Việt Nam - Nhật Bản: Hợp tác công nghiệp vẫn rất cần thiết
DNVN - Để cải thiện hiệu quả hợp tác Việt Nam - Nhật Bản trong chuỗi giá trị cần ưu tiên một số vấn đề. Trong đó, hợp tác công nghiệp song phương vẫn rất cần thiết bởi không chỉ để nâng cao năng lực của doanh nghiệp Việt Nam mà còn vì lợi ích kinh tế và hình ảnh của các nhà đầu tư Nhật Bản tại Việt Nam.
Kinh tế hộ nhỏ lẻ, manh mún sẽ không có chỗ đứng trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 / Xây dựng liên kết chuỗi giá trị: Gần 2.300 HTX nông nghiệp đã thành lập doanh nghiệp
Chuỗi cung ứng phục hồi sau đại dịch
Tại diễn đàn nghiên cứu Việt Nam - Nhật Bản về động lực mới trong chuỗi cung ứng Châu Á - Thái Bình Dương giai đoạn hậu COVID-19: Hàm ý đối với hợp tác Nhật Bản - Việt Nam diễn ra ngày 3/3, GS. Fukunari Kimura - Kinh tế trưởng, Viện Nghiên cứu kinh tế ASEAN và Đông Á (ERIA) khẳng định, Đông Nam Á và Đông Á đã vượt qua cú sốc giảm cung và cú sốc giảm cầu. Chuỗi giá trị toàn cầu, đặc biệt là mạng sản xuất quốc tế đã được giữ vững và phục hồi trở lại. Đông Nam Á và Đông Á đã tích cực tận dụng các “cú sốc tăng cầu” thông qua các sản phẩm dành cho làm việc từ xa, lưu trú từ xa. Mặc dù số ca nhiễm COVID-19 liên tục lập đỉnh, nhưng khu vực Đông Nam Á và Đông Á có thể tiếp tục các động lực từ toàn cầu hóa cho phát triển kinh tế.
Đề cập về thực trạng gián đoạn chuỗi cung ứng, ông Nguyễn Anh Dương - Trưởng ban Ban Nghiên cứu tổng hợp, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương dẫn khảo sát của NTT Data công bố ngày 20/9/2021 cho hay, 83% đơn vị vận tải gặp phải gián đoạn trong hoạt động cung ứng các nguyên liệu chính trong năm 2021. Theo dự báo của Euler Hermes (9/12/2021), gián đoạn chuỗi cung ứng có thể tiếp tục đến quý II/2022.
Theo ông Nguyễn Anh Dương, chuỗi cung ứng ở khu vực ASEAN và Đông Á đã bắt đầu phục hồi.
Trong khi đó, theo báo cáo của IMF công bố hồi tháng 1/2022, gián đoạn nguồn cung làm tăng trưởng GDP toàn cầu giảm 0,5-1 điểm phần trăm và lạm phát cơ bản tăng 1 điểm phần trăm trong năm 2021.
Sau nhiều khó khăn do dịch bệnh COVID-19 kéo dài trong hơn 2 năm qua, chuỗi cung ứng ở khu vực ASEAN và Đông Á đã bắt đầu phục hồi. Các nền kinh tế ở khu vực có thể tiếp tục tận dụng các động lực từ toàn cầu hóa cho phát triển kinh tế. Ngoài ra, xu hướng dịch chuyển đầu tư (trong đó có các doanh nghiệp Nhật Bản) sang các nước Đông Nam Á được kỳ vọng vẫn tiếp diễn... Tuy nhiên, thách thức nổi lên đối với phát triển các liên kết kinh tế ở khu vực, khi mà tỷ lệ thương mại nội khối Đông Nam Á còn ở mức tương đối thấp.
Hợp tác Việt Nam - Nhật Bản trong chuỗi giá trị
TS. Trần Thị Hồng Minh - Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) chỉ ra, trong nhiều năm qua, Nhật Bản và Việt Nam luôn nỗ lực thúc đẩy mối quan hệ chiến lược toàn diện sâu sắc. Tại các diễn đàn quốc tế, hai bên duy trì quan hệ hợp tác và ủng hộ lẫn nhau trên nhiều lĩnh vực.
Thêm vào đó, các cơ quan, doanh nghiệp Việt Nam luôn đánh giá cao tầm quan trọng của quan hệ hợp tác với Nhật Bản, không chỉ ở tiềm lực tài chính và trình độ công nghệ hàng đầu của các doanh nghiệp Nhật Bản, mà còn ở cách làm của người Nhật Bản, doanh nghiệp Nhật Bản.
Đánh giá về mối quan hệ Việt Nam – Nhật Bản, GS. Fukunari Kimura cho rằng Nhật Bản muốn duy trì quan hệ đối tác tin cậy, hợp tác và sáng tạo với Việt Nam và Đông Nam Á. Nhiều nội dung hai nước có thể tăng cường hợp tác như công nghiệp chế biến, chế tạo với chuyển đổi số, các dịch vụ sáng tạo, giáo dục và phát triển nguồn nhân lực, y tế và xã hội già hóa năng lượng, môi trường...
Trong khi đó, theo đánh giá của ông Nguyễn Anh Dương, trong những năm qua, Việt Nam vẫn nhận được nhiều sự quan tâm từ các nhà đầu tư Nhật Bản. Nhật Bản vẫn nằm trong nhóm nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất ở Việt Nam, xét theo vốn đăng ký của các dự án còn hiệu lực tính đến cuối tháng 2/2022.
Doanh nghiệp Nhật Bản quan tâm hơn đến Việt Nam trong chuỗi cung ứng.
Doanh nghiệp Nhật Bản cũng quan tâm hơn đến Việt Nam trong chuỗi cung ứng. Hơn 65% vốn FDI của Nhật Bản vào Việt Nam tập trung ở lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo. Thêm vào đó, Việt Nam và Nhật Bản có nhiều FTA khác nhau, theo đó tạo sự đa dạng hóa lựa chọn cho doanh nghiệp.
Dù vậy, ông Dương nhìn nhận, số liệu hiện có cho thấy mức độ tham gia của doanh nghiệp Việt Nam vào chuỗi cung ứng do doanh nghiệp Nhật Bản dẫn dắt còn tương đối hạn chế và chậm cải thiện.
Để cải thiện hiệu quả hợp tác trong chuỗi giá trị, theo ông Dương cần ưu tiên kiểm soát dịch COVID-19 hiệu quả và bảo đảm nguồn cung lao động; quyết liệt thực hiện chương trình phục hồi và phát triển kinh tế; tạo động lực mới cho cải thiện môi trường đầu tư - kinh doanh. Ngoài ra, cần củng cố niềm tin trong quan hệ liên kết giữa doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và doanh nghiệp trong nước.
"Hợp tác công nghiệp Việt Nam – Nhật Bản vẫn rất cần thiết bởi không chỉ để nâng cao năng lực của doanh nghiệp Việt Nam mà còn vì lợi ích kinh tế và hình ảnh của các nhà đầu tư Nhật Bản tại Việt Nam. Cần cân nhắc những chiều cạnh mới (liên kết dịch vụ trong chuỗi cung ứng như số hóa, dịch vụ tài chính...) cũng như cân nhắc phần nhỏ hơn của chiếc bánh lớn hơn với tổng thể tư duy về tăng cường mức độ tự chủ và sức chống chịu của chuỗi cung ứng", ông Dương nói.
Theo khuyến nghị của ông Dương, mấu chốt đối với Việt Nam là củng cố niềm tin thông qua cải cách môi trường kinh doanh theo hướng an toàn, thuận lợi và cạnh tranh; học tập kinh nghiệm và thúc đẩy chuyển giao công nghệ của Nhật Bản; kiên nhẫn để cải thiện cơ bản năng lực của khu vực công nghiệp chế biến, chế tạo. Thêm vào đó, cần lấy bất định, thách thức toàn cầu làm áp lực đổi mới; hợp tác trong các tiểu ngành cụ thể và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ...
Thu An
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Cột tin quảng cáo