Chính sách

Cần cải cách hệ thống thuế phù hợp với thông lệ quốc tế

DNVN - PGS, TS Vũ Sỹ Cường - Chuyên gia Tài chính công, Học viện Tài chính, cho rằng, cần triển khai hoạt động cải cách hệ thống thuế phù hợp với thông lệ quốc tế. Tiến tới áp dụng một mức thuế suất giá trị gia tăng; xây dựng lộ trình điều chỉnh tăng thuế đối với một số mặt hàng rượu, bia, thuốc lá…

Tính thuế tiêu thụ đặc biệt: Không đánh đồng bản chất tác hại là nồng độ cồn / Xây dựng thuế tối thiểu toàn cầu: Bảo đảm hài hòa lợi ích quốc gia và nhà đầu tư

Chia sẻ tại sự kiện giới thiệu Kinh tế vĩ mô 2023 và những thay đổi trong chính sách thuế để cải thiện tăng trưởng, ngày 9/12, PGS, TS Phạm Thế Anh - Kinh tế trưởng Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chiến lược Việt Nam (VESS) cho rằng, sự chậm lại các dòng thương mại và đầu tư quốc tế khiến cho cỗ xe kinh tế Việt Nam phải dừng lại ít nhiều. Sự dừng lại này bất chấp những lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do và sự dịch chuyển dòng vốn đầu tư toàn cầu đem lại.

Tốc độ tăng trưởng kinh tế trong những tháng qua, dù cải thiện nhẹ qua các quý, nhưng ở dưới xa mức trung bình trước đại dịch COVID-19. Các kênh tiếp cận vốn của doanh nghiệp đều gặp khó. Lạm phát tổng thể giảm trong nửa đầu năm nhưng lại có xu hướng quay đầu tăng trở lại trong Quý III/2023. Lạm phát cơ bản khá dai dẳng trong khi những rủi ro tăng giá mới lại xuất hiện.

Sự kiện giới thiệu Kinh tế vĩ mô 2023 và những thay đổi trong chính sách thuế để cải thiện tăng trưởng. Ảnh: Hà Anh.

Đồng quan điểm với nhận định trên, ông Phạm Văn Long - Giám đốc Trung tâm VESS nhận định, kinh tế Việt Nam năm 2023 đang đối mặt với rất nhiều thách thức, từ những diễn biến bất lợi của kinh tế thế giới cho đến những bất ổn nội tại của kinh tế trong nước.

Để cải thiện chất lượng tăng trưởng, Chính phủ hướng tới việc sửa đổi, bổ sung một số chính sách thuế nhằm ổn định thị trường, cải thiện nguồn thu và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Trong đó, đề xuất tăng thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) đối với một số sản phẩm như rượu, bia, thuốc lá.

“Đề xuất này được kỳ vọng sẽ góp phần định hướng sản xuất, hạn chế sử dụng các sản phẩm không có lợi cho sức khỏe. Đồng thời, thể hiện cam kết của Chính phủ đối với phát triển bền vững và an sinh xã hội”, ông Long nói.

Chính phủ hướng tới sửa đổi, bổ sung một số chính sách thuế nhằm ổn định thị trường, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Bàn sâu về chính sách thuế, PGS, TS Vũ Sỹ Cường - Chuyên gia Tài chính công, Học viện Tài chính cho biết, so với các nước mới nổi khác ở châu Á thì Việt Nam dựa nhiều hơn vào thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng (VAT), thuế xuất nhập khẩu, trong đó có thuế TTĐB. Đồng thời, Việt Nam ít dựa hơn vào thuế thu nhập cá nhân, thuế tài sản, trong đó có thuế bất động sản.

Cụ thể, xét về cơ cấu thuế đối với GDP ở Việt Nam trong giai đoạn 2016-2020, thuế VAT chiếm gần 6% GDP, thuế TTĐB chiếm khoảng 1,7% GDP, thuế sử dụng đất nông nghiệp chiếm 0.03% GDP.

Ông Cường nhấn mạnh, mục tiêu của Chiến lược cải cách thuế của Việt Nam tới năm 2025, tỷ lệ thu ngân sách Nhà nước trên GDP (tỷ lệ thu NSNN / GDP) không thấp hơn 16%, thu thuế đạt 13-14% GDP. Đến năm 2030, tỷ lệ thu NSNN/GDP đạt 16-17%, thu thuế đạt 14-15% GDP.

Để đạt được những mục tiêu này, cần thực thi nhiều nhóm giải pháp cải cách hệ thống thuế sao cho phù hợp với thông lệ quốc tế. Cụ thể, cần tiến tới cơ bản áp dụng một mức thuế VAT; xây dựng lộ trình điều chỉnh tăng thuế đối với một số mặt hàng như rượu, bia, thuốc lá.

“Cần tăng mức thu điều tiết đối với đất và bổ sung thu thuế đối với nhà, bổ sung đối tượng chịu thuế bảo vệ môi trường. Cùng với đó, cải cách thủ tục hành chính thuế và mở rộng áp dụng công nghệ số với ngành thuế”, ông Cường khuyến nghị.


Ngân Hà
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm