Chỉ dẫn địa lý - công cụ nâng cao giá trị, đẩy mạnh xuất khẩu nông sản Việt
Thị trường chứng khoán 6 tháng cuối năm dự kiến sẽ theo xu hướng tích cực / Giá vàng duy trì đà tăng dù tốc độ chậm hơn
Chỉ dẫn địa lý được coi là công cụ hiệu quả để đẩy mạnh xuất khẩu nông sản Việt ra nước ngoài.
Thương hiệu Việt khẳng định tại nhiều thị trường khó tính
Ngày 3/6/2024, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) ban hành Quyết định số 438/QĐ-SHTT về việc cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý số 00139 cho sản phẩm nghêu Bến Tre. Sở Khoa học và Công nghệ Bến Tre là đơn vị quản lý chỉ dẫn địa lý này. Nghêu Bến Tre gồm: Nghêu tươi, nghêu nguyên con hấp chín đông lạnh và thịt nghêu hấp chín đông lạnh.
Nghêu Bến Tre có được đặc thù, danh tiếng nhờ điều kiện tự nhiên và không có mùa Đông nên nhiệt độ nước không bị biến động nhiệt lớn giữa các ngày trong tháng và giữa các tháng trong năm. Bến Tre có vị trí địa lý với nhiều bãi triều gần cửa sông, địa hình bằng phẳng, không có dòng nước ngọt đổ vào trực tiếp, thời gian triều kiệt trong ngày từ 6 - 8 giờ. Tỷ lệ cát trong chất đáy của bãi trên 90%, tỷ lệ bùn dưới 10%, thuộc hệ sinh thái rừng ngập mặn, dồi dào và phong phú các loài sinh vật phù du là nguồn thức ăn quanh năm cho nghêu, nhờ đó thịt nghêu ở Bến Tre có thành phần dinh dưỡng cao.
Đặc biệt, Bến Tre có chế độ bán nhật triều (2 lần nước lên và 2 lần nước xuống trong ngày) nên thời gian phơi bãi (nước cạn) ngắn, ít bị ảnh hưởng của bão nên nghêu Bến Tre có tình trạng sức khỏe tốt, vân sinh trưởng đều.
Nghêu tươi Bến Tre có màu vỏ trắng, trắng ngà, khoảng cách giữa các vân sinh trưởng đều. Nghêu nguyên con hấp chín đông lạnh có màu sắc thịt trắng, trắng đục. Thịt nghêu hấp chín đông lạnh có màu trắng, trắng ngà. Nghêu nguyên con hấp chín đông lạnh và thịt nghêu hấp chín đông lạnh có mùi thơm, không có mùi hôi.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thônBến TreĐoàn Văn Đảnh cho biết, Việt Nam có nhiều vùng nuôi nghêu nhưng đến năm 2022 mới chỉ có duy nhất “Nghêu Bến Tre” được cấp Chứng nhận MSC. Nghêu Bến Tre là sản phẩm đầu tiên của Việt Nam, cũng là sản phẩm thủy sản đầu tiên của Đông Nam Á được cấp Chứng nhận MSC do Hội đồng Quản lý biển (Marine Stewardship Council) cấp cho “một đơn vị nghề cá” khai thác bền vững nguồn lợi thủy sản tự nhiên. Chứng nhận này có giá trị từ ngày 23/5/2024 - 22/5/2029.
Đây là lần thứ ba nghề quản lý và khai thác nghêu Bến Tre đạt chứng nhận này. Chứng nhận MSC cùng với việc nghêu Bến Tre được cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý sẽ giúp cho sản phẩm nghêu Bến Tre mở rộng xuất khẩu sang các thị trường xuất khẩu khó tính như Hoa Kỳ, Liên minh châu Âu, Nhật Bản… trong thời gian tới.
Cũng theo ông Đoàn Văn Đảnh, trong tháng 6/2024, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thônBến Tresẽ tổ chức trao giấy chứng nhận MSC cùng với Chứng nhận chỉ dẫn địa lý sản phẩm nghêu Bến Tre cho 7 hợp tác xã khai thác nghêu trên địa bàn tỉnh; đồng thời, giới thiệu vùng nguyên liệu nghêu đã được cấp chứng nhận cho các doanh nghiệp chế biến nghêu; bảo tồn nguồn lợi nghêu giống bố mẹ, khai thác hợp lý và bảo vệ tốt nguồn nghêu giống tự nhiên.
Mở lối thị trường xuất khẩu
Chỉ dẫn địa lý khẳng định lợi thế riêng của địa phương trong phát triển và quảng bá sản phẩm, nâng cao giá trị kinh tế cho sản phẩm nông nghiệp đặc sản. Bên cạnh đó, việc duy trì chất lượng sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý được xem là công cụ quan trọng bảo đảm chất lượng sản phẩm cho người tiêu dùng. Chỉ dẫn địa lý không chỉ mang lại giá trị cao hơn cho nông sản tại thị trường trong nước mà còn đẩy mạnh xuất khẩu.
Điển hình như vải thiều Lục Ngạn (Bắc Giang), từ chỗ người dân chỉ bán được với giá dưới 10.000 đồng/kg, thì hiện nay giá tiêu thụ bình quân hơn 35.000 đồng/kg. Chỉ dẫn địa lý còn như một “tấm giấy thông hành” để quả vải Việt Nam thâm nhập được vào nhiều thị trường khó tính như: Australia, Pháp, Hoa Kỳ, Nhật Bản…
Sau khi được cấp chỉ dẫn địa lý, năm 2020, Việt Nam có những lô vải thiều Lục Ngạn, Bắc Giang đầu tiên được xuất khẩu sang Nhật Bản với chỉ dẫn địa lý đã được bảo hộ tại thị trường này. Đây là một bước tiến trong công tác phát triển tài sảntrí tuệ. Để được bảo hộ chỉ dẫn địa lý thì các sản phẩm phải có danh tiếng, chất lượng hoặc đặc tính mà chủ yếu là do điều kiện địa lý mang lại, để các sản phẩm được bảo hộ chỉ dẫn địa lý nổi bật hơn, thậm chí có giá trị hơn so với các sản phẩm tương tự trên thị trường. Mặt khác, việc áp dụng bảo hộ chỉ dẫn địa lý còn giúp ngăn ngừa và chống lại các hành vi sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, làm mất đi giá trị và danh tiếng của sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý.
Ông Nguyễn Văn Bảy, Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cho biết, bảo hộ chỉ dẫn địa lý đã được chứng thực trên thực tế có tác dụng gia tăng giá trị và uy tín của nhiều sản phẩm. Điển hình như mật ong bạc hà Mèo Vạc (Hà Giang) sau khi được bảo hộ chỉ dẫn địa lý, kiểm soát nguồn gốc, chất lượng, quảng bá, sản phẩm đã tăng giá gần gấp đôi.
Tương tự, nước mắm Phú Quốc tăng giá từ 30-50%, bưởi Phúc Trạch tăng từ 30-35%, cam Cao Phong, cam Vinh cũng tăng giá hơn 50% sau khi được bảo hộ chỉ dẫn địa lý. Đặc biệt, một số sản phẩm gắn chỉ dẫn địa lý cũng đã được đẩy mạnh xuất khẩu, được bảo hộ chỉ dẫn địa lý ở nước ngoài như: Thanh long Bình Thuận, vải thiều Lục Ngạn (Bắc Giang)... Đây cũng là động lực cho người dân thúc đẩy sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, mở rộng quy mô thương mại. Do vậy, chỉ dẫn địa lý là công cụ hữu hiệu để đẩy mạnh xuất khẩu nông sản Việt ra nước ngoài.
Cũng theo ông Nguyễn Văn Bảy, điểm đặc biệt của cam kết về chỉ dẫn địa lý theo Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) là ngoài cam kết về các tiêu chí liên quan đến hệ thống đăng ký chỉ dẫn địa lý, các bên còn cam kết bảo hộ cho nhau một danh mục các chỉ dẫn địa lý gồm 169 chỉ dẫn địa lý của EU được bảo hộ tại Việt Nam và 39 chỉ dẫn địa lý của Việt Nam được bảo hộ tại EU.
Mức độ bảo hộ dành cho các chỉ dẫn địa lý này tương ứng với mức độ bảo hộ chỉ dành cho rượu vang và rượu mạnh trong Hiệp định về các khía cạnh liên quan tới thương mại của quyền sở hữu trí tuệ (Hiệp định TRIPS) cũng như Luật Sở hữu trí tuệ hiện hành.Vì vậy, việc ký kết và thực thi Hiệp định EVFTA sẽ mang lại cơ hội cho nhiều doanh nghiệp Việt Nam khi 39 chỉ dẫn địa lý của Việt Nam (phần lớn là nông sản) được bảo hộ tự động tại EU - thị trường xuất khẩu quan trọng với 28 thành viên.
Việc này không chỉ bảo đảm quyền đối với các chỉ dẫn địa lý dùng cho nông sản Việt Nam vốn đã có mặt trên thị trường EU từ lâu mà còn mở ra cơ hội tiếp cận thị trường cho các đặc sản khác đã được cấp chỉ dẫn địa lý.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Trình Quốc hội kế hoạch cải cách tiền lương vào năm 2025
Cần chính sách công nghiệp đột phá
Lễ hội mua sắm tại Sóc Sơn: Đặc sản vùng miền và sản phẩm xanh 'lên ngôi'
Nhà bán lẻ Nhật Bản lên kế hoạch tuyển 5000 nhân sự tại Việt Nam trong năm 2025
Dự báo tác động từ chính sách của tân Tổng thống Mỹ đến kinh tế Việt Nam
Việt Nam - Nhật Bản bắt tay mở rộng thị trường, vượt qua thách thức toàn cầu