Thị trường

Chờ 'sóng' dịch chuyển chuỗi cung ứng hậu Covid-19

Dịch Covid-19 có thể là chất xúc tác mới thúc đẩy “làn sóng” dịch chuyển chuỗi cung ứng từ Trung Quốc diễn ra nhanh hơn, sau khi đã được thúc đẩy bởi cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung. Liệu Việt Nam có chớp cơ hội để đón nhận “làn sóng” này.

Thủ tướng cho phép xuất khẩu khẩu trang y tế, yêu cầu "không để lỡ thời cơ" / Trái cây cần thận trọng khi 'khởi động' lại thị trường Trung Quốc

Dù dịch Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp, nhưng giới phân tích cho rằng Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội để đón nhận làn sóng dịch chuyển nhà máy khỏi Trung Quốc trong thời gian tới khi dịch bệnh lắng xuống.

Chất xúc tác mới

Mới đây, trên bản tin của Bloomberg cho biết Chính phủ Nhật Bản đã dành 2,2 tỷ USD nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp (DN) nước này rút khỏi Trung Quốc khi dịch Covid-19 phá vỡ chuỗi cung ứng giữa hai nước.

Hồi tháng trước, Chính phủ Nhật Bản đã thảo luận cách đưa hoạt động sản xuất các sản phẩm có giá trị gia tăng cao trở về Nhật và chuyển hoạt động sản xuất những mặt hàng khác sang các quốc gia Đông Nam Á.

Đây có thể là một tín hiệu tốt để Việt Nam đón nhận thêm nhiều dòng vốn Nhật cho thời kỳ hậu dịch Covid-19, nhất là trong bối cảnh hoạt động sản xuất kinh doanh của các DN Nhật ở Việt Nam trong thời gian qua không ngừng được mở rộng khi làm ăn hiệu quả.

Nhận định mới đây của một công ty nghiên cứu thị trường là JLL Việt Nam cho thấy khi các nhà máy buộc phải đóng cửa trong đợt bùng phát Covid-19 ở Trung Quốc, nhiều công ty lớn đã phải tính kế để vượt qua thời kỳ hạn chế sản xuất. Và Việt Nam vẫn là một điểm đến đầy hứa hẹn từ khi làn sóng dịch chuyển nhà máy khỏi Trung Quốc bắt đầu.

Thực ra, một số công ty đa quốc gia đã rục rịch lên kế hoạch mở rộng hoạt động ở Việt Nam từ năm ngoái, nhằm giảm áp lực hàng rào thuế quan mới đối với hàng hóa xuất khẩu từ Trung Quốc sang Mỹ trong cuộc chiến thương mại giữa hai nước và tìm kiếm thị trường thay thế phòng khi giá tăng cao.

Dữ liệu từ Cục điều tra dân số Mỹ cho thấy lượng hàng hóa Mỹ nhập khẩu từ Việt Nam năm 2019 tăng 35,6% so với cùng kỳ năm trước, đối nghịch với mức giảm 16,2% trong lượng hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc.

Dữ liệu năm nay sẽ bị ảnh hưởng do tác động của Covid-19 lên chuỗi cung ứng toàn cầu, nhưng xu hướng sản xuất chuyển từ Trung Quốc sang Việt Nam và các nước trong khu vực Đông Nam Á sẽ tiếp tục.

Hồi năm ngoái, báo cáo của Phòng Thương mại Mỹ cho biết khoảng 1/3 công ty Mỹ tại Trung Quốc xác định sẽ hủy bỏ hoặc tạm dừng đầu tư vào Trung Quốc. Có tới 40% DN cho hay sẽ dịch chuyển một phần hoặc toàn bộ dây chuyền sản xuất khỏi Trung Quốc, dự kiến đến các nước Đông Nam Á hoặc Mexico.

Giới phân tích nhận định dịch Covid-19 có thể là chất xúc tác mới thúc đẩy quá trình dịch chuyển sản xuất diễn ra nhanh hơn, sau khi đã được thúc đẩy bởi căng thẳng thương mại hồi năm ngoái. Do đó, khu vực Đông Nam Á nói chung và Việt Nam nói riêng sẽ càng hấp dẫn hơn cho các DN trong lương lai.

Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội đón “làn sóng” dịch chuyển chuỗi cung ứng hậu Covid-19
Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội đón “làn sóng” dịch chuyển chuỗi cung ứng hậu Covid-19

Chớp cơ hội “đón sóng”

Các tỉnh phía Bắc được cho là sẽ thu hút phần lớn các tập đoàn lớn muốn đa dạng hóa danh mục sản xuất bên cạnh cơ sở tại Trung Quốc, với nền tảng cơ sở hạ tầng phát triển khá tốt và vị trí cần kề với Trung Quốc.

Ông Stephen Wyatt, Tổng giám đốc JLL Việt Nam, đánh giá: Dù dịch Covid-19 đang gây ra những khó khăn nhất định đối với các quyết định cũng như hoạt động di dời, chủ đầu tư vẫn tự tin tăng giá đất trong quý đầu năm 2020, do đây là xu hướng đầu tư trong dài hạn.

Tại khu vực miền Nam, số lượng yêu cầu thuê đất tăng cao và các chủ đầu tư đã trở nên tự tin hơn trong việc tăng giá thuê đất. Giá đất trung bình trong quý I/2020 đạt 101 USD/m2/chu kỳ thuê, tăng 12,2% so với quý I/2019.

 

Nhà xưởng xây sẵn ở miền Nam có giá thuê dao động từ 3,5-5,0 USD/m2/tháng, tăng nhẹ ở Bình Dương, Tp.HCM, Long An và giữ mức ổn định ở các tỉnh còn lại.

Dưới tác động của dịch Covid-19, việc tạm hoãn các thỏa thuận thuê đất và các nhu cầu mới sẽ ngày càng rõ nét hơn nếu tình hình không sớm cải thiện. Thế nhưng, thị trường sẽ phục hồi và phát triển nhanh sau khi dịch được kiểm soát.

Tuy nhiên, việc phát triển logistics, cơ sở hạ tầng lại không tương ứng với mức tăng giá đất này vì quá trình phát triển cho những thay đổi đáng kể về hạ tầng vẫn diễn ra chậm chạp, do đó các nhà đầu tư tiềm năng phải bắt đầu tìm kiếm các giải pháp thay thế khác.

Giới chuyên gia cho rằng việc đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu do tác động của dịch bệnh đã khiến các DN nhận ra sự cấp bách của việc đa dạng hóa danh mục sản xuất, tránh phụ thuộc vào một quốc gia như ở Trung Quốc.

Theo ông Stephen Olson, chuyên gia của Hinrich Foundation, Việt Nam sẽ được hưởng lợi nhất định khi nhiều cơ sở sản xuất được dời từ Trung Quốc sang. Tuy nhiên, nhiều cơ sở sản xuất tân tiến mang lại giá trị cộng thêm cao sẽ vẫn tiếp tục được duy trì tại Trung Quốc vì những lợi thế cạnh tranh hấp dẫn của nước này.

 

Còn theo ông Stephen Wyatt, không phải tất cả các ngành sản xuất đều có thể dễ dàng chuyển sang Việt Nam. Mức lương công nhân sản xuất tại Trung Quốc hiện cao gấp 3 lần Việt Nam, nhưng trình độ tay nghề của công nhân cũng cao hơn.

Mặc dù vậy, với việc nhiều nhà đầu tư có khả năng thay đổi kế hoạch sản xuất của họ ở Trung Quốc và hướng đến dịch chuyển cho thời kỳ hậu dịch Covid-19 thì Việt Nam cũng cần chuẩn bị sẵn sàng để chớp cơ hội đón “làn sóng” này.

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm