Chính sách

Đừng bó cứng vào xin tiền, xin quyền trong xây dựng cơ chế chính sách đặc thù

DNVN - Phát biểu tại Cuộc họp ban soạn thảo, tổ biên tập hồ sơ xây dựng Nghị quyết một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng, chiều ngày 26/2, Bộ trưởng Bộ kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh đừng “bó cứng” vào việc xin tiền và xin quyền. Quan trọng là làm sao tạo được động lực để phát triển.

Du lịch Đà Nẵng hỗ trợ bao tiêu nông sản xã miền núi Quảng Nam / Đà Nẵng sẽ có nhiều hoạt động hưởng ứng Ngày Quyền của người tiêu dùng

Tại cuộc họp, Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Lê Trung Chinh cho biết, trên cơ sở các chính sách đã được Quốc hội ban hành và áp dụng tại Đà Nẵng thời gian qua, thành phố đã đề xuất 27 chính sách đặc thù. Bao gồm 21 chính sách tương tự các địa phương (trong đó có 11 chính sách tương tự hoàn toàn, 10 chính sách có điều chỉnh, bổ sung) và 6 chính sách mới.

Các chính sách đề xuất mới theo thực tế của Đà Nẵng gồm: thí điểm thành lập khu thương mại tự do Đà Nẵng gắn với cảng Liên Chiểu và cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng; cho phép thực hiện thí điểm bổ sung dự án xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật; cơ chế tuyển dụng, tiền lương, tiền công, miễn giảm thuế thu nhập, hỗ trợ tài chính cho lĩnh vực bán dẫn, trí tuệ nhân tạo…

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, trong xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng, các cơ sở chính trị, pháp lý cũng như định hướng, chủ trương đã rõ. Khó khăn là làm sao cơ chế, chính sách riêng dành cho địa phương vừa phải bảo đảm đồng bộ với hệ thống pháp luật chung của cả nước, song vẫn có những cái riêng để có thể khai thác được tiềm năng, thế mạnh.

Qua đó giải phóng nguồn lực, tạo ra động lực, yếu tố mới cho phát triển nhanh, bứt phá. Phải xác định đây là cơ hội cho thành phố, xin gì thì xin cho trọng tâm, trọng điểm, hiệu quả, khả thi.

Các đại biểu tham dự cuộc họp bàn về cơ chế chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng.

Đà Nẵng có những thuận lợi trong xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù, bởi vậy, thành phố có thể xoay quanh hình thành trung tâm tài chính, có cơ chế, chính sách hình thành được trung tâm tài chính khu vực. Cùng với đó, nghiên cứu phát triển, đào tạo nguồn nhân lực để thu hút được nhân tài, chuyên gia trong lĩnh vực công nghệ bán dẫn.

Muốn phát triển trung tâm thương mại tự do hay cảng lớn, ông Dũng cho rằng, Đà Nẵng cần những cơ chế, chính sách đặc thù. Tuy nhiên, khi đề xuất cơ chế, chính sách đặc thù, đừng “bó cứng” vào việc xin tiền và xin quyền.

“Quan trọng là làm sao tạo ra được động lực, thu hút được đầu tư, thu hút được các nguồn lực trong xã hội… để phát triển kinh tế. Ví dụ, thu hút nhân tài về làm trung tâm này, trung tâm kia... thì phải xây dựng chính sách”, ông Dũng đặt vấn đề.

Góp ý trong xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Đà Nẵng, bà Nguyễn Minh Hằng - Thứ trưởng Bộ Ngoại giao khẳng định, Bộ Ngoại giao rất ủng hộ cách tiếp cận của Đà Nẵng. Đó là tập trung vào xây dựng những chính sách rất đặc thù, sát với mục tiêu phát triển và tạo ra động lực phát triển của thành phố.

"Chúng tôi ủng hộ chính sách thành lập khu thương mại tự do. Đây là mô hình rất mới, nghiên cứu các nước thấy chính sách đặc thù cho khu thương mại tự do ở các nước rất rõ nên thời gian tới, chúng ta cần cụ thể hóa thêm các chính sách liên quan", bà Hằng chia sẻ.

Hà Anh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm