VASEP kiến nghị cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp thủy sản phục hồi sản xuất
DNVN - Dịch bệnh COVID-19 tác động trực tiếp, mạnh mẽ đến hoạt động khai thác thủy sản. Chuỗi cung ứng khai thác bị đứt gãy, gián đoạn vận chuyển, tiêu thụ khó khăn, giá giảm. Đặc biệt, “thẻ vàng” của EC tiếp tục gây khó khăn cho xuất khẩu thủy sản.
Doanh nghiệp đã chủ động tìm kiếm giải pháp “tự cứu mình”, thích nghi với phương thức làm việc mới / Thái Nguyên: Giáo dục, đào tạo nghề gắn kết với doanh nghiệp để giải quyết việc làm cho người lao động
Ngành thủy sản gặp nhiều khó khăn do COVID-19
Báo cáo của Tổng cục Thủy sản tại Hội nghị trực tuyến “Tổ chức khai thác thủy sản thích ứng an toàn, phòng chống dịch COVID-19, Quý IV năm 2021” vào sáng 22/10 cho biết: Dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, tác động trực tiếp, mạnh mẽ đến hoạt động khai thác thủy sản.
Đó là, chuỗi cung ứng khai thác thủy sản bị đứt gãy, gián đoạn vận chuyển, tiêu thụ khó khăn; giá thủy sản giảm. Đặc biệt, “thẻ vàng” của Ủy ban Châu Âu (EC) tiếp tục gây khó khăn cho hoạt động xuất khẩu thủy sản của nước ta vào thị trường Liên minh châu Âu (EU).
Tình trạng thiếu lao động khai thác thủy sản cả về số lượng và chất lượng, khiến nhiều tàu cá phải nằm bờ do không đủ lao động để đi biển. Cơ sở hậu cần nghề cá như cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão tuy đã được quy hoạch nhưng nguồn lực để đầu tư xây dựng còn nhiều hạn chế, thiếu đồng bộ chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế phục vụ sản xuất.
Việc ứng dụng tiến bộ công nghệ, kỹ thuật vào lĩnh vực khai thác thuỷ sản nhất là trong bảo quản sản phẩm, giảm tổn thất sau thu hoạch đã từng bước cải thiện nhưng còn chậm chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển.
Đặc biệt là ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 đến khai thác thuỷ sản. Nhiều tàu cá phải ngừng sản xuất, nằm bờ. Theo thống kê của các tỉnh, số lượng tàu cá ngừng không đi khai thác chỉ tính cho 3 tháng (từ tháng 7 đến tháng 9) là 43.200 tàu/tháng, tương đương 4,6 % cường lực khai thác. Các tỉnh, thành phố có số lượng tàu nằm bờ nhiều do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 như: Đà Nẵng, Bà Rịa Vũng Tàu, Khánh Hòa, Trà Vinh.
Hội nghị trực tuyến “Tổ chức khai thác thủy sản thích ứng an toàn, phòng chống dịch COVID-19, Quý IV năm 2021”
Cũng theo Tổng cục Thủy sản, dịch bệnh còn tác động sâu đến chuỗi tiêu thụ thuỷ sản, doanh nghiệp không tiêu thụ được làm cho giá bán sản phẩm giảm 15-20% so với cùng kỳ. Nhiều cảng cá phải đóng cửa để thực hiện phòng chống dịch. Đến ngày 16/10/2021, vẫn còn 4 cảng cá vẫn tiếp tục thực hiện giãn cách/tạm dừng hoạt động gồm Nghệ An (1 cảng), Khánh Hòa (1 cảng), Bình Thuận (1 cảng), Bà Rịa Vũng Tàu (1 cảng).
Đối với hoạt động khai thác hải sản của ngư dân, trong thời gian các tỉnh thực hiện theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, ước tính của một số tổ chức quản lý cảng cá cho biết, lượng tàu và lượng hàng qua cảng trong thời gian giãn cách giảm chỉ còn 44% so với cùng kỳ.
Thiếu các nguyên vật liệu phục vụ tàu khai thác thủy sản, việc tiêu thụ sản phẩm tại các cảng diễn ra chậm, nhiều tàu ở một số tỉnh như: Quảng Ngãi, Bà Rịa –Vũng Tàu, Tiền Giang, Đà Nẵng, Bình Thuận… bị ứ đọng sản phẩm do cảng ngừng hoạt động.
Bên cạnh đó, việc thực hiện các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 ở một số địa phương còn chưa linh hoạt, gây khó khăn cho hoạt động sản xuất, cung ứng dịch vụ cho tàu cá ra vào cảng cá, nhất là việc bốc dỡ, vận chuyển, tiêu thụ sản phẩm thủy sản khai thác.
Công tác quản lý tàu cá, cấp phép hoạt động khai thác còn hạn chế, tỷ lệ tàu chưa đăng ký, chưa được cấp phép vẫn còn nhiều, đặc biệt là tàu cá có chiều dài nhỏ hơn 15m, hoạt động khai thác ở vùng lộng và vùng ven bờ.
Do không có hoặc thiếu kho lạnh để lưu giữ, bảo quản sản phẩm tại cảng nên trong thời điểm đỉnh dịch COVID-19, sản phẩm trên tàu cá ùn ứ gây thiệt hại về kinh tế không nhỏ.
Kết quả triển khai các hoạt động phòng chống khai thác bất hợp pháp, tháo gỡ thẻ vàng tại các địa phương còn chuyển biến chậm, nhất là là ngăn chặn tàu cá vi phạm vùng biển các nước trong khu vực, xử lý tàu cá vi phạm pháp luật, kiểm soát sản lượng , truy xuất và xác nhận nguồn gốc thủy sản khai thác.
Các bất cập này khiến hoạt động khai thác thủy sản những tháng cuối năm tiếp tục đối mặt với rất nhiều khó khăn.
Tổng cục Thủy sản dự báo nguồn cung nguyên, nhiên vật liệu chưa phục hồi hoàn toàn, nên giá vật tư đầu vào cho hoạt động khai thác thủy sản sẽ vẫn ở mức cao. Lao động làm việc trên tàu cá tiếp tục bị thiếu hụt cục bộ ở một số địa phương trọng điểm nghề cá như Bình Định, Bà Rịa – Vũng Tàu, Bến Tre, Cà Mau, Kiên Giang,...
Cùng với đó, hoạt động xuất khẩu thủy sản sẽ chịu tác động từ việc kiểm soát chặt chẽ chất lượng và thủ tục nhập khẩu của các thị trường quốc tế, đặc biệt là thị trường Trung Quốc. Sự gia tăng hoạt động kiểm soát của các lực lượng chức năng của các nước tại các vùng chồng lấn, giáp ranh sẽ tiếp tục đe dọa hoạt động hợp pháp của tàu cá nước ta.
Đồng quan điểm với Cục Thủy sản, ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội VASEP cho rằng: “Từ nay đến cuối năm sản xuất và xuất khẩu thủy sản hồi phục chậm do thiếu nguyên liệu, thiếu lao động, mọi chi phí đều tăng. Doanh nghiệp vừa sản xuất, vừa phòng chống dịch nên chưa thể hồi phục công suất 100%. Dự báo, xuất khẩu thuỷ sản năm 2021 đạt 8,4 tỷ USD, bằng năm 2020”.
Kiến nghị gỡ “thẻ vàng”, hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất
Đại diện Tổng cục Thủy sản đã kiến nghị Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các bộ, ngành và 28 tỉnh, thành phố ven biển thực hiện quyết liệt, đồng bộ, có hiệu quả các biện pháp chống khai thác bất hợp pháp, không khai báo và không theo qui định; quyết tâm tháo gỡ "thẻ vàng" của Ủy ban Châu Âu.
Các doanh nghiệp thủy sản mong muốn được hỗ trợ phục hồi sản xuất
Chính phủ sớm phê duyệt Đề án Phòng, chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định đến năm 2025 để các bộ, ngành và địa phương triển khai thực hiện, góp phần gỡ “thẻ vàng”.
Đồng thời, ban hành chính sách hỗ trợ phục hồi sản xuất sau dịch; có chính sách giãn nợ, giảm lãi suất các khoản vay tín dụng đối với các tàu cá, cơ sở dịch vụ hậu cần nghề cá, cơ sở chế biến thủy sản ngừng hoạt động do dịch bệnh COVID-19.
Đại diện cho VASEP, ông Nguyễn Hoài Nam đưa ra kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn hỗ trợ và đồng hành cùng doanh nghiệp trên chặng đường hồi phục sản xuất phía trước.
VASEP kiến nghị đưa vào thực hiện hiệu quả và thực tế các cơ chế, chính sách hỗ trợ người lao động để họ yên tâm quay lại sản xuất (bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, công đoàn, hỗ trợ cho người lao động bị ảnh hưởng bởi COVID-19…). Triển khai nhanh chóng tiêm vaccine cho người lao động, đẩy tỷ lệ tiêm ở khuc vực khu công nghiệp, các vùng sản trọng điểm.
“Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn áp dụng các cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất, bao gồm hỗ trợ vốn thông qua việc nới lỏng điều kiện cho vay mới, hạ lãi suất tiền vay, giãn nợ; có cơ chế bình ổn giá, chi phí đầu vào sản xuất; tạo điều kiện để phục hồi và ổn định nguồn nguyên liệu từ khai thác và nhập khẩu để gia tăng sản xuất, xuất khẩu.
Đồng thời, cần tạo điều kiện về cơ chế phù hợp với bối cảnh bình thường mới với mục tiêu thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu và quyết liệt ngăn chặn hoạt động khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài, nhanh chóng tháo gỡ “thẻ vàng” để giữ và khôi phục thị trường EU”, ông Nam đề xuất.
Hà Anh
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Cột tin quảng cáo