Phát triển nông nghiệp hữu cơ, nông dân cần doanh nghiệp "chung sức"
Cần Thơ: Từ 1/6, thí điểm trả kết quả đăng ký doanh nghiệp trong 1 ngày làm việc / Cần Thơ tổ chức “Tuần lễ OCOP và các sản phẩm Tinh hoa hàng Việt Nam năm 2022”
Cần Thơ kỳ vọng sản phẩm hữu cơ đầu tiên
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Cần Thơ vừa phối hợp với Báo Nông nghiệp Việt Nam tổ chức tọa đàm "Sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ - Định hướng và giải pháp". Tại đây, bà con nông dân đã được nghe các diễn giả thông tin về tình hình, chính sách, quy định trong sản xuất nông nghiệp hữu cơ tại TP Cần Thơ.
Các diễn giả thông tin về tình hình, chính sách, quy định trong sản xuất nông nghiệp hữu cơ tại TP Cần Thơ.
Hiện nay, vấn đề tồn dư thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) trong rau quả còn cao, là mối lo chung của toàn xã hội. Trên thế giới, sản xuất nông nghiệp hữu cơ đã được ứng dụng từ rất lâu. Và ở Việt Nam, xu hướng này cũng không ngoại lệ, sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ thời gian qua được TP Cần Thơ quan tâm, chú trọng.
Ông Trần Thái Nghiêm - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) TP Cần Thơ cho biết: Hiện nay, Cần Thơ đang đẩy mạnh thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Thành phố đã khảo sát, định hướng quy hoạch sản xuất hữu cơ khoảng 4.000 ha lúa, 1.300 ha cây ăn trái và 150 ha rau; nuôi trồng thủy sản hữu cơ nằm trong ruộng lúa và vườn rau ăn trái.
Hiện, ngành nông nghiệp TP Cần Thơ đang tập trung phát triển nông nghiệp tuần hoàn gắn với quy hoạch và phát triển nông nghiệp hữu cơ. Thành phố đã quy hoạch một số vùng sản xuất hữu cơ trên lúa, rau, cây ăn trái. Dự kiến năm 2025 sẽ có 2 - 2,5% diện tích sản xuất nông nghiệp của Cần Thơ được chứng nhận hữu cơ; năm 2030 từ 4 - 5%.
Ông Nghiêm cho biết thêm: Để thực hiện tốt nhiệm vụ này, thành phố sẽ có những chính sách hỗ trợ cho nông dân mạnh dạn đầu tư và ứng dụng sản xuất theo hướng nông nghiệp hữu cơ trong thời gian tới; kế hoạch khảo sát để xây dựng các vùng sản xuất hữu cơ; thực hiện đồng bộ các chính sách theo tinh thần Nghị định 109 về phát triển nông nghiệp hữu cơ.
Bên cạnh đó, xây dựng chính sách để phát triển đồng bộ nông nghiệp, nông thôn; lồng ghép các chương trình khuyến nông, xây dựng nông thôn mới cũng như các chương trình khác để thúc đẩy phát triển nông nghiệp.
Song song đó, ngành nông nghiệp và các sở ngành cũng thường xuyên kêu gọi, tạo điều để các doanh nghiệp liên kết với nông dân, hợp tác xã trên địa bàn để thúc đẩy tổ chức các dự án sản xuất hữu cơ. Hiện nay, ngành nông nghiệp đang phối hợp với Tập đoàn Lộc Trời để triển khai dự án trồng xoài Cát Lộc theo hướng hữu cơ, một số doanh nghiệp cũng đã triển khai liên kết sản xuất lúa hữu cơ trên địa bàn...
“Đối với ngành nông nghiệp hiện nay phát triển sản xuất nông nghiệp nói chung và sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ đòi hỏi cần thiết là nông dân phải gắn kết với doanh nghiệp để bổ trợ, tạo điều kiện cho nông dân, cùng chia sẻ rủi ro, gánh vác chi phí, chia sẻ lợi nhuận. Với những giải pháp hiện nay, Cần Thơ kỳ vọng trong giai đoạn 2021 - 2025, Cần Thơ sẽ có sản phẩm hữu cơ đầu tiên”, ông Nghiêm nhận định.
Ông Nguyễn Minh Trí - Giám đốc Công ty Dafa Việt cho biết: Thời gian qua, đơn vị đã đồng hành cùng nông dân phát triển mô hình nông nghiệp hữu cơ thông qua việc xây dựng các mô hình điểm trên cây lúa tại một số tỉnh thành với quy mô từ 400 - 600ha. Bên cạnh đó, công ty cũng triển khai một số mô hình trên cây ăn quả, rau màu.
“Các mô hình đã góp phần thay đổi nhận thức của bà con nông dân về hiệu quả của việc chuyển đổi từ phân bón vô cơ sang hữu cơ; chất lượng sản phẩm, môi trường dần được cải thiện rõ. Thời gian tới, Công ty sẽ có những chính sách để nhân rộng mô hình điểm”, ông Trí nói.
Xu hướng hữu cơ để hội nhập quốc tế
Từ giữa năm 2021 đến nay, ngành nông nghiệp các địa phương vùng Đồng bằng sông cửu Long đã tổ chức ký kết với nhiều doanh nghiệp đi đầu trong sản xuất phân bón hữu cơ, thuốc BVTV sinh học và kết hợp xây dựng các mô hình trình diễn nhằm giúp người dân thay đổi dần tư duy sản xuất từ sử dụng thuốc BVTV hóa học sang sử dụng thuốc BVTV sinh học.
Vườn nhãn ido được trồng theo hướng sản xuất hữu cơ của Hợp tác xã Nông nghiệp Đồng Tâm (xã Định Môn, huyện Thới Lai, TP Cần Thơ).
Tại TP Cần Thơ, thời gian qua, ngành nông nghiệp đã và đang phối hợp với một số doanh nghiệp triển khai các mô hình sản xuất hữu cơ trên lúa, cây ăn trái. Tuy nhiên, sản xuất nông nghiệp hữu cơ chỉ ở bước đầu phát triển với quy mô và phạm vi nhỏ do đối mặt với nhiều khó khăn như tập quán canh tác thâm canh sử dụng nhiều phân thuốc, giá bán bấp bênh, biến đổi khí hậu.
Mặt khác, yêu cầu về chất lượng đất canh tác và nước tưới, không bị ô nhiễm bởi hóa chất tổng hợp từ công nghiệp, nông nghiệp và sinh hoạt dân sinh cũng là một trong những trở ngại làm giới hạn việc mở rộng diện tích canh tác hữu cơ.
Nhiều ý kiến cho rằng, để phát triển nông nghiệp hữu cơ bền vững vừa đảm bảo năng suất và chất lượng sản phẩm, ngành nông nghiệp thành phố cần thực hiện đồng bộ các giải pháp thúc đẩy cũng như phụ trợ.
Tiến sĩ Vũ Đức Khang - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển nông nghiệp hữu cơ Á Châu cho rằng: Nông nghiệp nước ta đang đứng trước những thách thức không nhỏ như ô nhiễm môi trường, đất đai bạc màu, suy giảm đa dạng sinh học, ngộ độc thuốc BVTV ở người. Việc sản xuất theo hướng hữu cơ, dẫn dắt cho sản xuất hữu cơ là rất cần thiết. Tuy nhiên, việc sản xuất theo hữu cơ hiện nay mới bắt đầu được biết đến, chưa đạt hiệu quả cao cho người sản xuất hữu cơ.
“Thời gian tới, xu hướng nông nghiệp hữu cơ vẫn sẽ là tất yếu, để môi trường, hệ sinh thái an toàn hơn và nền nông nghiệp Việt Nam bền vững, hội nhập thế giới”, Tiến sĩ Khang nhấn mạnh.
Về giải pháp để thực hiện nông nghiệp hữu cơ, Tiến sĩ Khang lưu ý: Cần ứng dụng mạnh mẽ các công cụ trong canh tác hữu cơ gồm: giống kháng sâu bệnh; chỉ dùng phân hữu cơ; không dùng thuốc hóa học mà phải phát huy tính chống chịu của cây trồng; chỉ làm ở lớp đất mỏng (10-15cm), bón phân để tạo điều kiện cho vi sinh vật hoạt động; luân canh cây trồng; quản lý cỏ dại.
“Bên cạnh các kỹ thuật canh tác hữu cơ, cần có các chính sách cụ thể để hỗ trợ quy mô sản xuất; sản xuất hữu cơ phải quy hoạch vùng quy mô lớn; các công cụ áp dụng giúp nông dân tự sản xuất phân bón tái lại sản xuất để giảm áp lực đầu vào cho nông dân; các mô hình triển khai giúp nông dân hiểu được nông nghiệp hữu cơ bền vững đạt được năng suất và chất lượng để thu hút được người dân sản xuất hữu cơ”, Tiến sĩ Khang cho biết thêm.
Trên thực tế, nông nghiệp hữu cơ đã và đang gia tăng liên tục trong những năm qua và có xu hướng tiếp tục tăng cao do sản xuất nông nghiệp hữu cơ phù hợp với chủ trương tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững, thân thiện với môi trường, hướng tới xuất khẩu, góp phần định vị và nâng cao thương hiệu sản phẩm nông nghiệp Việt Nam.
End of content
Không có tin nào tiếp theo