Chuyển đổi số

Hậu Giang: Chuyển đổi số phát triển nông nghiệp bền vững

DNVN - Xây dựng sàn thương mại điện tử (TMĐT) với 2 phiên bản web và phiên bản di động; 105 sản phẩm OCOP của tỉnh được giới thiệu trên sàn TMĐT với doanh thu hàng trăm triệu đồng/mỗi năm…. Đó là kết quả nổi bật của ứng dụng chuyển đổi số (CĐS) trong nông nghiệp của tỉnh Hậu Giang thời gian qua.

Chuyển đổi số để phát triển nông nghiệp bền vững / Hoàn thành thủ tục Hải quan thông minh vào năm 2030

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh: Hậu Giang là tỉnh chịu nhiều ảnh hưởng bất lợi về thời tiết bất thường; hạn hán, xâm nhập mặn; giá cả vật tư nông nghiệp tăng cao; giá bán nông sản không ổn định, dịch bệnh COVID-19. Giá trị sản xuất nông lâm nghiệp và thủy sản hàng năm tăng từ 3 đến 4%/năm, riêng trong 6 tháng đầu năm 2022, tăng 4,49%

Cũng theo ngành nông nghiệp tỉnh này: Hậu Giang có khoảng 136.000 ha đất nông nghiệp. Trong đó, diện tích lúa là 77.000 ha, phân nửa diện tích là trồng lúa chất lượng cao; diện tích trồng cây ăn trái là 44.512 ha; trồng cây hàng năm là 12.583 ha; ngành chăn nuôi của tỉnh chủ yếu là chăn nuôi gia súc và gia cầm với tổng đàn heo là 143 ngàn con; gia cầm 4,5 triệu con và sản lượng thủy sản là 80 ngàn tấn…Toàn tỉnh hiện có 15 hợp tác xã và 3 liên minh hợp tác xã phát triển toàn diện.

Đẩy mạnh CĐS để ngành nông nghiệp phát triển bền vững

Để phát triển nền nông nghiệp bền vững, tỉnh đã ban hành các chủ trương, cơ chế, chính sách phát triển nông nghiệp như Đề án cơ giới hóa; Đề án phát triển trạm bơm điện; Đề án chuyển đổi cơ cấu, cây trồng, vật nuôi; Đề án phát triển nông nghiệp bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu đến năm 2030.

Ngành nông nghiệp tỉnh đã tổ chức tập huấn và tư vấn hướng dẫn kỹ thuật canh tác trực tiếp, online, Zalo… đồng thời xây dựng các mô hình trình diễn, mô hình ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất.

Các đại biểu phát biểu tại hội nghị nhân tuần lễ thúc đẩy chuyển đổi số phát triển kinh tế vùng - Hậu Giang năm 2022

Các đại biểu phát biểu tại hội nghị nhân tuần lễ thúc đẩy chuyển đổi số phát triển kinh tế vùng - Hậu Giang năm 2022

Cùng với đó, tỉnh đẩy mạnh ứng dụng thực hiện CĐS trong nông nghiệp như: tập trung xây dựng hệ thống thông tin nông nghiệp; xây dựng sàn TMĐT theo địa chỉ https://nongsanhaugiang.com.vn với 02 phiên bản Web và Phiên bản di động; giới thiệu sản phẩm OCOP của tỉnh Hậu Giang. Theo đó, đến nay, tỉnh này có 105 sản phẩm nông nghiệp được công nhận OCOP; trong đó có 56 sản phẩm được công nhận 3 sao, 49 sản phẩm được công nhận 4 sao.

Điển hình là các sản phẩm OCOP mang thương hiệu chả cá Thát Lát Kỳ Như; Bánh phồng cá Thát Lát Kỳ Như của HTX Kỳ Như; gạo sạch Vị Thủy; chanh không hạt….

Tỉnh cũng đã ban hành Kế hoạch 211 ngày 17/12/2021 về việc hỗ trợ đưa hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn Thương mại điện tử, thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn giai đoạn 2021 – 2023. Đến nay, sàn Voso đã đăng 32 đơn vị với 76 sản phẩm của tỉnh, trong đó có 58 sản phẩm có chứng nhận OCOP, đã tiêu thụ gần 30 ngàn ký với doanh thu gần 430 triệu đồng; sàn PostMart đăng 47 đơn vụ với 89 sản phẩm, trong đó có 54 sản phẩm OCOP, tiêu thụ hơn 1.000 ký với doanh thu 80 triệu đồng.

105 sản phẩm OCOP của tỉnh được giới thiệu trên các sàn TMĐT với doanh thu hàng trăm triệu đồng/mỗi năm

105 sản phẩm OCOP của tỉnh được giới thiệu trên các sàn TMĐT với doanh thu hàng trăm triệu đồng/mỗi năm

 

Song song đó, Sở NN & PTNT tỉnh phối hợp với Viện nghiên cứu Công nghệ không gian và dưới nước - Trường Đại học Bách khoa Hà Nội triển khai thí điểm công nghệ Autimelapse trong truy xuất nguồn gốc một số loài nông sản ở Hậu Giang. Đến nay, đã thực hiện thí điểm ở 05 điểm trên địa bàn toàn tỉnh

Ngoài ra, ngành đã sử dụng các ứng dụng phần mềm được triển khai từ các đơn vị thuộc Bộ NN & PTNN như phần mềm QGis phiên bản 3.06 của Tổng cục Lâm nghiệp dùng để theo dõi cập nhật diễn biến rừng hàng tháng, hàng quý, năm; bản đồ sạt lở bờ sông, xói lở bờ biển để cập nhật tình hình sạt lở trên địa bàn Hậu Giang; lắp đặt khai thác số liệu quan trắc 10 trạm đo mặn tự động, 10 trạm đo mưa tự động.

Cùng với đó, tỉnh đã xây dựng cơ sở dữ liệu quản lý thông tin, sản xuất và tiêu thụ cá tra để theo dõi, cập nhật tình hình nuôi cá tra của cả nước nói chung và tỉnh Hậu Giang nói riêng; sử dụng phần mềm và hệ thống báo cáo dịch bệnh thủy sản của Cục thú y để cập nhật thông tin báo cáo tình hình dịch bệnh trên gia súc, gia cầm và thủy sản; ứng dụng phần mềm PPDMS trong công tác báo cáo điều tra phát hiện sinh vật gây hại trên cây trồng trên địa bàn tỉnh; ứng dụng phần mềm giám sát quản lý mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói đã được cấp mã số của Cục Bảo vệ thực vật xây dựng nhằm mục đích quản lý, truy xuất nguồn gốc các vùng trồng, cơ sở đóng gói xuất khẩu của tỉnh Hậu Giang nói riêng và cả nước nói chung.

Những thách thức, khó khăn CĐS ngành nông nghiệp

 

Theo bà Nguyễn Thị Giang, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh: Mặc dù đạt nhiều kết quả, song CĐS trong nông nghiệp thời gian qua cũng gặp không ít khó khăn, thách thức, nguyên nhân chủ yếu do doanh nghiệp (DN), hợp tác xã (HTX), hộ nông nghiệp chưa thấy hết được vai trò, sự cần thiết phải ứng dụng công nghệ số vào sản xuất; hệ thống dữ liệu của ngành để tích hợp, chia sẻ hầu như chưa có hoặc chưa đáp ứng yêu cầu kết nối, liên thông, tích hợp; một nguyên nhân khác là do hầu hết nông dân Hậu Giang chưa được đào tạo bài bản về chuyển đổi số”

Để khắc phục những hạn chế, vượt qua những khó khăn thách thức CĐS trong ngành thời gian tới, tỉnh này sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền của người dân về ứng dụng chuyển đổi số; xây dựng cơ bản Bản đồ số cơ sở dữ liệu thông tin ngành NN&PTNN tỉnh; xây dựng một số mô hình nông nghiệp thông minh trên lĩnh vực trồng trọt và chăn nuôi; tiếp tục hỗ trợ đưa hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn giao dịch TMĐT đồng thời xây dựng các thiết bị thông minh như nâng cấp các trạm đo chất lượng nguồn nước; lắp đặt bẫy đèn thông minh, hệ thống camera giám sát an toàn thực phẩm…

Để thực hiện những nội dung CĐS trong ngành nông nghiệp, tỉnh Hậu Giang mong muốn các đơn vị, DN hỗ trợ xây dựng, nâng cấp phần mềm cơ sở dữ liệu của Ngành nông nghiệp tỉnh; hỗ trợ xây dựng App phục vụ người dân khai báo trong sản xuất nông nghiệp; giới thiệu các ứng dụng, phần mềm CĐS trong nông nghiệp đã thực hiện hiệu quả của ở các tỉnh, thành phố.


Hòa Minh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm