Thị trường

Cà phê Việt: Tìm hướng đi bền vững

Ngành nông nghiệp đang đặt mục tiêu cây cà phê sẽ mang về 6 tỉ USD kim ngạch xuất khẩu (XK) trong thập niên này. Để đạt được con số trên, cùng với việc đẩy mạnh công tác tái cơ cấu ngành cà phê thì sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, 4C hoặc hữu cơ và đầu tư chế biến sâu là những giải pháp cần sớm triển khai, nhân rộng.

JCCI: Chính phủ Việt Nam cần xác định nghiêm ngặt các công ty xuất khẩu lao động bất hợp pháp / Nông nghiệp Việt Nam và mục tiêu xuất khẩu trên 43 tỷ USD

Giá giảm- áp lực lên nhà sản xuất

Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, XK cà phê của Việt Nam năm 2019 đạt 1,653 triệu tấn, trị giá 2,854 tỷ USD, giảm 11,9% về lượng và giảm 19,3% về trị giá so với năm 2018. Năm 2019, giá XK bình quân cà phê đạt mức 1.727 USD/tấn, giảm 8,3% so với năm 2018.

ca phe viet tim huong di ben vung
Người dân tại huyện Đăk Đoa, tỉnh Gia Lai đang sơ chế cà phê

Cục Chế biến và Phát triển thị trường Nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đánh giá, thị trường cà phê trong nước biến động cùng chiều với xu hướng thị trường thế giới. Giá cà phê giảm do thị trường chịu áp lực từ dư thừa nguồn cung toàn cầu và người trồng cà phê Brazil tăng cường bán ra.

Ghi nhận thực tế trên của phóng viên Báo Công Thương trên địa bàn tỉnh Gia Lai, giá cà phê thị trường nội địa và XK năm 2019 xuống thấp đã khiến không ít nông dân trồng cà phê ở đây lo lắng và muốn chuyển đổi sang cây trồng khác. Ông Nguyễn Văn Tiến, huyện Đăk Đoa – chia sẻ: “Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Gia Lai có nhà máy thu mua và chế biến rau quả, họ ký hợp đồng và thu mua nguyên liệu từ nông dân. Nếu nhà máy cam kết bao tiêu sản phẩm thì chúng tôi sẽ phá bỏ vườn cà phê già cỗi chuyển sang trồng chanh leo ngắn ngày và cho thu nhập nhanh hơn”.

Tương tự, ông Siu Tớih, huyện Đăk Đoa cho biết, giá cà phê năm 2019 thấp quá, giảm 1 nửa so với 2 năm trước. Tiền thu hoạch từ cà phê không đủ bù chi phí tưới nước, bón phân nên tôi chỉ để lại 150 gốc. Nếu giá vẫn tiếp tục giảm, ông sẽ chặt bỏ cà phê để trồng cây khác.

Giữ ngôi vị cà phê Việt?

Đưa ra bức tranh lạc quan hơn trong năm 2020, các chuyên gia dự báo, năm nay, giá cà phê Arabica sẽ phục hồi do XK cà phê toàn cầu giảm, trong khi nhu cầu tăng. Theo Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA), tiêu thụ cà phê toàn cầu niên vụ 2019/20 dự báo tăng 1,5% so với niên vụ 2018/19, lên 167,9 triệu bao. Trong đó, Trung Quốc sẽ là nước tiêu thụ cà phê chính trong năm 2020.

 

Hiện, các sản phẩm cà phê của Việt Nam XK đến hơn 80 quốc gia và vùng lãnh thổ, chiếm 14,2% thị phần XK cà phê toàn cầu, đứng ở vị trí thứ 2 sáu Brazin. Về cơ cấu mặt hàng, ngành cà phê Việt Nam vẫn tập trung XK cà phê Robutta dạng thô, chưa qua chế biến chiếm tới 94% tổng lượng XK. Do đó, giá trị XK chưa cao, chưa có được vị trí tương xứng với tiềm năng phát triển của ngành trên thị trường thế giới.

ca phe viet tim huong di ben vung

Tỉnh Gia Lai dự kiến năm 2020, mặt hàng cà phê XK của tỉnh đạt 200 ngàn tấn, tương đương 360 triệu USD, tăng 11% về lượng và 22% về giá trị so với năm 2019.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nếu để người dân “tự phát” chặt bỏ cây cà phê là rất nguy hiểm. Bởi, hiện tại, cà phê là ngành hàng quan trọng, chiếm 3% GDP cả nước, kim ngạch XK nhiều năm nay đều trên 3 tỉ USD. Để giữ vững ngôi vị cà phê Việt Nam, trong bối cảnh giá cà phê nhân xô giảm và ở mức thấp nhất trong thời gian qua, một trong những giải pháp cần được triển khai một cách đồng bộ là đẩy mạnh công tác tái cơ cấu ngành cà phê. Trong đó, cần xây dựng các vùng trồng tập trung, chuyên canh gắn với phát triển công nghiệp chế biến, thúc đẩy liên kết vùng nguyên liệu với các cơ sở, nhà máy chế biến sâu để tạo nguồn hàng đảm bảo ổn định về chất lượng và số lượng.

Cà phê vẫn là mặt hàng XK chủ lực của tỉnh Gia Lai nói riêng và nông sản Việt Nam nói chung. UBND tỉnh Gia Lai cho hay, năm 2019, kim ngạch XK cà phê của tỉnh đạt 294 triệu USD với sản lượng 180 ngàn tấn. Dự kiến năm 2020, mặt hàng cà phê XK đạt 200 ngàn tấn, tương đương 360 triệu USD, tăng 11% về lượng và 22% về giá trị so với năm 2019. Để đạt được mục tiêu đề ra tỉnh đang khuyến khích người dân thay đổi phương thức sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, 4C hoặc hữu cơ, nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm hướng đến XK sang các thị trường khó tính như Mỹ, EU…. Đây cũng là hướng phát triển bền vững, tránh hiện tượng “được mùa, mất giá”.

Hiện Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển nông nghiệp nông thôn phối hợp với Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam tổ chức cuộc thi sáng tác biểu trưng (logo) cà phê chất lượng cao cho ba nhóm sản phẩm: Cà phê nhân, cà phê rang và cà phê bột. Việc xây dựng được một mẫu biểu trưng cà phê Việt Nam chất lượng cao được đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ, gắn với sử dụng dấu hiệu chỉ dẫn nguồn gốc địa lý sẽ giúp khẳng định thương hiệu cà phê Việt trên thị trường thế giới.
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm