Đã có gần 70 hãng hàng không khai thác đường bay quốc tế đến Việt Nam sau dịch COVID-19
Hội chợ Du lịch quốc tế VITM Đà Nẵng 2022: Tập trung phục hồi và phát triển du lịch quốc tế / Đà Nẵng: Cần phân tích rõ nguyên nhân thu ngân sách có dấu hiệu chững lại
Tại hội thảo "Hợp tác Hàng không - Du lịch: Kết nối điểm đến toàn cầu", đại diện Cục Hàng không Việt Nam cho biết, đến thời điểm hiện tại đã có hơn 63 hãng hàng không nước ngoài và 4 hãng hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines, Vietjet Air, Bamboo Airways và Pacific Airlines) khai thác hành khách trên 154 đường bay quốc tế kết nối 26 quốc gia, vùng lãnh thổ đến 5 điểm của Việt Nam là Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Khánh Hòa và Phú Quốc.
Cục Hàng không Việt Nam khuyến khích và tạo điều kiện cho các hãng hàng không khai thác các thị trường mới.
Cụ thể, Trung Quốc là một thị trường lớn của các hãng hàng không hai nước, năm 2019 có 14 hãng hàng không khai thác trên 70 đường bay từ 5 điểm Việt Nam đến 48 điểm ở Trung Quốc với tần suất hơn 600 chuyến bay/tuần, vận chuyển 7,6 triệu khách vào năm 2019. Tuy nhiên hiện thị trường này vẫn đang ở mức độ khai thác rất hạn chế với tần suất 16 chuyến bay/tuần cho mỗi bên
“Hiện tại, Việt Nam không có bất kỳ hạn chế nào đối với các hãng hàng không của 2 nước trong việc chở khách đi/đến Việt Nam, tuy nhiên phía Trung Quốc vẫn áp dụng các hạn chế về tần suất, điểm đến đối với các chuyến bay chở khách chiều từ Việt Nam vào Trung Quốc”, ông Bùi Minh Đăng cho biết.
Bên cạnh đó, thị trường khách Nga bị đóng băng, chưa biết đến khi nào mở lại, trong khi đây là một trong những thị trường lớn của Việt Nam với lượng khách du lịch từ 18 điểm của Nga đến Việt Nam, đặc biệt là các điểm du lịch như Đà Nẵng, Cam Ranh, Bình Thuận, Phú Quốc. Năm 2019, có 8 hãng hàng không Nga và Vietnam Airlines khai thác thị trường này, vận chuyển hơn 1,6 triệu khách, chủ yếu là khách du lịch.
Trước tình hình này, đại diện Cục Hàng không Việt Nam cho biết, trong thời gian qua Cục đã chủ động, tích cực trao đổi với các các nhà chức trách hàng không của Nga, Đức, Anh, Lào, Cambodia, Trung Quốc, Ấn Độ, Đài Loan, Úc, Thái Lan, Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore, Balan, Rumani trong việc mở lại các đường bay quốc tế và hỗ trợ các khó khăn trong quá trình khôi phục các đường bay quốc tế.
Các bên đã rà soát các quy định pháp lý, nhu cầu thị trường và các quy định về phòng, chống dịch để đưa ra các chính sách về khai thác quốc tế phù hợp với thực tế của công tác phòng, chống dịch, diễn biến của kinh tế, chính trị, xã hội Việt Nam và quốc tế nhằm khôi phục lại hoạt động vận tải hàng không quốc tế.
Để bù đắp cho sự thiếu hụt nguồn khách của thị trường Trung Quốc và Nga, Cục Hàng không Việt Nam cũng khuyến khích và tạo điều kiện cho các hãng hàng không khai thác các thị trường mới như Ấn Độ và các quốc gia Trung Á thuộc Liên Xô cũ như Kazakhstan, Uzbekistan, Turkmenistan.
Ông Bùi Minh Đăng cho biết, năm 2022, dự kiến vận chuyển quốc tế đi/đến Việt Nam đạt 11 triệu hành khách khách, bằng 27% so năm 2019; tuy nhiên chỉ tính riêng quý IV/2022 thì tổng thị trường quốc tế đạt 5,1 triệu khách, bằng 50% so cùng kỳ năm 2019. Dự báo năm 2023, vận chuyển quốc tế đi/đến Việt Nam đạt 34 triệu hành khách, tăng 3 lần so năm 2022 và bằng 83% so năm 2019.
End of content
Không có tin nào tiếp theo