Thị trường

Các doanh nghiệp và nền kinh tế bị tác động nặng nề từ dịch COVID-19

Theo thông tin từ Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) thuộc Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ, kết quả khảo sát nhanh trong hơn 1.200 doanh nghiệp do Ban này tiến hành ngày 2-3/3 cho thấy, các doanh nghiệp và cả nền kinh tế đang bị ảnh hưởng nặng từ dịch bệnh (“phơi nhiễm” COVID-19).

'Khơi thông' đầu ra cho rau quả / Cải tiến biểu giá bán lẻ điện: Chọn phương án 1 bậc giá duy nhất hay nhiều bậc giá?

Phần lớn doanh nghiệp tham gia khảo sát nhanh là các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Doanh nghiệp có quy mô nhỏ (dưới 100 lao động) chiếm 75%, còn doanh nghiệp có quy mô trên 200 lao động chiếm 14,3%.

Nếu dịch bệnh kéo dài trên 6 tháng, 73,8% doanh nghiệp có thể phá sản

Chú thích ảnh
Để "giải cứu" nông sản do ảnh hưởng COVID-19, Nhà máy Lavifood (Long An) mỗi đợt có thể mua hơn 1.000 tấn thanh long để làm nước uống, sây dẻo, cấp đông xuất khẩu. Ảnh: Bùi Giang/TTXVN.

Con số so sánh cho thấy, nếu tỷ lệ phơi nhiễm COVID-19 với người hiện chỉ chiếm 0,0011 phần nghìn dân số Việt Nam (92 ca nghi mắc và 16 ca dương tính với virus), thì có tới 98,2% doanh nghiệp trả lời khảo sát cho biết họ đang chịu ảnh hưởng tiêu cực từ dịch bệnh. Hơn 80% bệnh nhân mắc SARS-CoV-2 chỉ có biểu hiện bệnh nhẹ - theo nghiên cứu của Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh CDC phân tích trên 72.314 ca mắc ở Trung Quốc đại lục. Trong khi đó, doanh nghiệp chịu ảnh hưởng nhẹ chỉ chiếm 9,2% số doanh nghiệp tham gia khảo sát (tương ứng nhóm trả lời doanh thu có thể sụt giảm dưới 20% nếu dịch kéo dài tới 6 tháng).

Chưa tới 20% người nhiễm virus có biểu hiện bệnh nặng - cũng theo nghiên cứu nêu trên của CDC, nhưng tỷ lệ doanh nghiệp trả lời khảo sát bị ảnh hưởng nhiều chiếm đến 89,1% (bao gồm 60,2% doanh nghiệp có thể sụt giảm trên 50% doanh thu và 28,9% doanh nghiệp có thể sụt giảm từ 20-50% doanh thu nếu dịch kéo dài tới 6 tháng).

Ở Việt Nam, tỷ lệ tử vong do dịch là 0%; ở Trung Quốc nơi có số người chết cao nhất thế giới, 3.012 người, thì tỷ lệ là 0,00021% dân số Trung Quốc. Còn theo nghiên cứu của CDC, bệnh nhân ở nhóm tuổi 80 trở lên có tỷ lệ tử vong là 14,9% do trên nền cơ thể có sẵn nhiều bệnh, các bệnh nhân tuổi 70 là 8%, bệnh nhân tuổi 50-59 có tỷ lệ tử vong 1,3%, và những người tuổi 40 có tỷ lệ là 0,43%, thanh niên lứa tuổi 30 cũng như nhóm từ 10 đến 19 tuổi có tỷ lệ tử vong do virus này chỉ là 0,2%. Trong khi đó, 73,8% doanh nghiệp trả lời khảo sát cho biết, họ có thể phá sản nếu dịch bệnh kéo dài trên 6 tháng, do doanh thu không thể bù đắp chi phí hoạt động, chi lương cho người lao động, chi trả tiền lãi vay ngân hàng, chi phí thuê mặt bằng cho hoạt động sản xuất kinh doanh cùng các chi phí khác. Ngay trong 2 tháng đầu năm, số liệu của Tổng cục thống kê cũng cho thấy, số lượng các doanh nghiệp “chết” (tạm dừng kinh doanh có thời hạn, ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, hoàn tất thủ tục giải thể) tăng vọt, với 28.400 doanh nghiệp.

Số liệu nêu trên cho thấy, “phơi nhiễm” COVID-19 với doanh nghiệp và cả nền kinh tế đang diễn biến trầm trọng hơn nhiều so với mức độ ảnh hưởng của dịch bệnh trên người và khả năng phục hồi là rất lâu, rất thấp so với tỷ lệ những người nhiễm virus đã hồi phục. Nhiều doanh nghiệp trong ngành du lịch và giáo dục không thể ứng phó kịp khi đồng loạt các doanh nghiệp du lịch không có khách hàng, hay các cơ sở giáo dục, đặc biệt giáo dục ngoài công lập, không có học sinh đến trường.

Xét trên một nhóm đặc thù là nhóm giáo dục, theo Kiến nghị thư của Tập thể giáo dục ngoài công lập ngày 3/3, “nếu dịch bệnh kéo dài tới 6 tháng, 80% số cơ sở giáo dục ngoài công lập được khảo sát bị sụt giảm doanh số trên 50%, và 90% số cơ sở này có nguy cơ phá sản do không cân đối được thu chi. Nếu chỉ cần 1.000 trung tâm ngoại ngữ đóng cửa thì hàng nghìn tỷ đồng sẽ bị mất trắng và hơn 30.000 lao động, trong đó có các thầy, cô giáo, nhân viên, bảo vệ, lao công sẽ mất việc. Nếu bị phá sản hoặc mất thanh khoản, chỉ tính tại 200 trường phổ thông tư nhân quy mô vừa ở Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội sẽ có hàng nghìn giáo viên mất việc, hàng nghìn tỷ đồng tiền vay ngân hàng sẽ không được trả đúng hạn. Đó là chưa kể sẽ có hàng ngàn giáo viên nước ngoài tại các trung tâm tiếng Anh và trường tư sẽ mất việc. Nếu họ chọn rời khỏi Việt Nam thì chi phí để tuyển dụng họ quay trở lại sẽ vô cùng lớn.” Như vậy, những tác động xấu đến xã hội do dịch bệnh COVID-19 gây ra cũng không kém so với tác động về mặt kinh tế.

Thực hiện chính sách riêng đối với doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề

Cũng theo kết quả khảo sát, các doanh nghiệp hoàn toàn ủng hộ và đánh giá cao việc Đảng và Nhà Nước, Thủ tướng chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt các bộ, ngành kịp thời phòng chống và ngăn chặn dịch bệnh COVID-19 để đảm bảo an toàn cho người dân. Chia sẻ về những biện pháp để đối phó với tình hình dịch bệnh, chèo lái việc kinh doanh, lãnh đạo 39% doanh nghiệp được hỏi cho biết đã thực hiện cắt giảm lao động. Điều này có thể giúp doanh nghiệp ứng phó với dịch bệnh, cắt giảm phần nào chi phí lao động, nhưng lại để lại hậu quả nghiêm trọng cho nền kinh tế là có thể có hàng trăm nghìn người mất việc làm, gây bất ổn trong xã hội. Bên cạnh đó, có gần 21% doanh nghiệp cho biết, họ đang sử dụng biện pháp cắt giảm chi phí sản xuất nhưng cũng rất khó để cắt giảm chi phí nguyên liệu đầu vào do nguồn cung từ Trung Quốc bị hạn chế, các nguồn cung thay thế lại không dễ dàng để tìm ra ngay. Gần 4% số doanh nghiệp trả lời khảo sát cho biết, họ đã thực hiện biện pháp tạm dừng kinh doanh, và cũng gần 4% số doanh nghiệp cho lao động nghỉ không lương.

Một số liệu đáng chú ý là 19% số doanh nghiệp trả lời khảo sát nhanh hiện chưa có giải pháp gì để ứng phó với những ảnh hưởng tiêu cực của dịch bệnh. Sự bị động của các doanh nghiệp phần nào phản ánh năng lực còn hạn chế của khối doanh nghiệp nhỏ và vừa, và cũng là chỉ số cảnh báo sớm cho các khủng hoảng có thể xảy ra sau dịch.

Trong nhóm có phản ứng chủ động và sáng tạo, một số doanh nghiệp đã tích cực tìm thị trường mới (7,2% số doanh nghiệp trả lời sử dụng biện pháp này) hay nâng cao chất lượng phục vụ (2,4%) và tranh thủ thời gian này để đào tạo lại nhân viên (1,7%).

Về việc phòng dịch để duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh, chỉ có 5,2% số doanh nghiệp trả lời, cho biết họ chủ động phòng dịch theo khuyến cáo của Bộ Y tế. Đây là một trong những nội dung doanh nghiệp cần tích cực hơn nữa bởi việc phòng, chống dịch bệnh không chỉ cần sự nỗ lực của Chính phủ mà cần sự chung tay của toàn xã hội.

Trước những khó khăn mà các doanh nghiệp tại Việt Nam đang phải đối mặt do dịch COVID-19 gây ra, các doanh nghiệp cũng đồng thời đề xuất một số kiến nghị lên Chính phủ. Ba giải pháp trước mắt mà các doanh nghiệp đề xuất nhiều nhất và mong Chính phủ ưu tiên tập trung hỗ trợ đó là: thực hiện chính sách riêng đối với các doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh COVID-19, để doanh nghiệp được giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng và các loại thuế khác, cho phép miễn lãi suất đối việc nộp chậm thuế, đồng thời cho phép miễn đóng bảo hiểm xã hội trong thời gian dịch bệnh (đề xuất này chiếm 42,9% số ý kiến doanh nghiệp trả lời); hỗ trợ vốn vay ưu đãi với doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch (chiếm 41,2% ý kiến); giảm lãi suất các khoản vay hiện tại, khoanh nợ và giãn thời gian trả nợ vay (29,2%).

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng đề cập đến các giải pháp khác như Chính phủ thực hiện các gói kích cầu, mở cửa thông quan để nhập nguyên liệu đầu vào, cung cấp thông tin minh bạch, tạo niềm tin cho người dân và doanh nghiệp, giảm giá điện nước...

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm