Thị trường

Điểm danh khó khăn của ngành nông nghiệp trong những tháng cuối năm 2021

DNVN - Trong 8 tháng đầu năm, ngành nông nghiệp vẫn đáp ứng tốt nhu cầu về lương thực, thực phẩm trong nước và xuất khẩu. Tuy nhiên do ảnh hưởng của COVID-19, ngành đang đứng trước rất nhiều khó khăn và thách thức, cần có sự hỗ trợ từ Chính phủ cũng như các Bộ, ban, ngành địa phương.

Lo ngại tình trạng giá nhiều loại vật tư nông nghiệp tăng phi mã / Nhiều địa phương than khó khi triển khai đưa các hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử

Những khó khăn

Năm 2021, ngành nông nghiệp đang đứng trước những thách thức lớn. Bên cạnh đó, dịch bệnh COVID-19 làm sản xuất, lưu thông, xuất khẩu nông sản vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Trong ”Báo cáo sản xuất, tiêu thụ, xuất khẩu nông sản trong điều kiện dịch bệnh COVID-19”, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) đã điểm một loạt những khó khăn trong sản xuất mà ngành nông nghiệp đang gặp phải những tháng cuối năm 2021.

Về nguồn vốn: Theo Bộ NN-PTNT, phần lớn nhà sản xuất, doanh nghiệp chế biến nông sản gặp khó khăn, thiếu hụt vốn để duy trì sản xuất kinh doanh do tồn đọng nhiều sản phẩm không tiêu thụ được, lưu thông hàng hóa khó khăn nên sản phẩm quá lứa, quá thời gian thu hoạch, bị hư hỏng, ứ đọng. Chi phí sản xuất phát sinh quá lớn (các doanh nghiệp gỗ tăng khoảng 20-30%), khiến nhiều doanh nghiệp khó khăn trong việc duy trì sản xuất. Thậm chí một bộ phận người dân, doanh nghiệp phải dừng sản xuất, kinh doanh do không đủ nguồn lực để chi trả các khoản vay đến hạn, tái đầu tư. Việc tiếp cận các khoản vay mới từ các tổ chức tín dụng gặp nhiều khó khăn.

Về lưu thông: Theo báo cáo của Bộ Giao thông vận tải và phản ánh của các doanh nghiệp sản xuất nông sản, vận chuyển hàng hóa, vật tư, sản phẩm ra vào khu vực sản xuất vẫn gặp khó khăn tại các huyện, xã, thôn bản. Việc hướng dẫn di chuyển, đi lại cho người lao động tại một số địa phương còn chưa sát thực tế. Một số chốt kiểm tra ở một vài thời điểm vẫn bị ùn tắc giao thông dẫn đến vận chuyển hàng tươi sống không được thuận lợi.

Có 4 tỉnh còn quy định không cho xe của địa phương khác vào và hàng hóa phải sang xe rất khó khăn cho việc bốc vác, tăng nhiều chi phí (trọng tải 10-20 tấn đặc biệt là động vật sống). Có địa phương bắt buộc lái xe và người ngồi trên xe phải có giấy xác nhận tiêm phòng và phải có kết quả xét nghiệm PCR, không chấp nhận test nhanh.

Ngành nông nghiệp phải đối mặt với một loạt khó khăn trong những tháng cuối năm 2021.

Ngành nông nghiệp phải đối mặt với một loạt khó khăn trong những tháng cuối năm 2021.

Về việc triển khai thực hiện “3 tại chỗ”: Các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, chế biếngặp nhiều khó khăn, vướng mắc, phát sinh chi phí lớn. Nhiều doanh nghiệp không thể bố trí đủ cơ sở vật chất để thực hiện sản xuất, kinh doanh theo phương thức này. Việc triển khai “3 tại chỗ” còn chưa phù hợp với đặc điểm, điều kiện của từng địa phương, khu vực, các đối tượng và lĩnh vực sản xuất.

Về lao động: Nhân lực phục vụ sản xuất, chế biến nông sản tại các nhà máy gặp khó khăn do một lực lượng lao động lớn trở về địa phương khi thực hiện giãn cách xã hội. Việc tuyển dụng lại lao động phục vụ sản xuất, kinh doanh sau giai đoạn giãn cách sẽ rất khó khăn cho doanh nghiệp.

Việc xuất hiện các trường hợp F0 tại các cơ sở sản xuất, chế biến đã khiến nhiều doanh nghiệp phải dừng hoạt động để bảo đảm không lây lan dịch bệnh, hoặc do nằm trong khu vực phải cách ly, phong tỏa, dẫn đến tình trạng đứt gãy các chuỗi sản xuất, cung ứng. Hơn nữa, nhiều doanh nghiệp không có nhân viên y tế nên gặp khó khăn trong thực hiện mục tiêu kép, phát sinh các chi phí y tế lớn khiến doanh nghiệp càng khó khăn.

Chi phí vận chuyển hàng hóa tăng cao: Nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn trong quá trình vận chuyển vật tư, sản phẩm nông sản ra vào khu vực sản xuất, nơi các địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội. Chi phí vận tải biển tăng cao lên 6-7 lần, thậm chí đến 10-13 lần ở một số chặng mà doanh nghiệp không đặt được tàu và container để xuất khẩu. Việc thực hiện hướng dẫn cấp giấy đi đường cho người lao động, hướng dẫn tại một số địa phương còn chưa sát thực tế, gây khó khăn cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu.

Chi phí nguyên liệu và vật tư đầu vào: Giá thức ăn chăn nuôi, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật liên tục tăng, Giá vật tư như thức ăn chăn nuôi, thủy sản tăng từ 16-30%; Chi phí điện, nước cho sản xuất, kho lạnh, chi phí lưu kho và nhiều chi phí khác tăng. Nhiều doanh nghiệp dừng sản xuất vẫn phải tiếp tục đóng các khoản chi phí (lương cho công nhân khi nghỉ dịch bệnh, chi phí test covid, phí công đoàn, BHXH). Trong khi đó, giá sản phẩm nông sản giảm sâu khiến sản xuất và thương mại của ngành nông nghiệp, giảm sút cả về lượng và giá trị, giá bán sản phẩm có loại chỉ bằng 30% giá thành.

Nhu cầu tiêm vaccine cho công nhân sản xuất, chế biến, thu hái, đóng gói, thu mua, vận chuyển lưu thông hàng hóa rất cao, nhưng hiện vaccine chỉ mới đáp ứng được 10 -15% cho mũi thứ nhất.

Khu vực hợp tác xã (HTX) nông nghiệp bị tác động nặng nề:Đến nay có 80-90% số HTX nông nghiệp tại các địa phương thực hiện giãn cách đã bị giảm doanh thu, trong đó khoảng 30% số HTX giảm từ 50% đến 70% doanh thu; 40% số HTX giảm từ 30% đến 50% và 20% còn lại ít bị ảnh hưởng hơn. Khoảng 1/2 lao động thường xuyên của HTX bị giảm hoặc cắt lương.

Kiến nghị giải pháp

Để cho ngành nông nghiệp hoàn thành kế hoạch sản xuất năm 2021, Bộ NN-PTNT kiến nghị Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương phối hợp tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong sản xuất, chế biến, lưu thông, xuất nhập khẩu nông lâm thủy sản và vật tư nông nghiệp.

Theo đó, thứ nhất, xem xét giảm thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp trong năm 2021 và 6 tháng năm 2022. Giảm thuế nhập khẩu nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, thủy sản, vật tư đầu vào. Giảm thuế bảo vệ môi trường, gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng. Giảm tiền thuê đất của năm 2021-2022 cho các đối tượng bị ảnh hưởng bởi đại dịch.

Thứ hai, chỉ đạo xây dựng cơ chế mở cửa hoạt động xã hội đối với những người dân đã được tiêm đủ 1 mũi và 2 mũi vaccine ở các tỉnh, thành phố để có lao động duy trì sản xuất, lưu thông và tiêu thụ hàng hóa nông sản. Các lái xe và người trên xe sau khi đã được tiêm phòng 2 mũi vắc xin thì có thể miễn xét nghiệm hoặc kéo dài thời gian xét nghiệm 1 tháng/lần, để giảm chi phí vận chuyển và tạo điều kiện cho lưu thông.

Thứ ba, chỉ đạo các địa phương rà soát lại việc thực hiện “3 tại chỗ” để phù hợp với thực tiễn từng loại hình doanh nghiệp. Phải có các quy định phù cho các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm và chế biến khó thực hiện “3 tại chỗ” có thể định kỳ test nhanh COVID- 19 cho người lao động trực tiếp làm việc.

Thứ tư, có chính sách mạnh mẽ nhằm khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp, cơ sở thu mua chế biến hàng nông sản; doanh nghiệp liên kết với các HTX tập trung, các vùng nguyên liệu để đẩy mạnh chế biến, chế biến sâu. Xem xét gói hỗ trợ để khôi phục sản xuất đối với nông dân trực tiếp sản xuất gặp khó khăn do COVID-19 đối với các địa phương thực hiện giãn cách xã hội.

Thứ năm, có chỉ thị các bộ ngành, địa phương tăng cường sản xuất, lưu thông hàng hóa và xuất khẩu nông sản.

Bên cạnh đó, Bộ nông nghiệp cũng đề xuất Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước cần có biện pháp giảm thuế nhập khẩu nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, vật tư đầu vào, hỗ trợ tín dụng, lãi suất ngân hàng cho các cơ sở sản xuất để giảm chi phí đầu vào, hạn chế nguy cơ thiếu thực phẩm vào những tháng cuối năm; xem xét xây dựng gói tín dụng đặc biệt cho ngành Nông nghiệp.

Với Bộ Công Thương và Bộ Giao thông Vận tải, có biện pháp tháo gỡ về chi phí logistics trong xuất khẩu hàng hóa. Chỉ đạo các tập đoàn phân phối trong nước tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh tiêu thụ trong nước, ưu tiên tiêu thụ sản phẩm nông sản tại địa phương - nơi có hoạt động của doanh nghiệp. Xem xét hỗ trợ giảm ít nhất 1/2 chi phí điện năng cho các doanh nghiệp hoạt động trong sản xuất, chế biến phải duy trì "3 tại chỗ" (nhất là các nhà máy, kho lạnh)...

Thiên An
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm