Điều hành chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm
Nhiều dự án tồn đọng kéo dài đã được xử lý / Mỹ yêu cầu ký quỹ với nhôm đùn ép Việt Nam thấp nhất 2,85%, cao nhất 41,84%
Bên cạnh các giải pháp tập trung vào chính sách tiền tệ, Chỉ thị số 14 cũng yêu cầu các bộ ngành và địa phương thực hiện tốt một số nhiệm vụ, công việc, để phối hợp đồng bộ với chính sách tiền tệ, thực hiện mục tiêu tổng quát đã đặt ra. Trong đó, đối với Bộ Tài chính, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tiếp tục điều hành chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm.
Điều này có nghĩa là tiếp tục thực hiện chính sách tài khóa hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế, dù có thể giảm thu ngân sách nhưng đảm bảo nuôi dưỡng nguồn thu trong dài hạn. Điển hình của chính sách tài khóa mở rộng là thực hiện giảm 2% thuế giá trị gia tăng để kích cầu đầu tư và tiêu dùng. Đây cũng là giải pháp đã được Bộ Tài chính triển khai có hiệu quả trong thời gian qua.
Theo báo cáo và tham mưu của Bộ Tài chính, mới đây, Chính phủ đã có Tờ trình số 177 gửi Quốc hội về kết quả thực hiện việc giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng theo Nghị quyết số 110 năm 2023 của Quốc hội. Nhìn chung, những giải pháp tài khóa mở rộng đã ban hành và thực hiện từ đầu năm 2024 là khoảng 68 nghìn tỷ đồng.
Ảnh minh họa: KT.
Trong đó, giảm 2% thuế giá trị gia tăng trong 6 tháng đầu năm theo Nghị quyết số 110 của Quốc hội, với mức thực hiện khoảng 25 nghìn tỷ đồng; Giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn trong năm 2024 theo Nghị quyết số 42 năm 2023 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khoảng 42,5 nghìn tỷ đồng; Giảm phí, lệ phí khoảng 100 tỷ đồng.
Tuy nhiên, dựa trên đánh giá những khó khăn còn tiếp diễn trong thời gian tới, cả từ kinh tế quốc tế và trong nước, nên tại Tờ trình số 177, Chính phủ đề xuất Quốc hội xem xét tiếp tục thực hiện chính sách giảm thuế giá trị gia tăng - VAT trong 6 tháng cuối năm. Thực tế, đây cũng là kỳ vọng được doanh nghiệp và các chuyên gia nhiều lần kiến nghị.
Từ phía cơ quan tham mưu chính sách, lãnh đạo Bộ Tài chính khẳng định, không phải vì lo ngại ảnh hưởng tới nguồn thu ngân sách nhà nước mà không thực hiện kéo dài các chính sách thuế hỗ trợ người dân, doanh nghiệp. Tuy nhiên, dựa trên tính toán nguồn lực tài khóa – ngân sách còn eo hẹp của nước ta, thì phải thẳng thắn nhìn nhận rằng, chính sách tài khóa mở rộng là giải pháp “giải khát” cập bách, chứ không thể duy trì lâu dài.
Do đó, chính sách giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng được Quốc hội xem xét triển khai trong 6 tháng đầu năm, sau đó dựa trên đánh giá tình hình khó khăn thực tế mới xem xét có tiếp tục kéo dài thực hiện hay không.
GS.TS Tô Trung Thành, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân nêu vấn đề: "Chính sách tài khóa 2 năm qua đứng trước tình thế lưỡng nan vì dư địa còn không quá lớn, nhìn vào thu ngân sách đang thu hẹp, vừa muốn tiếp tục nới lỏng chi tiêu, vừa muốn giảm thuế hỗ trợ kinh tế, nên cán cân ngân sách gia tăng rủi ro… Tính toán lại tỷ lệ thâm hụt ngân sách, tỷ lệ bội chi ngân sách từ 2019 đến nay, các biện pháp kích thích tăng trưởng cũng như khó khăn nguồn thu khiến thâm hụt ngân sách gia tăng, nhưng nợ công vẫn trong ngưỡng an toàn… thì đánh giá giai đoạn tới dư địa tài khóa kích thích tăng trưởng còn nhưng không quá lớn, hàm ý cần có tài khóa kích thích trọng tâm hơn".
Trước mắt, trong bối cảnh mô hình kinh tế chưa có cải thiện về chiều sâu, thì để đạt mục tiêu tăng trưởng cao ngay trong năm 2024, Chính phủ vẫn sẽ phải dựa vào các chính sách trọng cầu cấp bách để phục hồi nhanh chóng tiêu dùng, đầu tư và cả xuất khẩu.
Theo đó, chính sách tài khoá vẫn là chủ công, nhưng cần hỗ trợ trọng tâm, trọng điểm hơn, với sự bổ trợ hiệu quả từ chính sách tiền tệ. Cũng chính vì thế, tại tờ trình số 177, Chính phủ trình Quốc hội xem xét, cho phép tiếp tục thực hiện chính sách giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng, đối với một số nhóm hàng hóa, dịch vụ trong 6 tháng cuối năm 2024.
Điều này có nghĩa là tiếp tục thực hiện chính sách tài khóa mở rộng hợp lý và có trọng tâm trọng điểm, có thời hạn thực hiện và không dàn trải. Đặc biệt, thời gian qua, ngành tài chính đã nỗ lực phối hợp chặt chẽ chính sách tài khóa với chính sách tiền tệ để tăng cường hiệu quả hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi nhận định: "Chính sách tiền tệ mang lại những kết quả tốt, và chính sách tài khóa thời gian qua là bệ đỡ vững chắc cho chính sách tiền tệ linh hoạt trên nền tảng đó… Chính sách tài khóa mở rộng có trọng tâm trọng điểm, đúng trúng hiệu quả. Trong khó khăn, chính sách tài khóa hướng tới doanh nghiệp, người dân, đầu tư vào đâu tạo ra động lực đầu tư công, hiệu quả, phát triển...".
Như vậy, việc tập trung thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp về chính sách tài khóa và tiền tệ trong thời gian qua, đã có tác động tích cực trong việc hỗ trợ doanh nghiệp và người dân ổn định sản xuất, kinh doanh, đời sống của người dân được trở lại bình thường, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, tạo điều kiện thuận lợi để thúc đẩy phục hồi và tăng trưởng kinh tế.
Về phía Bộ Tài chính, luôn nhấn mạnh sẽ nỗ lực điều hành chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm. Tuy nhiên, chuyên gia kinh tế cũng khuyến nghị, cần thẳng thắn nhìn nhận việc dư địa cho chính sách tài khoá hỗ trợ tăng trưởng, dù còn nhưng không quá lớn, đòi hỏi cần nhanh chóng chuyển sang chính sách hỗ trợ chủ động và hiệu quả hơn.
Đó là đẩy mạnh cải thiện môi trường kinh doanh, tạo động lực thúc đẩy phát triển doanh nghiệp. Đây mới là giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế căn cơ, dài hạn và bền vững. Và nền kinh tế đang chờ đợi nỗ lực chuyển đổi này một cách mạnh mẽ của Chính phủ và các bộ ngành địa phương trong thời gian tới.
Chỉ thị số 14/2024 của Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh 3 nhiệm vụ trọng tâm đối với Bộ Tài chính:
- Tiếp tục điều hành chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm, phối hợp đồng bộ, hài hòa, linh hoạt, chặt chẽ với chính sách tiền tệ và các chính sách kinh tế vĩ mô khác để thúc đẩy tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.
- Khẩn trương rà soát, hoàn thiện các quy định liên quan đến chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, phát triển thị trường chứng khoán trở thành kênh huy động vốn trung, dài hạn hiệu quả của doanh nghiệp.
- Phối hợp với Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung triển khai các giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động của Quỹ Bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa.
End of content
Không có tin nào tiếp theo