Thị trường

Áp lực đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp năm 2024

DNVN - Theo TS Ngô Trí Trung - Trường Đại học CMC, đầu năm 2024, Nghị định số 08/2023/NĐ-CP sẽ hết hiệu lực. Việc thực hiện Nghị định 65/2022/NĐ-CP sẽ gây ra những áp lực rất lớn cho các doanh nghiệp đáo hạn trái phiếu, với khoảng 330.000 tỷ đồng đáo hạn.

Thúc đẩy thị trường trái phiếu doanh nghiệp / Nhà đầu tư kêu cứu vì mua trái phiếu doanh nghiệp sai phạm

Chia sẻ nghiên cứu tại hội thảo “Diễn biến thị trường, giá cả ở Việt Nam năm 2023 và dự báo 2024”, sáng ngày 4/1, TS Ngô Trí Trung - Trường Đại học CMC cho rằng, trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) là kênh huy động vốn rất quan trọng của doanh nghiệp trong trung và dài hạn.

Khi kinh tế hồi phục, doanh nghiệp cần một lượng vốn lớn để mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh, kênh TPDN càng trở nên quan trọng hơn. Nếu TPDN phát triển lành mạnh, hiệu quả sẽ kỳ vọng vào sự tăng trưởng của nền kinh tế trong năm 2024.

Ngày 23/11/2023 Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký Công điện 1177/CĐ-TTg về việc tiếp tục thực hiện quyết liệt các giải pháp tăng cường khả năng tiếp cận vốn tín dụng, thúc đẩy phát triển thị trường TPDN, bất động sản hiệu quả, an toàn, lành mạnh, bền vững. Với sự chỉ đạo đó, năm 2024, thị trường TPDN sẽ tiếp tục được hoàn thiện thể chế, dự báo sẽ bước sang giai đoạn phát triển mới, hiệu quả, an toàn và bền vững hơn sau một năm khó khăn vừa qua.

Nhìn lại diễn biến của thị trường TPDN năm 2023 có thể thấy sự chuyển biến lớn tích cực đang diễn ra. Sau khi một số doanh nghiệp vi phạm về phát hành trái phiếu bị truy tố trong năm 2022, thị trường này gần như đóng băng trong quý IV/2022, quý I/2023 và bắt đầu sôi động trở lại từ tháng 6/2023 đến nay.

Áp lực đáo hạn TPDN năm 2024 rất lớn với khoảng 330.000 tỷ đồng, chưa bao gồm số trái phiếu vi phạm nghĩa vụ trả nợ gốc và lãi.

Hoạt động phát hành TPDN lũy kế 12 tháng năm 2023, tổng giá trị phát hành đạt 268.000 tỷ đồng, giảm 1% so với cùng kỳ. Lãi suất TPDN bình quân trong 12 tháng đạt 8,3%, cao hơn so với mức trung bình 7,9% của năm 2022. Theo đó, trong tháng 12, tổng giá trị TPDN phát hành thành công tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ, giảm 57% với tháng trước.

Lượng phát hành TPDN riêng lẻ bình quân mỗi tháng từ đó đến nay duy trì trong khoảng 25.000-35.000 tỷ đồng/tháng. Kết quả phát hành trên thị trường TPDN đã có nhiều cải thiện và tích cực hơn.

Tuy nhiên, ông Trung cũng cho rằng, đầu năm 2024, Nghị định số 08/2023/NĐ-CP ngày 5/3/2023 (về sửa đổi, bổ sung và ngưng hiệu lực thi hành một số điều tại các nghị định quy định về chào bán, giao dịch TPDN riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán TPDN ra thị trường quốc tế) sẽ hết hiệu lực.

Việc thực hiện Nghị định 65/2022/NĐ-CP ngày 16/9/2022 (về sửa đổi Nghị định 153/2020/NĐ-CP quy định về chào bán, giao dịch TPDN riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán TPDN ra thị trường quốc tế) sẽ gây ra những áp lực rất lớn cho các doanh nghiệp đáo hạn trái phiếu.

“Áp lực đáo hạn trái phiếu năm 2024 rất lớn với khoảng 330.000 tỷ đồng, chưa bao gồm số trái phiếu vi phạm nghĩa vụ trả nợ gốc và lãi. Trong đó, ba nhóm TPDN có tỷ lệ nợ xấu cao nhất hiện nay là bất động sản, vật liệu xây dựng và năng lượng tái tạo”, ông Trung lo ngại.

Hiện đang có 147 tổ chức phát hành vi phạm nghĩa vụ trả lãi, gốc. Tỷ lệ trả chậm chung toàn thị trường trái phiếu phi ngân hàng ở mức 20%. Với dự báo thị trường bất động sản tiếp tục khó khăn, thị trường năng lượng tái tạo chưa có đột phá về chính sách, dẫn tới rủi ro nợ xấu trái phiếu với các doanh nghiệp thuộc hai nhóm ngành này tiếp tục gia tăng.

Theo ông Trung, các nhóm ngành nghề rủi ro cao đã bộc lộ giúp nhà đầu tư có góc nhìn chính xác hơn về rủi ro tín dụng từng nhóm ngành. Do đó, mức độ ảnh hưởng của những vi phạm trong việc phát hành TPDN tới thị trường thời gian tới sẽ thấp hơn, thị trường cũng sẽ ít biến động hơn.

“Dự báo, thị trường TPDN Việt Nam năm 2024 sẽ dần thay đổi theo hướng lành mạnh hơn sau giai đoạn thanh lọc. Thị trường sẽ phục hồi tích cực, sẽ có những tăng trưởng vượt bậc so với năm 2023 nhưng vẫn còn rủi ro. Khó khăn sẽ còn tiếp diễn khi niềm tin của nhà đầu tư chưa thực sự quay lại”, ông Trung nhận định.

Bàn về giải pháp thúc đẩy phát triển thị trường TPDN hiệu quả, an toàn, bền vững, ông Trung khuyến nghị cần tiếp tục rà soát, hoàn thiện cơ chế chính sách sửa đổi quy định về phát hành trái phiếu riêng lẻ và người có liên quan tại Luật Chứng khoán, Luật Doanh nghiệp và các luật liên quan.

Khẩn trương rà soát, đánh giá kỹ lưỡng, cụ thể khả năng thanh toán, chi trả của các tổ chức phát hành TPDN, nhất là các trái phiếu đến hạn thanh toán trong cuối năm 2023 và năm 2024. Chủ động xây dựng kịch bản, đánh giá tác động và có phương án, biện pháp cụ thể, hiệu quả xử lý theo thẩm quyền, góp phần bảo đảm an toàn, an ninh thị trường tài chính, tiền tệ.

Đồng thời, đa dạng hóa sản phẩm trên thị trường TPDN; đa dạng hóa cơ sở nhà đầu tư, nhất là nhà đầu tư tổ chức, nhà đầu tư chuyên nghiệp.


Ngân Hà
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm