Du lịch nông nghiệp Đồng bằng sông Cửu Long "lên ngôi"
Đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ “bình thường mới”: Bài 2 - Doanh nghiệp vượt đại dịch / Khai trương điểm bán hàng cố định với sản phẩm OCOP của 13 tỉnh, thành phố Đồng bằng sông Cửu long
Mô hình hay
Bằng những biệt tài và sự sáng tạo trong việc chăn nuôi cá, nông dân Lê Trung Tín (phường Bùi Hữu Nghĩa, quận Bình Thủy, TP Cần Thơ) đã tạo ra mô hình cá lóc bay, trở thành tiêu điểm, thu hút được sự chú ý và nhanh chóng trở thành một địa điểm du lịch sinh thái thú vị, hấp dẫn thu hút rất nhiều du khách trong và ngoài nước đến tham quan và trải nghiệm du lịch nông nghiệp tại Cồn Sơn, TP Cần Thơ.
“Vua cá lóc bay” Lê Trung Tín chia sẻ, để thu hút khách du lịch, không chỉ dừng lại ở cá lóc bay lên đớp mồi mà bằng quyết tâm với khả năng, kinh nghiệm nuôi cá hơn 20 năm của mình, ông sẽ đào tạo, huấn luyện đàn cá thực hiện các chiêu thức mới, chẳng hạn như cá lóc bay qua vòng lửa.
“Biết rằng là rất khó thực hiện nhưng với kinh nghiệm và đam mê tôi sẽ huấn luyện được đàn cá như mong muốn”, ông Tín nói.
Đông đảo du khách thưởng thức các món ăn đặc sản miền Tây dưới vườn dừa rộng 1.000m2 tại Cù Lao Tân Lộc (quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ).
Mới đây, các trang mạng xã hội cũng “rần rần” tại Cù Lao Tân Lộc (quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ) có vườn dừa rộng 1.000m2 với nhiều loại như: Dừa ta, dừa xiêm, dừa dứa đã và đang thu hút hàng nghìn du khách trong nhiều năm qua.
Anh Trần Lâm (28 tuổi, khách du lịch đến từ TP Hồ Chí Minh) cho biết, mục đích đến đây cũng chỉ để uống nước dừa, chèo xuồng tham quan vườn dừa, “dưới là nước trên thì lá dừa rợp bóng trời xanh, mà giá thì cực rẻ mà không bị giới hạn thời gian, nhiêu đó cũng đủ trải nghiệm cảm giác như hòa mình vào thiên nhiên”, anh Lâm tỏ vẻ thích thú.
Theo chị Đào Thị Diễm Kiều - Chủ vườn dừa ở phường Tân Lộc, quận Thốt Nốt, thời gian qua vì bị ảnh hưởng dịch COVID-19 nên tạm đóng cửa để phòng chống dịch, mới đây thì khu vườn dừa của gia đình cũng chuẩn bị mọi thứ để đón khách tham quan, trở lại.
Thông tin về hướng kinh doanh sắp tới, chị Diễm cho biết: “Vườn sẽ mở rộng bán thêm đa dạng ẩm thực, du khách tới sẽ được ăn tôm luộc nước dừa chấm muối tiêu chanh, cua hấp nước dừa, bánh xèo. Ngoài ra, du khách cũng có thể thưởng thức nước dừa với 15 ngàn đồng/ quả thôi, mà đủ lứa cho khách chọn”.
Còn tại nông trại Phan Nam (xã Mỹ Khánh, TP Long Xuyên, tỉnh An Giang), du khách sẽ tận mắt chứng kiến quá trình sinh trưởng, phát triển của nhiều loại cây ăn quả, thưởng thức sản phẩm tươi ngon và trải nghiệm một ngày làm nông dân để thu hoạch nông sản. Đây được biết đến là một trong những điểm đến du lịch đã được nhiều trường từ cấp tiểu học đến THPT tại tỉnh An Giang chọn lựa, làm tour trải nghiệm ngoại khóa cho học sinh ở cuối một học kỳ hoặc mỗi tuần.
Chia sẻ với phóng viên, Anh Trần Linh Tâm - Trưởng nông trại Phan Nam cho biết, ngay từ ban đầu Phan Nam đã định hướng là phát triển du lịch canh nông dành cho gia đình và ngành giáo dục. Thế nên nông trại đã liên kết với các trường học để giáo dục cho các bạn ý thức sử dụng nông sản sạch từ nhỏ, ý thức bảo vệ môi trường.
Theo anh Tâm, Phan Nam Farm là một mô hình du lịch canh nông, các loại quả chủ lực mà Farm đang trồng là dưa lưới, cà chua Rubi, dưa leo baby, ổi nữ hoàng, Atiso đỏ, hệ thống rau xanh, hoa kiểng… đến đây, du khách tự tay thu hoạch và thưởng thức rau, củ, quả sạch, tươi mới ngay tại chỗ. Điểm hay là để du khách trải nghiệm quy trình trồng rau, quy trình sản xuất rau an toàn, thu hái dược liệu.
“Cứ mỗi cuối tuần, thì ở đây khách rất đông. Sắp tới Phan Nam còn xây dựng cả homestay để khách lưu trú lại qua đêm”, anh Tâm nói.
Ngoài quảng bá hình ảnh du lịch canh nông, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGrap thì số nông sản đến mùa thu hoạch rộ sẽ được bán trong các chuỗi cửa hàng, đi thẳng vào bếp ăn của gia đình.
Theo thống kê chưa đầy đủ của ngành du lịch, cả nước hiện có khoảng 400 điểm khai thác hoạt động du lịch nông nghiệp, trong đó phần lớn đang được khai thác theo mô hình du lịch cộng đồng. Các tỉnh Lào Cai, Sơn La, Cần Thơ, Đồng Tháp, Bến Tre, An Giang, Cà Mau... có nhiều sản phẩm du lịch nông thôn tiêu biểu đã và đang định hình thu hút thị hiếu dã ngoại của người thành thị.
Ngoài chiến lược khai thác du lịch trải nghiệm, điểm chung của các mô hình du lịch nông nghiệp hiện nay là bán sản phẩm nông sản. Thông qua kênh tiêu thụ là du khách thì nông sản sẽ đi vào các chuỗi cửa hàng mang thương hiệu riêng của nông trại khắp các khu vực trong nước.
Điển hình như Phan Nam Farm, ngoài quảng bá hình ảnh du lịch canh nông, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGrap thì số nông sản đến mùa thu hoạch rộ sẽ được bán trong các chuỗi cửa hàng, đi thẳng vào bếp ăn của gia đình.
Chia sẻ thêm về hướng đi của Phan Nam Farm, anh Tâm nói: “Riêng Phan Nam đã có chuỗi cửa hàng bán nông sản sạch khắp địa bàn An Giang, ngoài ra Farm cũng tiêu thụ nông sản cho các đầu mối ở nhiều tỉnh như Vĩnh Long, Cà Mau và TP Hồ Chí Minh… đó là sản phẩm không có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, sạch, được chứng minh bằng địa chỉ vùng trồng, khai thác du lịch và giấy chứng nhận vệ sinh an toàn vệ sinh thực phẩm”.
Xu thế tương lai
Nhận định về mô hình du lịch nông nghiệp, ông Nguyễn Đông Hòa - Phó Tổng Giám đốc Công ty Dịch vụ Lữ hành Saigontourist cho rằng: “Làm du lịch nông nghiệp giờ đây rất đơn giản mà thu hút khách khá dễ dàng. Loại hình này, mức tiện nghi du khách đòi hỏi cũng không quá là cao cấp nhưng mà phải đảm bảo thoải mái và sạch. Ăn, uống thì vệ sinh thực phẩm, mang đậm bản sắc địa phương, mùa nào thức ăn đó nổi tiếng của khu vực trong vùng”.
Tiến sĩ Nguyễn Anh Tuấn - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch (Tổng cục Du lịch Việt Nam) cho biết, xu thế du lịch hiện nay đã đổi thay rất nhiều, du khách có một nhu cầu mới là được trải nghiệm ở thiên nhiên hoang sơ, nơi có văn hóa bản địa đặc sắc và điều kiện khí hậu mát mẻ. ĐBSCL là nơi có tài nguyên thiên nhiên rất hấp dẫn, văn hóa đặc sắc nên có tiềm năng rất lớn để khai thác phát triển du lịch nông nghiệp”.
Bên cạnh đó, Tổng cục Du lịch Việt Nam cũng đánh giá, Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) có thế mạnh nổi trội là lúa, trái cây và thủy sản, ứng với chuỗi canh tác nuôi trồng, chế biến và tiêu thụ. Theo đó, chuỗi giá trị sản phẩm du lịch nông nghiệp là quá trình tạo ra trải nghiệm dành cho du khách, từ đó nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp gắn với du lịch.
Giới trẻ chịu chi tiền để trải nghiệm đời sống của cư dân vùng sông nước như: Làm nông dân, chèo ghe trên sông rạch, thăm vườn trái cây, thưởng thức đờn ca tài tử, ẩm thực thời khẩn hoang.
Nhìn nhận về sự phát triển mạnh mẽ của ngành du lịch ĐBSCL, nhất là du lịch nông nghiệp tại một diễn đàn trong khu vực, ông Hà Văn Siêu - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam yêu cầu, các địa phương ở ĐBSCL chủ động tìm giải pháp tăng giá trị sản phẩm nông nghiệp gắn với du lịch. Đối với TP Hồ Chí Minh cần phát huy hơn nữa vai trò dẫn dắt, đưa nguồn khách đến ĐBSCL.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp, nhà đầu tư cần chủ động, sáng tạo khai thác hiệu quả nguồn lực, tiềm năng du lịch của ĐBSCL, phát triển các chương trình du lịch nông nghiệp có sự tham gia của nông dân.
Ông Siêu cũng cho biết: Sẽ có hướng hỗ trợ mới cho loại hình du lịch này bằng cách đề xuất với Chính phủ và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành một chương trình phát triển du lịch nông nghiệp lồng ghép trong chương trình xây dựng nông thôn mới.
“Trước mắt, để du lịch nông nghiệp ĐBSCL thật sự bứt phá thì cần kết nối hạ tầng giao thông, hỗ trợ vốn vay cho các tổ chức cá nhân phát triển du lịch sinh thái, phát triển sản phẩm với chất lượng và nguồn cung đảm bảo; chất lượng sản phẩm du lịch phải độc đáo, đa dạng. Đặc biệt, du lịch nông nghiệp thì phải xác định chủ thể là người nông dân. Bởi chỉ có người nông dân mới viết nên câu chuyện du lịch nông nghiệp bản địa”, ông Siêu nhấn mạnh.
Theo Quy hoạch vùng ĐBSCL thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, đối với ngành du lịch sẽ phát triển ĐBSCL trở thành thương hiệu quốc tế về du lịch nông nghiệp, nông thôn, du lịch sinh thái và du lịch biển trên cơ sở phát triển sản phẩm và xúc tiến chung cho thương hiệu. Đồng thời, phát triển Cần Thơ và Phú Quốc trở thành hai trung tâm du lịch quốc tế, là cửa ngõ đón khách của toàn vùng.
End of content
Không có tin nào tiếp theo