Thị trường

Cơ hội để doanh nghiệp xuất khẩu gạo sang thị trường Hàn Quốc

Vụ Thị trường châu Á - châu Phi (Bộ Công Thương) cho biết, Tổng Công ty Thương mại nông, thủy sản và thực phẩm Hàn Quốc (KAFTC) thông báo mở thầu đợt 6 trong năm 2021 để mua 42.222 tấn gạo. Đây là cơ hội cho các doanh nghiệp tham gia đấu thầu mặt hàng chủ lực xuất khẩu mang về nguồn ngoại tệ lớn đóng góp vào kinh tế chung của đất nước.

Bưu chính cam kết tiêu thụ bưởi Phúc Trạch trên sàn thương mại điện tử / Nông dân vùng “thủ phủ” tôm Cà Mau gặp khó do mặt hàng chủ lực tụt giá

Xuất khẩu gạo của tỉnh An Giang. Ảnh minh họa: Công Mạo/TTXVN
Theo đó, mã mở thầu AT2259-BRI-21(149) với chủng loại gạo lứt hạt vừa có quota theo quốc gia, xuất xứ Hoa Kỳ theo tiêu chuẩn US.3 có số lượng đấu thầu 20.000 tấn và thời gian giao hàng vào 30/4/2022 tại cảng Incheon.
Cùng với đó là mã AT2260-BRI-21(150) đối với gạo lứt hạt dài, quota toàn cầu và xuất xứ không giới hạn theo tiêu chuẩn US.3 có số lượng đấu thầu 11.111 tấn, thời gian giao hàng vào 28/2/2022 tại cảng Gunsan.
Ngoài ra, với mã AT2261-BRI-21(151) cho gạo lứt hạt dài có quota toàn cầu và xuất xứ không giới hạn, mã US.3 có số lượng đấu thầu 11.111 tấn và thời gian giao hàng vào 31/3/2022 tại cảng Ulsan.
Theo Vụ Thị trường châu Á - châu Phi, Hàn Quốc lựa chọn phương pháp đấu thầu cạnh tranh công khai. Tuy nhiên, tất cả các doanh nghiệp tham gia đấu thầu phải đáp ứng yêu cầu tại Điều 3 và không bị giới hạn tư cách tham gia đấu thầu theo khoản 1, Điều 7 của Thư mời đấu thầu gạo theo cơ chế hạn ngạch thuế quan (TRQ); thư mời thầu gửi kèm theo hoặc đáp ứng các yêu cầu về điều kiện tham gia đấu thầu của doanh nghiệp quy định tại: Điều 27 của Luật về Hợp đồng mà Nhà nước là bên đối tác và Điều 76 của Nghị định thực thi Luật về hợp đồng mà Nhà nước là bên ủy quyền.
Thời hạn đăng ký đấu thầu trước 15h00 thứ tư, ngày 8/9/2021 theo giờ Hàn Quốc và nộp hồ sơ trực tiếp hoặc qua hệ thống đấu thầu điện tử www.atbid.co.kr.
Vụ Thị trường châu Á - châu Phi cũng lưu ý, để nộp hồ sơ qua hệ thống đấu thầu điện tử, doanh nghiệp phải đăng ký chứng thực vân tay điện tử trước với aT theo hướng dẫn chi tiết xem Điều 4 và Điều 5 của thư mời thầu gửi kèm theo.
Cùng với đó kèm hàng mẫu gồm 5 túi, mỗi túi 2 kg gạo và mang hàng mẫu trực tiếp qua Văn phòng quản lý lương thực thuộc Tổng Công ty Thương mại nông, thủy sản và thực phẩm Hàn Quốc hoặc gửi qua đường bưu điện tới aT Center (Korea Agro - Fisheries & Food Trade Coporation, 227, Munwha -ro, Naju – si, Jeollanam – do, Republic of Korea). Thời gian mở thầu: 60 phút từ 10h00 – 11h00 thứ 5 ngày 9/9/2021.
Để biết thêm thông tin chi tiết, doanh nghiệp nghiên cứu kỹ Thư mời thầu của Tổng Công ty Thương mại nông, thủy sản và thực phẩm Hàn Quốc gửi kèm theo hoặc liên hệ với phòng Gạo của Tổng Công ty Thương mại nông, thủy sản và thực phẩm Hàn Quốc (sđt: 061 – 931 – 0751 ~ 53).
Ngoài ra, doanh nghiệp có thể liên hệ với Vụ Thị trường châu Á - châu Phi theo số 093.638.3288; email: ngavuv@moit.gov.vn; địa chỉ: 54 Hai Bà Trưng, Hà Nội hoặc Thương vụ Việt Nam tại Hàn Quốc để được hỗ trợ theo số điện thoại:0082-2.364-3661~2/362-2013; email: kr@moit.gov.vn; địa chỉ: 6th Fl., Golden Bridge Bldg., No.222 Chungjeongno 3-ga, Seodaemun-gu, Seoul, 120-708, Republic of Korea.
Theo thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu gạo của cả nước trong tháng 7/2021 tăng 6,6% về lượng so với tháng 6/2021 nhưng giảm nhẹ 0,6% về kim ngạch và giảm 6,7% về giá, đạt 464.792 tấn, tương đương 240,15 triệu USD, giá trung bình 526,7 USD/tấn. So với tháng 7/2020 thì giảm 2,9% về lượng nhưng tăng 3,6% kim ngạch và tăng 6,7% về giá.
Đặc biệt, trong phiên mở thầu mới đây, Công ty Cổ phần Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An (Trung An Cần Thơ) đã tiếp tục trúng thầu bán hai lô gạo cho thị trường Hàn Quốc. Như vậy, chỉ trong vòng 4 tháng, Trung An Cần Thơ đã hai lần trúng thầu xuất khẩu gạo sang Hàn Quốc, dù dịch COVID-19 diễn biến phức tạp.
Ông Trần Quốc Toản - Phó Cục trưởng Cục Xuất Nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, gạo Việt Nam hoàn toàn đủ năng lực cả về số lượng và chất lượng để cạnh tranh với gạo của các nước trên thị trường thế giới bởi người trồng lúa và doanh nghiệp chế biến gạo để xuất khẩu đã có sự chủ động trong việc nâng cao giá trị hạt gạo và cũng đã có sự thay đổi kịp thời các chủng loại gạo để sản xuất, đáp ứng nhu cầu, tín hiệu thị trường.
Cũng theo ông Trần Quốc Toản, trong thời gian qua các hiệp hội, doanh nghiệp xuất khẩu gạo cũng đã có sự chủ động trong việc tìm kiếm thị trường cũng như thay đổi chủng loại gạo xuất khẩu để đáp ứng các nhu cầu khắt khe của các nước nhập khẩu; đồng thời thông tin cho người nông dân để có sự điều chỉnh trong quá trình sản xuất.
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm