Chính sách

Có cần điều chỉnh giá xăng dầu sớm hơn bình thường?

DNVN - Tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ ngày 3/3, phóng viên báo chí đặt câu hỏi "có cần điều chỉnh giá xăng dầu sớm hơn bình thường" trong bối cảnh xung đột giữa Nga và Ukraine đã khiến giá xăng dầu tăng rất mạnh trong những ngày gần đây?

Doanh nghiệp nước ngoài quan tâm đến Quy hoạch Điện VIII / Thủ tướng yêu cầu xử lý nghiêm hành vi găm hàng trong kinh doanh xăng dầu

Trả lời câu hỏi của phóng viên về việc linh hoạt điều hành giá xăng dầu, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết: Vừa qua, do tình hình biến động của mặt hàng xăng dầu trên thế giới, Bộ Công Thương đã có chỉ đạo, 2 ngày một lần, Tổ điều hành xăng dầu liên Bộ Công Thương – Tài Chính rà soát về tình hình biến động của giá xăng dầu, để nếu cần thiết sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét việc có điều chỉnh giá xăng dầu sớm hơn so với quy định tại Nghị định 95 hay không.
Bộ Công Thương cũng đã kiến nghị với các cơ quan liên quan để hỗ trợ các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu. Cụ thể, kiến nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo các ngân hàng thương mại tạo điều kiện về thủ tục và tăng hạn mức tín dụng cho các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu để kịp thời nhập khẩu xăng dầu theo hạn mức được Bộ Công Thương phân giao bổ sung. Kiến nghị Bộ Tài chính chỉ đạo Tổng cục Hải quan tạo điều kiện về thủ tục nhập khẩu đối với các doanh nghiệp kinh doanh đầu mối nhập khẩu theo hạn mức đã được Bộ Công Thương phân giao…

Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải giải đáp câu hỏi của báo chí về thời gian điều hành giá xăng dầu.
Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cũng ghi nhận, đánh giá cao các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu trong việc chủ động, tích cực nhập khẩu nguồn xăng dầu để bù đắp sự thiếu hụt từ nguồn cung sản xuất trong nước. Đồng thời đề nghị các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu tiếp tục chia sẻ với các doanh nghiệp sử dụng xăng dầu làm nguồn đầu vào cho hoạt động sản xuất, kinh doanh và người dân, đang gặp rất nhiều khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 và những biến động của thị trường thế giới.
Thứ trưởng khẳng định, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường để kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm tình trạng đầu cơ trục lợi và các hành vi vi phạm trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu.
Liên quan tới vấn đề này, trong thông cáo báo chí phát đi hôm 3/3, Bộ Tài chính cho biết, theo quy định tại Nghị định số 95/2021/NĐ-CP của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu, thời gian điều hành giá xăng dầu vào các ngày mùng 1, ngày 11 và ngày 21 hàng tháng. Đối với các kỳ điều hành trùng vào ngày nghỉ, ngày nghỉ lễ theo quy định của nhà nước, thời gian điều hành được lùi sang ngày làm việc tiếp theo sau ngày nghỉ, ngày nghỉ lễ. Đối với kỳ điều hành trùng vào dịp Tết Nguyên đán, thời gian điều hành được lùi sang kỳ điều hành tiếp theo.
Trường hợp giá các mặt hàng xăng dầu có biến động bất thường, ảnh hưởng lớn đến phát triển kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân, Bộ Công Thương có trách nhiệm báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định thời gian điều hành giá xăng dầu cho phù hợp.
Theo Bộ Tài chính, trên thực tế, Nghị định 95/2021/NĐ-CP đã giảm chu kỳ điều hành xuống còn 10 ngày so với trước đây (15 ngày). Thời gian điều hành giá như trên là phù hợp với thực tế mua bán xăng dầu của đa số các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu và giúp giá trong nước phản ánh sát với giá xăng dầu trên thị trường thế giới; đồng thời cũng góp phần đảm bảo được tính công khai, minh bạch trong công tác điều hành giá.
Theo quy định tại Nghị định số 95/2021/NĐ-CP, giá bán xăng dầu trong nước được thực hiện theo cơ chế thị trường và phù hợp với diễn biến giá xăng dầu thế giới. Bộ Công Thương là cơ quan chủ trì điều hành; Bộ Tài chính phối hợp.
Theo thông tin của Bộ Công Thương, thị trường xăng dầu thế giới giai đoạn vừa qua có biến động tăng giá, nguồn cung xăng dầu khan hiếm do ảnh hưởng của các yếu tố chính như: căng thẳng chính trị giữa Nga và Ukraine và bất ổn chính trị tại các nước như Kazakhstan, Libya, Iran… tiếp tục phức tạp ảnh hưởng đến nguồn cung xăng dầu cho thị trường. Bên cạnh đó, lạm phát tăng cao tại nhiều nước lớn như Mỹ, Trung Quốc… cũng tác động làm giá xăng dầu thế giới có xu hướng tăng cao. Việc giá xăng dầu thành phẩm thế giới tăng cao đã đã tác động làm tăng giá xăng dầu trong nước.
Trước diễn biến phức tạp của thị trường xăng dầu thế giới, công tác điều hành giá xăng dầu thời gian qua tiếp tục được thực hiện công khai, minh bạch và nhất quán theo cơ chế giá thị trường có sự quản lý của Nhà nước theo đúng quy định. Bên cạnh đó, công cụ Quỹ bình ổn giá xăng dầu đã được sử dụng linh hoạt, hiệu quả, góp phần giảm mức tăng giá xăng dầu trong nước. Đồng thời, Bộ Công Thương đã thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm đảm bảo nguồn cung ứng xăng dầu, đi đối với công tác kiểm soát thị trường và tăng cường công tác dự báo.
Nguyệt Minh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm