Thị trường

Thừa Thiên Huế: Đảm bảo hàng hóa thiết yếu phục vụ người dân phòng chống Covid-19

DNVN – Đó là khẳng định của Sở Công thương tỉnh Thừa Thiên Huế sau khi tiến hành rà soát nguồn cung và tổ chức cuộc họp khẩn với các doanh nghiệp, siêu thị và cơ sở kinh doanh thực phẩm trên địa bàn tỉnh.

Chủ tịch Thừa Thiên Huế: Phòng dịch COVID-19 nhưng phải duy trì phát triển sản xuất, kinh doanh / Chủ tịch Thừa Thiên Huế: Phải đảm bảo tiến độ khởi công các dự án trọng điểm dù ảnh hưởng Covid-19

Sau khi có tình trạng người dân đổ xô đi mua thực phẩm dự trữ, ngày 8/3, Sở Công Thương tỉnh Thừa Thiên Huế đã tổ chức cuộc họp với các doanh nghiệp, siêu thị, cơ sở kinh doanh thực phẩm quy mô lớn trên địa bàn để nắm tình hình và nguồn cung hiện tại.

Qua đó, Sở Công Thương khẳng định mặc dù số lượng khách đi mua tăng đột biến, song với sự chủ động trong việc dự trữ hàng hóa nên trên địa bàn không có tình trạng khan hiếm hàng. Hiện, sức mua đang tăng cao, chủ yếu tập trung ở các siêu thị, chợ truyền thống nhưng lượng hàng cung ứng vẫn đảm bảo.

Cung cầu hàng hóa và các nhu yếu phẩm tại Thừa Thiên Huế vẫn ổn định (Ảnh: Báo Thừa Thiên Huế)

Nguồn cung cầu hàng hóa và các nhu yếu phẩm tại tỉnh Thừa Thiên Huế vẫn ổn định, dồi dào (Ảnh: Báo Thừa Thiên Huế)

Theo báo cáo từ các doanh nghiệp, hiện các siêu thị và đại lý trên địa bàn còn tồn kho gần 320 tấn gạo và 20.000 thùng mì tôm, các doanh nghiệp đang tiếp tục nhập hàng về cung ứng cho người dân nên không có tình trạng khan hiếm nguồn hàng.

Cũng theo Sở Công thương Thừa Thiên Huế, dự báo trước nhu cầu mua hàng của người dân trong giai đoạn dịch bệnh, các doanh nghiệp, siêu thị đã có kế hoạch chuẩn bị nguồn cung, chủ động tăng lượng dự trữ hàng hóa gấp 3-4 lần so với trước. Điển hình như, Siêu thị Big C tăng 3 lần lượng hàng dự trữ tại kho, Co.op Mart Huế tăng 50% và Vinmart tăng từ 30 - 50%. Bên cạnh đó, các nhà cung ứng đều có kế hoạch đảm bảo nguồn cung thực phẩm như gạo, mì, thực phẩm, sẵn sàng chuẩn bị nguồn hàng và không có hiện tượng găm hàng, sốt giá.

Trước đó, nhằm đảm bảo cung cầu thị trường, hàng hóa thiết yếu phục vụ người tiêu dùng, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã có văn bản yêu cầu Ban Chỉ đạo 389 tỉnh và các cơ quan chức năng của tỉnh đảm bảo cung cầu thị trường, hàng hóa thiết yếu phục vụ người tiêu dùng; kiểm tra, kiểm soát thị trường nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý các đối tượng vận chuyển, buôn bán hàng nhập lậu; đặc biệt là kiểm soát chặt các mặt hàng ảnh hưởng đến an toàn xã hội, hàng tiêu dùng thiết yếu...

Theo đó, đề nghị Ban Chỉ đạo 389 tỉnh và các cơ quan chức năng triển khai kiểm tra, kiểm soát thị trường nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý các đối tượng vận chuyển, buôn bán hàng nhập lậu; đặc biệt là kiểm soát chặt các mặt hàng ảnh hưởng đến an toàn xã hội, hàng tiêu dùng thiết yếu.

 

Chủ động tổ chức lực lượng triển khai các biện pháp để kiểm soát chặt chẽ, ngăn chặn hiệu quả hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, tàng trữ hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; tham mưu thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành trong trường hợp thị trường có biến động bất thường.

Cục Quản lý thị trường chủ trì, phối hợp Sở Công thương tiếp tục theo dõi diễn biến tình hình thị trường, vận động doanh nghiệp và các đơn vị phối hợp triển khai ngay các biện pháp đảm bảo nguồn cung các mặt hàng thiết yếu trên địa bàn tỉnh; kịp thời hỗ trợ các doanh nghiệp phân phối xử lý khó khăn vướng mắc trong quá trình cung ứng hàng hóa.

Tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp đầu cơ găm hàng gây khan hiếm giả tạo, hàng giả, hàng nhái trên thị trường, nhất là đối với các mặt hàng thiết yếu, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống nhân dân. Phối hợp Sở Công thương đẩy mạnh các hình thức mua bán hàng trực tuyến để đáp ứng nhu cầu hàng hóa của người dân.

Sở Công thương chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, địa phương, theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình thị trường; rà soát, đảm bảo cân đối cung cầu hàng hóa nhất là các mặt hàng thiết yếu; chỉ đạo các doanh nghiệp, siêu thị, các Ban quản lý chợ xây dựng kế hoạch dự trữ các mặt hàng thiết yếu để cung ứng đầy đủ cho nhân dân với giá cả hợp lý và chất lượng đảm bảo, không để xảy ra tình trạng khan hiếm hàng hóa, gây sốt giá.

Đồng thời cần triển khai các giải pháp đảm bảo nguyên vật liệu cho sản xuất kinh doanh và phương án tổ chức sản xuất, phân phối, lưu thông, cung ứng hàng hóa, đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng; hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho hoạt động bán lẻ theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị 11/CT-TTg ngày 04/3/2020. Tiếp tục chỉ đạo các doanh nghiệp đẩy mạnh hoạt động sản xuất kinh doanh, chủ động tập trung nguồn lực để dự trữ và lưu thông hàng hóa đảm bảo chất lượng cung ứng kịp thời.

 

Bên cạnh đó cần phối hợp với Sở Y tế, các doanh nghiệp thông tin các địa điểm cung cấp khẩu trang y tế trên địa bàn tỉnh. Phối hợp các doanh nghiệp, địa phương, đơn vị công bố các điểm cung cấp hàng hóa thiết yếu, gạo có lượng dự trữ lớn…

Ngoài ra, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế còn đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, chỉ đạo đẩy mạnh sản xuất, bảo đảm đủ nguồn cung lương thực, thực phẩm thiết yếu; có giải pháp cụ thể để đưa mặt bằng giá thịt lợn xuống mức hợp lý, bảo đảm hài hòa lợi ích của người sản xuất, khâu lưu thông phân phối và người tiêu dùng; xử lý nghiêm các trường hợp thao túng giá, đầu cơ, trục lợi…

Hết sức thận trọng nhưng không quá lo sợ

Tại buổi họp báo cung cấp thông tin về tình hình phòng chống dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn tỉnh, trưa 07/3, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Phan Ngọc Thọ khẳng định, hiện công tác phòng chống dịch Covid-19 của tỉnh vẫn đang nằm trong tầm kiểm soát, mọi thông tin liên quan đến dịch bệnh sẽ được tỉnh thông báo công khai, minh bạch.

 

“Tỉnh luôn chủ động phòng dịch gắn liền với phát triển và ổn định kinh tế - xã hội, bà con hãy bình tĩnh, không nên mua sắm tích trữ gây khan hiếm ảo hàng hoá; lượng hàng hóa được tỉnh chuẩn bị đầy đủ, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu mua sắm tiêu dùng của người dân”, thông qua truyền thông báo chí, ông Phan Ngọc Thọ, kêu gọi.

Chủ tịch tỉnh Thừa Thiên Huế cũng yêu cầu các cấp, các ngành cần chủ động, không chủ quan, xử lý nhanh và kịp thời các tình huống. Các đơn vị, địa phương tiếp tục triển khai các phương pháp phòng chống dịch; đẩy mạnh công tác thông tin, truyền thông để mọi người dân cùng biết bảo vệ sức khoẻ của mình, tham gia chống dịch với tinh thần “hết sức thận trọng nhưng không quá lo sợ”.

Viên Hữu
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm