập sâu rộng với nền kinh tế thế giới và khu vực để phát huy tiềm năng, thế mạnh của mình trong quá trình hội nhập. Nâng cao năng lực cạnh tranh trong điều kiện mới là cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Ảnh: Thống Nhất/TTXVN

“Vậy, trong bối cảnh cuộc căng thẳng thương mại hiện nay thì liệu ngài có lo ngại rằng, những cuộc chiến tranh thương mại có thể có những tác động tiêu cực với Việt Nam hay không?”, ông Brende đặt vấn đề.

Thủ tướng cho biết, Việt Nam tích cực khơi thông 5 động lực tăng trưởng lớn để phát triển trong thời gian tới trước lo ngại về sự tăng trưởng chậm lại của kinh tế thế giới. Thứ nhất, phát huy nội lực với sức mạnh của thị trường gần 100 triệu dân có thu nhập ngày càng cao, tầng lớp trung lưu chiếm 13,5% dân số và khát vọng vươn lên của người dân, nhất là những thanh niên, dưới 35 tuổi chiểm 60% dân số, là nguồn lực vô hạn cho phát triển của Việt Nam.

Thứ hai là động lực từ cải cách thể chế, pháp luật tạo điều kiện cho phát triển. Chính phủ “kiến tạo phát triển” sẽ khuyến khích mạnh mẽ sự năng động, sáng tạo của người dân, doanh nghiệp, thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp tranh thủ cơ hội của cách mạng công nghiệp 4.0.

Thứ ba là động lực từ kinh tế tư nhân. Đến năm 2020, Việt Nam sẽ có trên 1 triệu doanh nghiệp hoạt động, trong đó có nhiều tập đoàn tư nhân quy mô lớn đang vươn lên mạnh mẽ tại thị trường trong nước và nước ngoài trong nhiều ngành quan trọng như chế tạo, viễn thông, hàng không, ngân hàng- tài chính, chế biến nông sản, sắt thép, du lịch… Đồng thời, tiếp tục thu hút hiệu quả FDI, tạo sự kết nối, hợp tác hiệu quả giữa FDI và các doanh nghiệp tư nhân.

Thứ tư là động lực mới từ phát triển kinh tế số và đổi mới sáng tạo. Chính phủ sẵn sàng chấp nhận cái mới, công nghệ mới, phát triển bứt phá kết cấu hạ tầng, hạ tầng internet băng thông rộng, mạng 5G, dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo… Thứ năm là động lực từ hội nhập quốc tế sâu rộng.

“Việt Nam đã phát triển mạnh mẽ. Trong tương lai, sau nhiều năm tăng trưởng và đồng thời nâng cao chất lượng đời sống người dân, môi trường mà không có tác động tiêu cực đến tăng trưởng. Làm thế nào bảo đảm tăng trưởng bao trùm mà vẫn thân thiện với môi trường”, ông Brende đặt câu hỏi.

Thủ tướng nhấn mạnh, Việt Nam kiên quyết không đánh đổi môi trường lấy lợi ích kinh tế. Bên cạnh giữ gìn môi trường sống tốt cho người dân, Việt Nam phát triển bền vững, giữ ổn định kinh tế vĩ mô tốt hơn nữa. Bên cạnh đó, tập trung đào tạo nguồn nhân lực, nhất là nhân lực trẻ, để đáp ứng yêu cầu cách mạng công nghiệp 4.0.

“Vậy Việt Nam sẵn sàng cho cuộc cách mạng 4.0 như thế nào. Chúng ta biết công nghệ mới, công nghệ robot có thể thay thế người lao động, thay đổi cách thức sản xuất. Do đó, một quốc gia cần phát triển nhanh để có thể đi đầu trong cách mạng 4.0. Theo Thủ tướng, thách thức nào của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đối với Việt Nam hay ngài thấy nó có nhiều cơ hội hơn để có thể đi tắt đón đầu”, Chủ tịch WEF nêu câu hỏi.

Thủ tướng cho rằng, cuộc cách mạng nào của chúng ta cũng có thách thức. “Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 có thách thức rất lớn, như ngài nói, là đối với lao động, việc làm. Nhưng chúng tôi thấy rằng, lao động và việc làm bao giờ cũng là vấn đề rất lớn và lao động, nhất là lao động có tay nghề, bao giờ cũng thiếu trong xã hội đang có xu hướng già hóa. Cho nên để giải quyết vấn đề này, chúng ta cần đào tạo nghề nghiệp, đổi mới sáng tạo cho các tầng lớp, nhất là người yếu thế, để làm sao họ có việc làm mới. Tôi tin rằng, đây không phải thách thức quyết định nhất mà chính là cách làm của Chính phủ để giải quyết cho người lao động có việc làm ổn định. Chúng ta không quá lo vấn đề này sẽ ảnh hưởng tới việc làm mà không tiến hành mạnh mẽ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0”.

Theo ông Brende, một trong những lĩnh vực mà Việt Nam đã cải cách để chuẩn bị sẵn sàng cho cách mạng công nghiệp 4.0 là liên quan đến doanh nghiệp Nhà nước khi mà một số doanh nghiệp hoạt động kém hiệu quả. “Vậy, ngài nhìn việc cải cách doanh nghiệp Nhà nước quan trọng như thế nào trong bối cảnh khi mà cạnh tranh ngày càng khốc liệt hơn trong cách mạng công nghiệp 4.0”.

Khẳng định chủ trương cải cách doanh nghiệp Nhà nước mạnh mẽ với lộ trình, bước đi chặt chẽ, không gây thất thoát tài sản, Thủ tướng cho biết, các lĩnh vực nhạy cảm trước đây như ngân hàng, tài chính, viễn thông, bảo hiểm thì cũng đang được tiến hành cổ phần hóa mạnh mẽ, để làm sao tư nhân, kể cả nhà đầu tư nước ngoài, tham gia nhiều hơn vào quá trình này.

Đây cũng là một trong những giải pháp để thúc đẩy tăng trưởng.

Ảnh: Thống Nhất/TTXVN

“Vậy Việt Nam gây bất ngờ cho thế giới trong 5 năm tới như thế nào?”, ông Brende nêu câu hỏi cuối trong cuộc đối thoại.

Thủ tướng trả lời, “chúng tôi có một khát vọng dân tộc trong phát triển. Trước hết, trong bối cảnh hiện nay, chúng tôi giữ đà tăng trưởng, nâng cao đời sống nhân dân và là một địa chỉ đáng tin cậy cho tất cả các nhà đầu tư nước ngoài và trong nước làm ăn ở Việt Nam thuận lợi nhất, an toàn nhất. Việt Nam sẽ có chương trình cải cách, đổi mới mạnh mẽ hơn về thể chế pháp luật cũng như môi trường kinh doanh. Chúng tôi coi thành công của nhà đầu tư là thành công của Chính phủ. Vì thế, chúng tôi tăng cường đối thoại, tiếp tục cải cách thể chế, pháp luật, bảo vệ quyền lợi chính đáng của nhà đầu tư, để không khí đầu tư, làm ăn của các nhà đầu tư ở Việt Nam tích cực hơn, giải quyết nhiều việc làm hơn, đóng góp cho sự phát triển tốt hơn, giữ được đà tăng trưởng liên tục trong bối cảnh thế giới phức tạp hiện nay. Đó là điều Chính phủ cam kết với người dân, nhà đầu tư. Tôi cho rằng, trong bối cảnh quốc tế hiện nay, chúng ta giữ được đà tăng trưởng cao như hiện nay cũng là một sự cố gắng, nếu không muốn nói là bất ngờ”.

Cũng trong sáng 24/1, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có cuộc gặp gỡ, trao đổi với lãnh đạo các tập đoàn lớn về công nghệ thông tin.

Thủ tướng cam kết Việt Nam sẽ không ngừng cải thiện, khắc phục những hạn chế đang tồn tại, tạo dựng môi trường kinh doanh thuận lợi, tiếp cận các chuẩn mực quốc tế tiên tiến, hợp tác chặt chẽ với cộng đồng doanh nghiệp để loại bỏ các rào cản đối với đổi mới sáng tạo. Cùng với đó, Chính phủ Việt Nam sẽ tiếp tục đầu tư, nâng cấp hạ tầng kết nối số bao gồm hạ tầng cứng và hạ tầng mềm, cũng như thúc đẩy số hóa trong lĩnh vực quản trị công.


Theo Báo Chính phủ
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm